Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Tuấn trong một khoảnh khắc tác nghiệp. |
Gen di truyền say mê nhiếp ảnh
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Đỗ Tuấn sinh năm 1949, quê ở Hưng Yên nhưng ông lớn lên và gắn bó mảnh đất Thái Nguyên từ những năm 50 của thế kỷ trước. Là con nhà nòi (ông và bố của NSNA Đỗ Tuấn đều là thợ ảnh), hồi nhỏ ông đã sớm bộc lộ tình yêu với nghệ thuật và thành thạo cách sử dụng máy ảnh. Từ những tấm ảnh đen trắng đơn sơ đến các tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc sau này, ông từng bước trở thành gương mặt tiêu biểu trong giới nhiếp ảnh khu vực Việt Bắc với phong cách chân thực, dung dị, giàu chiều sâu cảm xúc.
Khi còn là công nhân sửa chữa ô tô, Bí thư Đoàn của Công ty vận tải ô tô số 10, cho đến khi làm cán bộ tuyên huấn của Tỉnh đoàn và Phó Ban Tuyên giáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, ông luôn được biết đến trong vai trò "thợ ảnh" của đơn vị. Cứ hết giờ làm việc hành chính, ông vác máy lang thang khắp các bản làng, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh để ghi lại nhịp sống đời thường giản dị.
Chẳng say mê nào mất thời gian và tốn… nhiều tiền như nhiếp ảnh - NSNA Đỗ Tuấn hài hước nói, ngày xưa chụp máy phim, tôi “đốt” không biết bao tiền để đầu tư máy móc rồi tráng, rửa khiến vợ con phải sốt ruột. Vợ tôi ban đầu cũng phàn nàn, chồng người ta ngày nghỉ ở với gia đình, vợ con, còn ông, hở ra ngày nào là đi cùng bạn bè “săn” ảnh hết. Song biết tính tôi, sau này bà ấy đã lo chu toàn mọi việc gia đình để tôi sống với đam mê của mình.
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Tuấn - người “kể chuyện” bằng ống kính. |
Nhiếp ảnh với ông không chỉ là niềm yêu, mà từng là nghề phụ giúp ông nuôi sống gia đình trong những năm khó khăn. Có những bức ảnh đầu tiên được đăng báo, trả nhuận bút, ông xúc động giữ lại như món quà quý. Đến năm 2008, khi nghỉ hưu, ông chính thức dành trọn thời gian cho nhiếp ảnh. Một chặng đường dài chất chứa bao cảm xúc và dấu ấn.
Với những cống hiến trong lĩnh vực nhiếp ảnh, năm 1999, ông chính thức được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam. Là Chi hội phó rồi Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Thái Nguyên, ông thường xuyên tổ chức các đợt sáng tác tập thể, chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Đồng thời, làm cầu nối giữa các nghệ sĩ địa phương với những sân chơi nghệ thuật lớn. Không chỉ truyền cảm hứng về nghề, ông còn truyền lửa tình yêu quê hương qua từng tấm ảnh.
Kể lại những câu chuyện đẹp qua ống kính
“Nhiếp ảnh là cách tôi lắng nghe và kể lại những điều đẹp của quê hương, đất nước.” - NSNA Đỗ Tuấn chia sẻ.
Tôi ngồi xem các tấm hình nghệ sĩ Đỗ Tuấn chụp và ưng ý. Nét đặc biệt trong các tác phẩm của ông nằm ở khả năng nắm bắt vẻ đẹp bình dị của cuộc sống thường nhật. Ông chụp người lao động bằng tất cả sự tôn trọng, nâng niu. Trong khuôn hình của ông, khoảnh khắc đời thường hóa thành ký ức thị giác, thấm đẫm nhân văn.
Phát huy thế mạnh của mình trong nghệ thuật chụp ảnh chân dung, ông đã đi sâu vào bắt trọn những khoảnh khắc đặc tả người công nhân trong lò luyện thép, người nông dân trên cánh đồng vàng, nếp thời gian trong khuôn mặt bà mế già ở bản làng. Các bức ảnh không chỉ ghi lại hình ảnh mà còn là một câu chuyện, thước phim ngắn lưu giữ giá trị, ký ức văn hóa.
Bức ảnh chân dung thợ luyện thép của tác giả Đỗ Tuấn. |
Nổi bật trong tác phẩm của NSNA Đỗ Tuấn là sự hiện diện rất rõ của con người giữa cảnh vật quê hương. Đó là nụ cười của nữ công nhân trong phút giải lao, hình ảnh người nông dân giữa mùa gặt, hay ánh mắt bé thơ nơi bản làng xa xôi, bàn tay lao động cần mẫn của người nông dân trên đồi chè Thái... Trong các bức hình, tôi cũng thấy phía sau là con người ông, tĩnh lặng mà sâu sắc. Không ồn ào, không phô trương, hình ảnh của ông luôn tạo cảm giác yên bình, như một lời thì thầm kể chuyện.
“Với tôi, ảnh không cần cầu kỳ kỹ thuật, góc chụp đẹp mà quan trọng là bắt được khoảnh khắc mình rung động nhất!” nghệ sĩ Đỗ Tuấn trải lòng.
Triết lý với nghệ thuật nhiếp ảnh ấy đã dẫn dắt ông đi theo hướng nhiếp ảnh kể chuyện, phản ánh mối liên kết sâu sắc giữa con người và môi trường sống trong suốt 40 năm cầm máy. Sống một cuộc đời đầy rung động như thế, nên các tác phẩm ảnh nghệ thuật của ông đều giúp người xem yêu quê hương từ những điều giản dị nhất. Ông khơi gợi nhẹ nhàng sự quan tâm đến văn hóa bản địa thông qua hình ảnh, trở thành người "bảo tồn ký ức" bằng ánh sáng.
40 năm cầm máy “Đi qua thời gian”
Và khi mọi câu chuyện bằng ảnh đã đầy ắp trong ngăn ký ức, ông quyết định mở một cuộc trò chuyện lớn - không chỉ cho riêng mình, mà cho tất cả những ai từng đi qua, từng sống, và từng yêu quê hương đất nước Việt Nam. Ngày 18-5 tới đây, NSNA Đỗ Tuấn dự kiến tổ chức triển lãm “Đi qua thời gian” với trên 50 bức ảnh trong cuộc đời cầm máy sáng tác, trong đó có nhiều bức hình chụp bối cảnh ở Thái Nguyên.
Miền quê xứ Trà dưới góc nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Tuấn. |
Các tác phẩm này được ông lựa chọn từ hàng nghìn bức ảnh mang vẻ đẹp mộc mạc của quê hương, đất nước, con người với từng khung hình đầy cảm xúc. Đây là dịp để giới nghệ thuật trong tỉnh nhìn lại một hành trình nhiều năm thầm lặng sáng tác của ông, cũng là cách ông thể hiện tình, sự tri ân với quê hương xứ Trà, nơi nuôi dưỡng đam mê và tâm hồn nghệ sĩ.
Tiếp xúc nhiều lần với ông, tôi không khỏi ngạc nhiên dù tuổi đã cao, ông vẫn nhớ chính xác từng khung hình, từng hoàn cảnh chụp.
Ông say sưa giới thiệu với tôi: Đây là cô bé người Mông ở Võ Nhai. Tôi nhớ mãi ánh mắt cười nhưng ẩn một điều gì rất xa xăm. Còn đây là ở bản làng Thái Hải - nơi tôi bắt được khoảnh khắc thiêng liêng khi người dân làm lễ dâng cơm mới. Kia là đồi chè ở Hoàng Nông, Tân Linh (Đại Từ). Bức hình này là người thợ luyện thép ở TISCO. Những chiếc xe cần mẫn chở than này tôi ghi lại ở mỏ than Phấn Mễ. Còn đây hình ảnh tôi rất ấn tượng với cô bé ở Bắc Kạn, dù khuyết tật nhưng vẫn khéo léo đan quạt để kiếm sống. Cảnh đẹp trên hồ Ba Bể này tôi cũng rất ưng ý…
Bức ảnh tâm đắc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Tuấn về lễ hội cơm mới của dân tộc Tày trong Làng nhà sàn Thái Hải (TP. Thái Nguyên). |
Nghe ông nói, tôi hiểu, các bức hình không chỉ được ông lưu trong ổ cứng mà còn trong trái tim của một người đam mê lưu giữ ký ức bằng ánh sáng.
Các tác phẩm của ông từng được triển lãm, đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài tỉnh. Nhưng với ông, giải thưởng lớn nhất là khi một người xem dừng lại lâu trước bức ảnh của mình - và thấy họ trong đó. Ông bảo “Tôi tự hào vì mình thật giàu có vì sở hữu hàng ngàn hình ảnh về đất nước, con người tươi đẹp, thật đáng yêu, đáng nhớ.”
Nguồn: https://baothainguyen.vn/tieu-diem/202505/nghe-si-nhiep-anh-do-tuan-nguoi-ke-chuyen-qua-ong-kinh-9321379/
Bình luận (0)