70 hộ đăng ký vươn khơi
Trong ngày mang cá ra vùng nuôi mới ở khu vực biển Hòn Nội, ông Nguyễn Văn Hoan - ngư dân nuôi biển kỳ cựu ở khu vực Bình Ba (xã Nam Cam Ranh) hào hứng chia sẻ: "Với 100 ô lồng bằng bè gỗ truyền thống, những năm qua, gia đình tôi chủ yếu nuôi cá chim, cá bớp và cá mú. Tổng sản lượng mỗi năm hơn 90 tấn cá. Cuối năm 2024, nhận được thông tin tỉnh triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, trong đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân nuôi biển vươn khơi, tôi đăng ký tham gia đầu tư 2 lồng tròn bằng HDPE để nuôi cá. Sau một thời gian lắp đặt và hạ thủy lồng nuôi, đến cuối tháng 6-2025, gia đình tôi đã di chuyển 35.000 con cá chim từ hệ thống ô lồng cũ sang lồng nuôi HDPE mới tại khu vực biển Hòn Nội".
Ngư dân nuôi cá tại khu vực Hòn Nội. |
Theo ông Hoan, 2 ô lồng tròn HDPE có tổng chi phí đầu tư hơn 563 triệu đồng, bao gồm hệ thống lồng nuôi, lưới, neo... Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí; vốn đối ứng của người nuôi 30%. Đây là sự hỗ trợ vô cùng quý báu, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo động lực mạnh mẽ để người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi và vươn khơi.
Vùng biển Hòn Nội nằm cách bờ khoảng 7 hải lý, tuy có nhiều sóng gió hơn nhưng bù lại làn nước biển trong xanh, môi trường nuôi đảm bảo, thích hợp cho nuôi biển công nghệ cao và phù hợp với quy hoạch NTTS được duyệt. Tại đây, có hơn 20 lồng tròn của các hộ NTTS được lắp đặt. Ông Nguyễn Văn Hoan là một trong những hộ đầu tiên đưa cá ra khu vực này thả nuôi và đang dần thích nghi với nuôi xa bờ, quy mô lớn. Cá chim vây vàng được ông ương nuôi được khoảng 1 tháng tại khu vực cũ, đạt trọng lượng 40 - 50gram thì di chuyển ra các lồng tròn.
Theo ông Phương Minh Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Khánh Hòa, mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Trong năm 2023 - 2024, có 10 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích 1 lồng 800m3) để nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) để nuôi tôm hùm. Kết quả của mô hình rất khả quan, tỷ suất lợi nhuận của hộ nuôi cá bớp tham gia mô hình đạt 172% so với hộ nuôi cùng quy mô bằng lồng bè gỗ truyền thống; con số này ở hộ nuôi tôm hùm là 112%. Kết quả thí điểm còn cho thấy đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Cá chim sau khi nuôi được 1 tháng tại bè truyền thống được chuyển ra nuôi tại lồng HDPE. |
Trong giai đoạn 2024 - 2025, được Sở Nông nghiệp và Môi trường giao triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao theo nhiệm vụ UBND tỉnh giao, trung tâm đã phối hợp với nhà tài trợ; Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; các địa phương và ngư dân triển khai kế hoạch mở rộng mô hình tại các khu vực nuôi biển nằm trong quy hoạch vùng nuôi đã được duyệt trên toàn tỉnh. Tổng cộng có 70 hộ dân đăng ký tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ từ 50 - 70% chi phí (tùy vào khu vực nuôi) lắp đặt 2 ô lồng tròn hoặc 1 cụm lồng vuông nuôi. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử… Đến nay, tại vùng nuôi Hòn Nội đã có 13 hộ dân thả nuôi tổng cộng 490.000 con giống cá chim vây vàng. Các hộ dân ở vùng biển Đầm Bấy cũng đã thả 60.000 con cá chim, dự kiến trong thời gian tới các hộ dân sẽ tiếp tục thả cá tại các vùng nuôi theo kế hoạch.
Vẫn còn trăn trở
Kết quả bước đầu cho thấy, so với phương thức NTTS bằng lồng bè gỗ, việc chuyển sang nuôi xa bờ trong các lồng HDPE quy mô lớn, công nghệ cao là hướng đi cần thiết, phù hợp với định hướng "phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường” mà Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, so với bè gỗ truyền thống, lồng nuôi HDPE có nhiều ưu điểm vượt trội như: Chịu được sóng gió, có thể nuôi tại các vùng biển hở, xa bờ, chất lượng tốt, độ bền cao, giảm thiểu rủi ro và chi phí sửa chữa, thân thiện với môi trường. Đồng thời, lồng có thể tích lớn, cho phép nuôi với mật độ cao hơn, tăng năng suất và sản lượng. Lồng cũng có thiết kế hiện đại, giúp dễ dàng theo dõi, chăm sóc và thu hoạch thủy sản nuôi.
Tuy nhiên, bước đầu vươn khơi, một số ngư dân vẫn chưa hết tâm lý e ngại. Qua quan sát của chúng tôi, ngoài những chiếc lồng tròn đã được lắp đặt, hệ thống nhà nổi phục vụ cho ngư dân bám biển nuôi xa bờ hầu như chưa được hộ nào đầu tư xây dựng. Qua trao đổi, nhiều hộ cho rằng, khu vực nuôi biển xa bờ nhiều sóng gió hơn, việc dựng nhà nổi ở khu vực này tốn kém hơn, vượt quá năng lực đầu tư của ngư dân. “Cùng với những chiếc lồng tròn hiện đại, lượng tôm cá nuôi trong lồng rất lớn. Đó là một số tài sản rất lớn của ngư dân, do vậy phải thường xuyên có người chăm sóc, trông coi, bảo quản. Tuy nhiên, hầu hết các hộ NTTS xa bờ đang phải sáng ra, chiều về, hoặc neo tàu hậu cần cạnh lồng nuôi khá tạm bợ. Những con tàu nhỏ này không chịu được sóng gió lớn nên nhiều hộ nuôi chưa thật sự yên tâm” - một ngư dân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hoan (bên trái) cho cá ăn tại lồng tròn HDPE ở vùng nuôi Hòn Nội. |
Ngoài ra, việc di chuyển từ bờ ra vùng nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc di chuyển từ cảng Ba Ngòi ra khu vực nuôi ở Hòn Nội thường mất hơn 3 giờ đi tàu, ghe; trong khi ngư dân phải thường xuyên vận chuyển thức ăn, con giống và các vật tư thiết yếu khác phục vụ cho NTTS. Chi phí đầu tư mua sắm tàu thuyền lại quá cao so với khả năng của phần lớn các hộ dân. Một số ngư dân mong muốn Nhà nước cho phép lập bến tàu tại khu vực Bãi Tây của xã Cam Lâm, từ đây di chuyển ra Hòn Nội chỉ mất hơn 30 phút.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE đã đạt được những thành công bước đầu. Những chiếc lồng nuôi HDPE không chỉ là sự thay đổi về vật liệu, mà còn là sự thay đổi trong tư duy sản xuất, hướng đến một ngành nuôi biển bền vững, hiện đại và có trách nhiệm. Tuy phía trước vẫn còn những khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng hành của những nhà tài trợ tâm huyết và khát vọng vươn lên của người dân, mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm nuôi biển công nghệ cao hàng đầu của cả nước sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
HỒNG ĐĂNG
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/ngu-dan-nuoi-bien-hao-hung-vuon-khoi-8ab5c64/
Bình luận (0)