Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngai vàng triều Nguyễn bị phá hoại: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Không đơn thuần là một sự cố, vụ việc ngai vàng triều Nguyễn, bảo vật quốc gia trưng bày tại điện Thái Hòa (Đại nội Huế) bị du khách lẻn vào phá hoại là lời cảnh tỉnh trong công tác bảo vệ di sản.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên26/05/2025

Vụ việc một du khách lẻn vào khu vực giới hạn của điện Thái Hòa (Đại nội Huế) bẻ gãy tay ngai có chạm khắc đầu rồng của ngai vàng triều Nguyễn là sự cố hiếm thấy. Thế nhưng, không thể chấp nhận việc viện dẫn lý do "bất ngờ" hoặc "khó lường" để biện minh cho hậu quả nghiêm trọng: một bảo vật quốc gia bị hư hại ngay trong di tích lịch sử quan trọng bậc nhất như Đại nội Huế.

Ngai vàng triều Nguyễn là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ, cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Với giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật và biểu trưng đặc biệt, nó không chỉ là một bảo vật, mà là chứng tích hiếm hoi còn nguyên vẹn từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy nó đã không được bảo vệ tương xứng với giá trị đó. Một vài sợi dây giăng ngang, một tấm biển nhắc nhở và không một nhân sự túc trực thường xuyên... có thực sự ngăn cản được những kẻ phá hoại dù là vô tình hay cố ý?

Ngai vàng triều Nguyễn bị phá hoại: Lời cảnh tỉnh đau đớn về việc buông lỏng - Ảnh 1.

Cận cảnh ngai vàng triều Nguyễn

ẢNH: HOÀNG LÊ

Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm trong công tác bảo vệ di sản ở đâu khi mà hằng ngày có hàng ngàn lượt khách ra vào di tích, khi mà mức phí tham quan không hề thấp. Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thời gian qua trung tâm đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản (tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích...), song việc ngai vàng bị phá hoại cho thấy hệ thống an ninh lẫn vai trò giám sát quản lý còn lỏng lẻo. 

Việc sau sự cố mới "rút kinh nghiệm", "phối hợp chuyên gia", "lên phương án siết chặt"... được dư luận cho rằng khác nào "mất bò mới lo làm chuồng". Trong trường hợp này, đây không chỉ là tài sản vô giá của dân tộc mà còn là lòng tin của công chúng vào hệ thống bảo vệ di sản. Không thể trông đợi sự cảm thông từ dư luận khi một bảo vật lại bị tiếp cận và phá hủy dễ dàng như vậy.

Nhìn ra thế giới, tại các bảo tàng danh tiếng như Louvre (Pháp), British Museum (Anh), hay Bảo tàng cố cung ở Bắc Kinh, những hiện vật quý giá, đặc biệt là bảo vật quốc gia, đều được đặt trong các buồng kính chống đạn, có hệ thống cảm biến chuyển động, báo động, camera theo dõi liên tục và luôn có nhân viên túc trực tại chỗ. Việc đảm bảo an ninh cho di sản không đơn thuần là tránh mất mát hay phá hoại, mà là thể hiện thái độ tôn trọng với lịch sử, với quốc bảo của một dân tộc.

Bài học từ ngai vàng triều Nguyễn bị phá hoại ở Đại nội Huế phải được nhìn nhận nghiêm túc. Ngành văn hóa - di sản cần rà soát toàn bộ hệ thống trưng bày bảo vật trên cả nước, đánh giá lại phương thức bảo vệ, đầu tư các thiết bị hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ di tích, những người đang gánh trên vai trách nhiệm gìn giữ cả một kho tàng văn hóa, di sản dân tộc.

Và hơn hết, đã đến lúc phải có chế tài đủ mạnh: nơi nào không đủ năng lực bảo vệ bảo vật quốc gia thì phải thu hồi hiện vật trưng bày, hoặc chuyển giao hiện vật về nơi đủ điều kiện hơn. Di sản không tự mình tồn tại. Nó cần được con người bảo vệ, bằng công nghệ và bằng cả niềm tự hào dân tộc. 

Nguồn: https://thanhnien.vn/ngai-vang-trieu-nguyen-bi-pha-hoai-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-185250526100416613.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm