Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Ngày xửa ngày xưa' mẹ kể chuyện thầm thì…

(PLVN) - Những đứa trẻ bây giờ vội vã đi học suốt ngày, rồi đi chơi thể thao, games, những thú vui mới… Trở về nhà, lại học và ngủ cho lịch học tiếp theo. Còn mẹ vội vã với cuộc sống thường nhật, nên ít còn thời gian thì thầm những câu chuyện cổ “ngày xửa ngày xưa”. Với nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, có một cô gái và những người bạn đã và đang gợi “giấc mơ xưa” cho những đứa trẻ có những buổi tối thật thanh bình.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam25/05/2025

Chào Đan Khanh! Tôi thấy cái tên “Mẹ ơi, kể chuyện!” là một cái tên đặc biệt. Và cách xưng hô của các bạn trong các giờ kể chuyện nữa, cũng đặc biệt so với một chương trình dành cho cộng đồng!

- Vâng! “Mẹ ơi, kể chuyện!” là lời yêu cầu của con gái tôi dành cho tôi khi con muốn tôi đọc cho con nghe quyển sách đầu tiên. Tôi nghĩ lời đề nghị thật trẻ thơ nên đã dùng đúng như vậy làm tên chương trình. Sau này khi những thính giả đầu tiên khác ngoài con gái tôi là trẻ không gia đình, tôi đã hy vọng mang lại cho các con hơi ấm thông qua tinh thần và cách xưng hô như dưới một mái nhà.

Tôi nhớ vào lúc tôi mời được giọng kể thứ hai cho chương trình (bạn là một bác sĩ nha khoa), vào lúc bạn nhận lời tôi, tôi đã reo lên vui mừng với một người bạn nữa bấy giờ ngồi cạnh tôi, rằng thật vui quá vì tôi đã mời được thêm một giọng kể nữa sẽ cùng tôi kể chuyện cho những đứa con khác không phải do mình sinh ra.

Thính giả của các bạn không phải chỉ bao gồm những đứa trẻ mà còn cả người lớn, bạn có nghĩ cách xưng hô đặc biệt này sẽ gây ảnh hưởng nào, ví dụ như rào cản về tâm lý?

- Cá nhân tôi nghĩ về một sự hỗ trợ hơn là một rào cản. Việc mang theo nhu cầu được nghe kể chuyện của tuổi nhỏ làm thành chương trình cũng thể hiện mong muốn tạo được kết nối với các gia đình có con nhỏ và các bậc phụ huynh khó khăn trong sắp xếp thời gian. Hoặc nếu phụ huynh vẫn có thời gian, nhưng có lý do không thể kể chuyện cho con, “Mẹ ơi, kể chuyện!” có thể trở thành lựa chọn thay thế và các anh chị có thể ở bên, cùng con lắng nghe các giờ kể chuyện. Vì dù sao đi nữa, cũng như với một món đồ chơi mà trẻ có, một chương trình kể chuyện, dù là lựa chọn rất tốt của cha mẹ, có cha mẹ cùng các bé trải qua, cùng nghe, cùng trò chuyện, vẫn là điều trẻ mong đợi. Và đó cũng là không khí gia đình mà “Mẹ ơi, kể chuyện!” mong muốn có thể đem đến cho thính giả của mình.

Ảnh trong bài: NVCC

Ảnh trong bài: NVCC

Vì sao các bạn làm chương trình kể chuyện cho bé nghe trước giờ ngủ mà không phải chỉ là một chương trình kể chuyện bình thường vào giờ khác?

- Theo những gì tôi tìm hiểu được, thì hình thức kể chuyện buổi tối đã có mặt trong các nền văn hóa trên thế giới từ xưa, từ khi truyền thống truyền miệng là phương tiện chính để chia sẻ tri thức và văn hóa. Trong các nền văn hóa cổ đại như Hy Lạp, Ai Cập, hoặc Ấn Độ, người ta dùng các câu chuyện dân gian, thần thoại để dạy trẻ em về đạo đức, lịch sử và tín ngưỡng. Những câu chuyện này thường được kể trước khi ngủ vì đây là khoảng thời gian yên tĩnh nhất để trẻ lắng nghe và tập trung.

Hình thức kể chuyện trước giờ đi ngủ (bedtime story) trở nên phổ biến hơn trong thế kỷ 18 - 19 ở các quốc gia Âu - Mỹ cùng với sự xuất hiện của các cuốn sách được viết đặc biệt dành cho trẻ em. Những tác phẩm như Cổ tích Grimm (Grimm’s Fairy Tales) của anh em nhà Grimm (Đức) và Những câu chuyện kể của mẹ Ngỗng (The Tales of Mother Goose) của Charles Perrault (Pháp) đã trở thành nền tảng cho việc kể chuyện trước khi ngủ ở châu Âu. Tại châu Á, phong tục kể chuyện cũng rất phổ biến, nhưng thường ở dạng truyền miệng hoặc các tác phẩm dân gian như truyện cổ tích Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…

Trên khía cạnh khoa học, việc được tiếp xúc với tác phẩm văn học thông qua các câu chuyện kể từ nhỏ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, ngôn ngữ, trí tưởng tượng cũng như xây dựng thói quen và khả năng tập trung cho trẻ. Được nghe kể chuyện, sau đó đi vào giấc ngủ giúp cho giấc ngủ của trẻ được tốt hơn, đồng thời giúp trẻ xây dựng tư duy ngay trong giấc ngủ. Trên góc độ người mẹ, đây là cách chúng tôi nói với các con rằng chúng tôi yêu chúng, rằng các con an toàn trong tình yêu thương và như thế con hãy có giấc ngủ thật ngon.

Nói như vậy, tiêu chí lựa chọn giọng kể chuyện của các bạn là người kể chuyện cũng là những người mẹ?

- Các giọng kể chuyện tiếng Việt của chúng tôi đều, đúng vậy, hiện là những người mẹ. Các giọng kể tiếng Anh thì không. Tiêu chí của chương trình là mang đến cho trẻ tình yêu thương như từ những đấng sinh thành dành cho con của mình, nhưng vị trí kể chuyện tiếng Anh cần có đòi hỏi về ngoại ngữ đúng và lưu loát bên cạnh tình yêu cho trẻ.

Các bạn, có người đang, có người từng sống nhiều năm ở nước ngoài và đã trở về nước, đều hiện chưa làm mẹ, các bạn sử dụng tiếng Anh hàng ngày trong cuộc sống như chúng ta nói chuyện tiếng Việt ở đất nước của mình. Ngoài vị trí kể chuyện ra, tại “Mẹ ơi, kể chuyện!” còn có các vị trí công việc khác (biên tập, thiết kế, kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật video, vận hành…) các bạn có bối cảnh và trạng thái đời sống riêng khác nhau nhưng có chung tình yêu dành cho trẻ. Anh chị và các bạn có thể tham khảo thêm các ý tưởng của “Mẹ ơi, kể chuyện!” tại website của chúng tôi meoikechuyen.com. Ngoài ra, cũng không bắt buộc các giọng kể chuyện Việt tại “Mẹ ơi, kể chuyện!” đều phải là những người mẹ, chúng tôi tìm kiếm tình yêu dành cho trẻ, điều đó không chỉ có ở những tâm hồn của người đã làm mẹ. Và trên góc độ “Mẹ ơi, kể chuyện!” là ước mong về tình cảm gia đình được làm thành một chương trình, thì nếu đó là lời đáp lại từ những người cha sẽ cũng sẽ là điều tuyệt vời nữa.

Vì sao lại là những câu chuyện song ngữ? Tôi thấy các giờ kể chuyện tiếng Anh của các bạn hoàn toàn sử dụng tiếng Anh, không có dẫn nhập cũng như phụ đề tiếng Việt. Điều này có gây khó khăn trong tâm lý tiếp nhận cho thính giả của các bạn không?

- “Mẹ ơi, kể chuyện!” được xây dựng với ước mong mang đến cho trẻ những câu chuyện thông qua việc được nghe kể, kỹ năng ngôn ngữ Anh chúng tôi có thể mang đến cho các con thuộc về phạm trù nghe, cụ thể là việc tạo thói quen nghe cho trẻ, trẻ luyện tập năng lực nghe một cách thụ động và lâu dài thông qua việc nghe kể chuyện theo định kỳ (hàng ngày, hàng tuần). Việc này khác với việc tổ chức đào tạo kỹ năng nghe ở các cơ sở dạy ngôn ngữ Anh (trên thực tế là có tác dụng bổ trợ lẫn nhau), vì vậy chúng tôi không áp dụng sự dẫn nhập bằng tiếng Việt để bước vào các giờ kể chuyện tiếng Anh.

Cuối cùng, đó là về định hướng mà chúng tôi hướng đến thuộc về tính chuyên nghiệp. “Mẹ ơi, kể chuyện!” trong ý tưởng ra đời hàm chứa những yếu tố sẽ khó dùng tiêu chuẩn chuyên nghiệp hiện hành và phổ biến để xác nhận. Ví dụ như với tiêu chí giọng kể chuyện từ các mái nhà, thật khó để yêu cầu các phụ huynh vừa mang theo tình yêu cho trẻ, vừa có kỹ năng đạt mức của các phát thanh viên bước vào các giờ kể chuyện ngay từ ban đầu. Quá trình chuyên nghiệp hóa sẽ diễn ra trong khi các anh chị và các bạn tạo ra sản phẩm yêu thương cho trẻ. Nhưng việc thiết lập cấu trúc một giờ kể chuyện là điều có thể làm được từ đầu.

Chúng tôi đã áp dụng tạo ra các giờ kể chuyện trên tinh thần thuần tiếng Anh, không phụ đề (phụ đề sẽ làm cho thính giả chú ý vào việc đọc hiểu nội dung hơn là tập trung vào kỹ năng nghe) và có cung cấp tài liệu kèm theo (để thính giả tham khảo hay theo dõi lại nội dung sau khi việc nghe kết thúc).

Các bạn lựa chọn tác phẩm để đọc trên tiêu chí nào? Các phương diện các bạn tìm liên kết là những phương diện nào?

- Hiện nay các tác phẩm chúng tôi đang đọc là các tác phẩm cổ tích thế giới và văn học kinh điển. Chúng tôi cũng đang có liên kết với một tác giả có các sáng tác dành cho trẻ em, chị là người Việt, hiện sống ở nước ngoài. Bản thân tôi cũng viết. Và chúng tôi luôn mong có thể mở rộng liên kết của “Mẹ ơi, kể chuyện!” hơn thêm mỗi ngày.

Có nhiều phương diện hơn chỉ là về sách. Về sách, chúng tôi tìm kiếm kết nối với các tác giả, nhà xuất bản, các thư viện. Ngoài ra còn có âm thanh, âm nhạc, video, mỹ thuật, thiết kế… và các vấn đề khác mà mọi kế hoạch, mọi dự án đều cần đến.

“Mẹ ơi, kể chuyện!” là một kế hoạch dành cho trẻ, cụ thể là trẻ em Việt Nam, một khi có được nhiều sự chung tay sẽ càng tốt đẹp. Và để đạt được điều đó, tôi mong những nỗ lực đầu tiên nhất của chúng tôi sẽ tìm được điểm chạm trong lòng của mọi người.

Chúc Đan Khanh và nhóm thành công hơn nữa trong câu chuyện của mình!

Nguyễn Đan Khanh sinh năm 1987, hiện sống tại TP HCM. Tốt nghiệp cử nhân đào tạo nghiệp vụ các ngành mỹ thuật, báo chí. Hiện hoạt động tự do trên các lĩnh vực mỹ thuật, dịch thuật, viết, sáng tác. “Mẹ ơi, kể chuyện!” là một chương trình kể chuyện song ngữ cho trẻ em trước lúc đi ngủ, là một chương trình công khai trên các nền tảng xã hội như, hiện nay là YouTube và Spotify cho nhiều đối tượng trẻ em. Đến tháng 11/2023, “Mẹ ơi, kể chuyện!” có thêm sự góp mặt của các thành viên khác và bắt đầu hoạt động trong tư cách tập thể.

Nguồn: https://baophapluat.vn/ngay-xua-ngay-xua-me-ke-chuyen-tham-thi-post549547.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm