Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành học bị lãng quên giữa cơn khát nhân lực và sự thờ ơ của học sinh

(Dân trí) - Một ngành học đóng vai trò then chốt trong các lĩnh vực "nóng" như y dược, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh... đang đối mặt với nghịch lý: nhu cầu nhân lực tăng cao nhưng học sinh ít mặn mà.

Báo Dân tríBáo Dân trí09/05/2025

Tại hội thảo quốc tế Công nghệ sinh học lần thứ 3 với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong công nghệ sinh học" diễn ra mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra những rào cản và giải pháp để khơi dậy tiềm năng của ngành công nghệ sinh học.

Ngành "khát" nhân lực chất lượng cao

GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM, cho biết phát triển công nghệ sinh học không chỉ là chiến lược khoa học mà còn là mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của quốc gia.

Tại Việt Nam, thời gian qua, những ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển nền kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng, văn hóa và xã hội toàn cầu.

Ngành học bị lãng quên giữa cơn khát nhân lực và sự thờ ơ của học sinh - 1

GS.TS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Huyên Nguyễn).

GS Hà nhấn mạnh rằng hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy hợp tác liên ngành và ứng dụng đổi mới sáng tạo phục vụ cộng đồng.

Đánh giá về thực trạng và tiềm năng phát triển mạnh của ngành, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, cho biết trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, kinh tế xanh và phát triển bền vững trở thành xu hướng chủ đạo, do đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học đang tăng lên nhanh chóng.

Ngành học này không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong y dược (phát triển vaccine, sinh phẩm chẩn đoán, liệu pháp điều trị tiên tiến) mà còn hiện diện sâu rộng trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thực phẩm, bảo vệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

"Rất nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp và trung tâm nghiên cứu đang "khát" nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành tốt và đặc biệt là tư duy đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành này không thiếu.

Vấn đề cốt lõi là làm sao đào tạo để các em được trang bị kiến thức lý thuyết vững chắc song song với kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động", PGS.TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu nhấn mạnh.

Nghịch lý: Tiềm năng lớn, tuyển sinh khó

Mặc dù vậy, một thực tế đáng lo ngại được chỉ ra là ngành công nghệ sinh học hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Một trong những nguyên nhân sâu xa , theo PGS.TS Ngọc Châu là do sự nhầm lẫn của nhiều học sinh và phụ huynh khi cho rằng đây là ngành học thuần túy về nghiên cứu, khó tìm kiếm việc làm hoặc chỉ phù hợp làm việc trong phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về những ứng dụng thiết thực và tiềm năng to lớn của ngành trong đời sống hàng ngày còn chưa đủ sức thuyết phục.

Ngành học bị lãng quên giữa cơn khát nhân lực và sự thờ ơ của học sinh - 2

Các nhà khoa học dự hội thảo tìm hiểu nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Để giải quyết tình trạng này, đại diện Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng nhà trường đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông hướng nghiệp từ sớm tại các trường THPT, giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về ngành công nghệ sinh học.

Đồng thời, nhà trường tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình đào tạo "gắn liền với việc làm" ngay từ khi sinh viên bắt đầu nhập học. Việc tham gia kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, mở rộng các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, tổ chức các buổi chuyên đề khoa học ngày càng được quan tâm.

Các đại biểu dự hội thảo cũng nhấn mạnh tới chiến lược theo hướng thực tiễn hóa và liên ngành, kết hợp công nghệ sinh học với kinh doanh, dữ liệu, môi trường...

Đồng thời, sinh viên được tạo điều kiện tối đa để tham gia các học phần thực hành, đồ án, và thực tập tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trang trại công nghệ cao...

Ngành học bị lãng quên giữa cơn khát nhân lực và sự thờ ơ của học sinh - 3

Hội thảo thu hút sự tham gia sôi nổi của gần 200 diễn giả, chuyên gia, giảng viên và người học đến từ nhiều cơ sở trong nước và quốc tế (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Các báo cáo tham luận tại hội thảo đã làm nổi bật vai trò trung tâm của công nghệ sinh học trong việc giải quyết các thách thức thực tế trong nhiều lĩnh vực, khai thác tiềm năng to lớn của nguồn tài nguyên sinh học phong phú, kết hợp với các công nghệ tiên tiến.

Sự giao thoa mạnh mẽ giữa nhiều ngành khoa học như sinh học, hóa học, y học, nông nghiệp, khoa học máy tính và công nghệ thực phẩm cũng được đặc biệt chú trọng.

Hội thảo quốc tế Công nghệ sinh học lần thứ 3 đã thu hút sự tham gia của gần 200 diễn giả, chuyên gia, giảng viên và người học đến từ cơ sở giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nganh-hoc-bi-lang-quen-giua-con-khat-nhan-luc-va-su-tho-o-cua-hoc-sinh-20250508183247528.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm