Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng chuyển chiến lược huy động vốn trước sức ép lãi...

Lãi suất huy động chịu áp lực giảm do cạnh tranh từ chứng khoán và bất động sản, buộc các ngân hàng phải đa dạng hóa hình thức huy động để thu hút dòng tiền, đảm bảo nguồn vốn cho tín dụng và phát triển kinh tế.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông08/05/2025

Lãi suất chịu áp lực lớn do chênh lệch huy động – cho vay gia tăng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đã gấp đôi tốc độ huy động vốn, đẩy chênh lệch giữa tổng dư nợ cho vay và tiền gửi trong hệ thống ngân hàng lên mức kỷ lục hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đang đứng trước nhiều sức ép.

Áp lực này đến từ việc lãi suất cho vay đã giảm sâu trong thời gian qua, trong khi nhu cầu tín dụng được dự báo tăng mạnh nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong khi đó, huy động vốn có nguy cơ bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản, chứng khoán và vàng.

Ngân hàng chuyển chiến lược huy động vốn trước sức ép lãi suất thấp
Lãi suất huy động chịu áp lực giảm do cạnh tranh từ chứng khoán và bất động sản, buộc các ngân hàng phải đa dạng hóa hình thức huy động để thu hút dòng tiền.

Từ cuối tháng 2/2025, sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, càng khiến việc thu hút dòng tiền từ dân cư thêm khó khăn.

Đến cuối quý I, tiền gửi tại ngân hàng thấp hơn 1,1 triệu tỷ đồng so với lượng tín dụng đã giải ngân, tạo áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng trong việc đảm bảo vốn cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận, hệ thống đang cho vay vượt quá lượng vốn huy động được, buộc phải sử dụng cả vốn tự có và nguồn tái cấp vốn từ NHNN để bù đắp phần thiếu hụt.

Thêm vào đó, việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá cho thấy tín hiệu rõ rệt về khó khăn trong huy động vốn. Dù huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế giảm trong tháng 1/2025, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống vẫn tăng 1,46%.

Theo đánh giá của VNDIRECT, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, tín dụng có thể tăng tốc từ quý II trở đi, kéo theo nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tiếp tục tăng cao trong các quý còn lại của năm.

Tăng vốn cấp tập, phát hành trái phiếu

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhiều ngân hàng hiện nay đang nỗ lực thu hút vốn thông qua các kênh như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức quốc tế, chia cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn điều lệ.

Mới đây, VPBank đã công bố hoàn thành thành công đợt vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu lên tới 1 tỷ USD, đồng thời cho phép mở rộng giá trị khoản vay tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng này.

Theo đại diện của VPBank, nguồn vốn huy động được sẽ được sử dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án bảo vệ môi trường và các hoạt động có tác động xã hội tích cực.

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 26/4, đã có 17 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị đạt 30.217 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành từ đầu năm đến nay đạt 55.321 tỷ đồng.

Trong đó, Techcombank thu hút sự chú ý với 4 đợt phát hành trái phiếu tổng trị giá 8.700 tỷ đồng, trong khi VietinBank và MSB lần lượt huy động được 3.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng qua các đợt phát hành riêng lẻ.

Ngân hàng chuyển chiến lược huy động vốn trước sức ép lãi suất thấp
Techcombank thu hút sự chú ý với 4 đợt phát hành trái phiếu tổng trị giá 8.700 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng vốn huy động, mà còn hỗ trợ tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn, đảm bảo tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, nhiều khả năng, từ quý II/2025, nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu.

Ngoài phát hành trái phiếu, nhiều ngân hàng cũng đồng loạt tăng vốn thông qua tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu cao kỷ lục. Ví dụ, Vietcombank đã công bố chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 49,5%. VietinBank và MSB cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu lần lượt ở tỷ lệ 44,64% và 20%.

Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ. Chẳng hạn, MB chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp tăng vốn điều lệ. NCB được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng thông qua việc chào bán 700 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 59,42% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. VietABank cũng trình kế hoạch tăng vốn lịch sử (tăng 115%, từ 5.399,6 tỷ đồng lên 11.582,4 tỷ đồng).

Các chuyên gia phân tích từ FiinGroup cho rằng, dù nhiều ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn cấp 1 (vốn cổ phần), nhưng việc thực hiện điều này mất nhiều thời gian và chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường chứng khoán. Vì vậy, các ngân hàng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu mạnh tay trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn.

Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-chuyen-chien-luoc-huy-dong-von-truoc-suc-ep-lai-suat-thap-251873.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm