Giá trị hòa bình, từ bi và hòa hợp của Phật giáo Trúc Lâm
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, khẳng định giá trị độc đáo của Phật giáo Trúc Lâm.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng về sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam.
Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.
Thông qua các đền thờ, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn nghiêm cẩn trên một không gian rộng lớn từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn, Kiếp Bạc, quần thể này phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập và thể chế hóa đến sự phục hưng và tiếp tục lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn. Các điểm di tích này được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, luôn thể hiện sự phát triển tiếp nối, đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh; là điểm đến hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm; là bằng chứng về sự kết hợp độc đáo giữa Nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, việc Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới cho thấy sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị quần thể di tích - danh thắng này và những tư tưởng nhân văn, hòa hiếu tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quần thể di tích - danh thắng.
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên và giá trị khoa học đặc biệt của Phong Nha - Kẻ Bàng
Bằng việc ghi danh lần thứ hai vào Danh mục Di sản Thế giới, UNESCO một lần nữa khẳng định: Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những vùng đất hiếm hoi hội tụ cả vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và giá trị khoa học đặc biệt - một “viên ngọc xanh” cần được gìn giữ cho các thế hệ mai sau.
Tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát trước cửa động Phong Nha. (Ảnh: Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng)
Trước đó, vào năm 2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu tiên, dựa trên tiêu chí (viii) về địa chất - địa mạo. Hệ thống hang động kỳ vĩ, với hàng trăm hang động lớn nhỏ, trong đó nổi bật là hang Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới được phát hiện năm 2009 đã mở ra một thế giới huyền bí, gợi lên bao tò mò và ngưỡng mộ từ cộng đồng khoa học lẫn du khách quốc tế.
Tuy nhiên, không dừng lại ở những giá trị địa chất đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn, các nhà khoa học đã phát hiện thêm nhiều giá trị sinh học đặc hữu, quý hiếm của hệ sinh thái nơi đây. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 5/7/2013, mở rộng diện tích Vườn Quốc gia từ 85.754ha lên 123.326ha, tạo nền tảng cho việc lập hồ sơ đề cử lần thứ hai lên UNESCO.
Hồ sơ mở rộng đã được xây dựng công phu với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước. Kết quả, tại kỳ họp ở Bonn, UNESCO đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ hai, lần này dựa trên ba tiêu chí: Giá trị địa chất - địa mạo: Vùng đá vôi cổ đại hình thành từ kỷ Devon cách đây hơn 400 triệu năm, hệ thống hang động phức tạp phản ánh quá trình tiến hóa địa chất lâu dài, với những dấu tích đặc sắc về quá trình kiến tạo và biến đổi tự nhiên; Quá trình sinh thái và sinh học: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh và hệ thống sinh học trong các hang động tạo nên một môi trường sống độc đáo, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm; Đa dạng sinh học: Vườn Quốc gia là nơi cư trú của hơn 2.700 loài thực vật và khoảng 800 loài động vật, trong đó có hàng trăm loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, được ghi nhận trong Sách Đỏ của IUCN.
Việc ghi danh lần thứ hai là thành quả từ sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan chức năng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, UBND tỉnh Quảng Bình cùng nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước đã không ngừng nghiên cứu, gìn giữ và quản lý di sản.
Cùng với đó là những nỗ lực trong cộng đồng địa phương - nơi người dân từng bước ý thức rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ “kho báu thiên nhiên” của quê hương. Các hoạt động du lịch sinh thái được kiểm soát chặt chẽ; các biện pháp phòng cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã, khôi phục rừng nguyên sinh… đã góp phần duy trì sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của di sản.
Không chỉ là một thắng cảnh, Phong Nha - Kẻ Bàng còn trở thành biểu tượng sinh động về sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, giữa phát triển bền vững với bảo tồn lâu dài. Những thành tựu hôm nay không đơn thuần là vinh dự về mặt danh hiệu, mà còn mở ra cơ hội cho phát triển du lịch xanh, giáo dục môi trường và hợp tác quốc tế sâu rộng hơn nữa.
Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng nhóm chuyên gia của Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản thế giới cho biết: “Trong thời gian tới, để quản lý tốt Di sản thế giới liên biên giới giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và xác lập các phương pháp hoạt động để có thể đối phó với những nguy cơ tác động tới di sản; đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng và sức tải về sinh thái tài nguyên trong tổng thể Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn Quốc gia Hin Nam Nô. Phía Việt Nam có thể hỗ trợ phía bạn Lào nâng cao năng lực xây dựng quy định pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới nói chung, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô nói riêng”.
Bảo Châu
Nguồn:https://baophapluat.vn/doc-dao-hai-di-san-van-hoa-thien-nhien-vua-duoc-the-gioi-cong-nhan.html
Bình luận (0)