Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người ghi dấu ấn đặc biệt tại cõi thiêng Đồng Lộc

(PLVN) - Với công việc “người kể chuyện lịch sử”, Đào Anh Tuân có lẽ đã là “gương mặt thân quen”, “giọng nói thân quen” với du khách tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng đó chỉ là một phần trong hành trình hơn 20 năm ông Tuân gắn bó nơi tọa độ lửa linh thiêng này.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam19/04/2025


Ông Đào Anh Tuân (SN 1974, quê Can Lộc, Hà Tĩnh) từng là Phó Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Từ đầu năm 2025, ông là Phó bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng tỉnh Hà Tĩnh, phụ trách mảng tuyên truyền – thuyết minh. Ngoài công tác quản lý và chuyên môn tại cơ quan, ông còn kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá Khu di tích nói riêng và du lịch Hà Tĩnh nói chung.

Sáng kiến về “điểm đến thông minh”

Ông Tuân chia sẻ, nếu như Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh có vị trí trọng yếu, là yết hầu trên tuyến huyết mạch độc đạo chi viện cho miền Nam thì trong thời bình, nơi đây đã trở thành “cõi thiêng” trên hành trình Bắc - Nam tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Mỗi năm Khu di tích đều đón hàng trăm vạn du khách, bình quân mỗi năm tăng từ 15-20%. Cao điểm có ngày nơi đây đón gần 6000 lượt khách với hàng trăm đoàn, một thuyết minh viên phải đón 7 – 8 đoàn.

Lượng du khách ngày càng đông trong khi “sức người” của Khu di tích có hạn. Tất cả cán bộ, nhân viên của Khu di tích đều làm việc với công suất cao nhất. Bản thân ông Tuân cũng vừa làm công tác quản lý vừa trực tiếp thuyết minh, đón tiếp các đoàn. Ông hiểu rõ trong nhiều năm qua việc tiếp cận thông tin tại đây còn chưa tiện lợi, sự tương tác giữa du khách và các thông tin lịch sử còn hạn chế. Đặc biệt với du khách nước ngoài, muốn tìm hiểu, tra cứu thông tin chủ yếu phụ thuộc vào các bảng chỉ dẫn, chú thích hoặc hướng dẫn viên.

Từ trải nghiệm hơn 20 năm làm thuyết minh viên cho hàng triệu du khách, ông Tuân đã đưa ra sáng kiến “Nâng cao hiệu quả tìm hiểu về Ngã ba Đồng Lộc thông qua mã QR” nhằm tối ưu hoá trải nghiệm du lịch, giúp việc tiếp cận thông tin tại đây nhanh chóng hơn, chính xác và sinh động hơn.

Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Theo đó, tại điểm mã QR trong khuôn viên Khu di tích được bố trí gồm 02 infographic song ngữ Việt - Anh và 01 video clip giới thiệu tổng quan về Khu Di tích, cung cấp thông tin về các hạng mục, công trình, giới thiệu về lịch sử và câu chuyện của vùng đất anh hùng này... Các mã QR nâng cao trải nghiệm tham quan, không chỉ cung cấp thông tin văn bản mà còn có thể liên kết đến các video, hình ảnh, công nghệ thực tế ảo VR360 giúp du khách có một trải nghiệm sinh động và thú vị hơn.

Đứng trên mảnh đất Đồng Lộc, du khách có thể xem lại các thước phim tư liệu về mảnh đất từng một thời là “chảo lửa, túi bom” trong kháng chiến, trực tiếp cảm nhận những hình ảnh sống động từ quá khứ. Du khách có thể chủ động hơn trong lựa chọn thông tin quan tâm, tự khám phá và không cần phải chờ đợi vào các tour nhóm hay dịch vụ của hướng dẫn viên.

Ngã ba Đồng Lộc trở thành một điểm đến "thông minh", không chỉ cung cấp thông tin cho du khách dễ dàng, sinh động hơn mà còn giúp quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích đến với một lượng lớn người dùng thông qua các nền tảng trực tuyến.

Hành trình xúc tiến quảng bá di tích

Việc áp dụng công nghệ số trong quản lý, bảo tồn và phát huy di tích đã có những kết quả tích cực, giảm bớt sự cần thiết phải có quá nhiều biển chỉ dẫn vật lý, từ đó hạn chế việc tác động đến môi trường và di tích.

Năm 2023, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón hơn 300.000 lượt du khách. Năm 2024, con số này đã đạt gần 500.000 lượt. Riêng 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 200.000 lượt. Lượng khách đến với Khu di tích không ngừng tăng, đáng chú ý là nhiều bạn trẻ và khách quốc tế biết đến qua thông tin quảng bá trên các nền tảng số.

Ông Đào Anh Tuân thuyết minh cho du khách đến Ngã ba Đồng Lộc.

Ông Đào Anh Tuân thuyết minh cho du khách đến Ngã ba Đồng Lộc.

Điều đó một mặt càng khẳng định ý nghĩa, tầm vóc của Khu di tích, đồng thời cũng đặt ra bài toán cao hơn đối với cán bộ, nhân viên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử và xây dựng, phát triển Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng.

Đặt trong dòng chảy của thời đại công nghệ số, ông Tuân nhận thấy thực tế công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu ở đây chưa có nhiều đổi mới, thiếu đa dạng. Cùng với các cán bộ, nhân viên của Khu di tích, ông luôn trăn trở làm thế nào để lan tỏa hơn nữa, truyền tải tốt hơn nữa những giá trị của nơi này, để du khách biết đến nhiều hơn và về với Khu di tích ngày càng đông hơn. Sáng kiến “Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu Khu di tích” của ông ra đời.


Ngoài những chương trình được tổ chức hàng năm ở đây, ông Tuân cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh xây dựng các kế hoạch, nội dung, tham gia các hội chợ về du lịch, giới thiệu, quảng bá Hà Tĩnh và Ngã ba Đồng Lộc; đón tiếp các đoàn Famtrip, các công ty lữ hành khảo sát du lịch tại tỉnh Hà Tĩnh... cùng nhiều hoạt động khác để góp phần quảng bá hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Bản thân ông thường xuyên tăng cường quảng bá, giới thiệu về Khu di tích thông qua các bài viết đăng trên các báo, tạp chí; trực tiếp viết, đăng tải các hoạt động, các hình ảnh lên trang website, Facebook, Fanpage; nói chuyện trực tiếp với khán giả cả nước về Ngã ba Đồng Lộc trên kênh JOYFM; làm việc với các đài truyền hình, quay giới thiệu, phỏng vấn, quảng bá đối với du khách thập phương; phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện các chương trình liên quan đến Ngã ba Đồng Lộc như chương trình trải nghiệm “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...

Theo ông Tuân, sắp tới Khu di tích sẽ có thêm nhiều hoạt động hấp dẫn giúp tăng cường trải nghiệm của du khách, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về các giá trị truyền thống với thế hệ trẻ và hiểu sâu sắc hơn giá trị của độc lập, sự hi sinh của thế hệ cha anh.

Một phần ý nghĩa cuộc đời nơi Ngã ba Đồng Lộc

Nhìn lại hơn 20 năm gắn bó với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nay là Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Thường Kiệt, ông Tuân chia sẻ: “Đối với cá nhân tôi và toàn thể cán bộ, nhân viên Khu di tích, nơi đây còn hơn ngôi nhà thứ hai. Rất nhiều ngày chúng tôi rời nhà khi đèn đường chưa tắt và trở về khi đường đã lên đèn. Mặc dù điều kiện còn khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng tôi luôn xác định được làm việc tại đây là vinh dự, tự hào. Không quản nắng mưa, ngày nghỉ, lễ Tết, tất cả luôn sẵn sàng phục vụ bà con Nhân dân với một tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, phát huy hết mọi khả năng lao động sáng tạo, chủ động trong mọi công việc để nâng cao vị thế của Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng”.

Đối với ông Tuân, bốn chữ "Ngã ba Đồng Lộc" đã khảm sâu trong trái tim.

Đối với ông Tuân, bốn chữ "Ngã ba Đồng Lộc" đã khảm sâu trong trái tim.


Các cán bộ Khu di tích cho biết, ngoài say sưa công tác chuyên môn, ông Tuân còn là Phó Bí thư chi bộ gương mẫu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông là tấm gương lao động không ngừng nghỉ với hơn 20 năm công tác chưa một ngày nghỉ phép. Cho đến dịp nghỉ lễ 2/9/2024 là lần đầu tiên ông nghỉ 2 ngày đưa gia đình đi du lịch. Và để ông yên tâm có được 2 ngày nghỉ hiếm hoi này cũng nhờ tập thể động viên “anh cứ đi, anh em sẽ cố gắng”.

Ông Tuân cười: “Có điều gì đó không giải thích được nhưng dường như bốn tiếng “Ngã ba Đồng Lộc” đã hằn trong trái tim, in sâu trong khối óc tôi. Đi công tác hay đi đâu xa tôi cũng muốn về với nơi này. Đây là một phần vô cùng ý nghĩa của cuộc đời tôi. Mỗi ngày được cống hiến, được chăm sóc cho anh linh các anh hùng, liệt sĩ, được phục vụ đồng bào đến tham quan và truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống yêu nước của dân tộc – đối với tôi đó là vinh dự và hạnh phúc”.

Ông Đào Anh Tuân đã đạt nhiều thành tích trong quá trình công tác: Điển hình trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018; Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020; Kỷ niệm chương vì “Thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn năm 2022 về thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức đoàn; Kỷ niệm chương của Trung đoàn Phòng không 210 - Thái Nguyên (đơn vị từng sống và chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc) năm 2023 vì đã có nhiều thành tích trong các hoạt động, các phong trào giáo dục truyền thống cho đồng bào và thế hệ trẻ; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vì thành tích trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024.

Tuyết Lan

Nguồn:https://baophapluat.vn/nguoi-ghi-dau-an-dac-biet-tai-coi-thieng-dong-loc-post545806.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm