Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngày 22/7, bão số 3 (Wipha) sẽ áp sát bờ và đổ bộ khu vực từ nam Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa với cường độ cấp 9-10 (74-103km/h), giật cấp 13. Để chủ động ứng phó Wipha, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành lệnh cấm biển từ 11h ngày 20/7, yêu cầu các tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong sáng 21/7, tại cảng Cái Xà Cong (phường Hạ Long, Quảng Ninh) hàng trăm tàu đánh bắt thủy sản đã về đây neo đậu an toàn (Ảnh: Nguyễn Hải).
Nhiều năm nay, ngư dân chủ yếu đưa tàu vào neo đậu tại khu vực cảng Cái Xà Cong, đây là nơi kín gió, thuận tiện cho ngư dân đưa tàu thuyền vào tránh trú bão do được che chắn bởi những dãy núi bao quanh. Đặc biệt, trong đợt bão Yagi năm 2024, hầu hết các tàu neo đậu tại cảng Cái Xà Cong đều an toàn (Ảnh: Nguyễn Hải).
Cảng Cái Xà Cong khi hoàn thiện có thể neo đậu cho khoảng 600 tàu. Đến sáng 21/7, có gần 300 tàu đang neo đậu tại cảng Cái Xà Cong để tránh bão số 3.
"Đây là một cảng rất an toàn để tránh trú bão vì có núi bao bọc, ít gió. Năm 2024 tàu của gia đình tôi vào đây tránh bão Yagi nên may mắn không bị ảnh hưởng gì. Năm nay, khi nghe tin bão gia đình tôi lại đưa tàu về đây để tránh trú", ông Hoàng Ngọc Miến (54 tuổi, quê Hải Phòng), chia sẻ (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ông cho biết thêm, cơn bão Yagi đã khiến nhiều bạn tàu bị thiệt hại nặng nề. Do đó, khi nghe tin bão Wipha có đường đi giống bão Yagi sắp đổ bộ người dân rất chủ động trong việc phòng, chống bão.
Tính đến ngày 30/4, Quảng Ninh hiện có tổng cộng gần 6.200 tàu cá. Trong đó, có gần 1.900 tàu cá có chiều dài dưới 6m và hơn 3.510 tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, và 730 tàu có chiều dài từ 12m trở lên (Ảnh: Thành Đông).
Các tàu cá tại cảng Cái Xà Cong được ngư dân neo đậu an toàn (Ảnh: Thành Đông).
Ngư dân chằng néo, buộc các tàu lại với nhau để tránh bị gió xô đẩy ra khỏi vị trí trú ẩn. Đồng thời, họ dùng dây thừng chằng hai bên mái tàu để chống tốc mái khi bão đổ bộ (Ảnh: Thành Đông).
Trong lúc nghỉ ngơi tránh bão, ông Nguyễn Văn Lân (52 tuổi, trú phường Liên Hoà, Quảng Ninh) tranh thủ sửa lại tấm lưới đánh bắt hải sản (Ảnh: Thành Đông).
Vợ chồng anh Dương Văn Minh (45 tuổi, trú làng Cái Xà Cong, phường Hạ Long) ngồi nghỉ ngơi chuẩn bị cho bữa cơm trưa.
Anh Minh cho biết, từ sáng 20/7, vợ chồng anh đã đưa tàu của gia đình vào cảng Cái Xà Cong để tránh bão (Ảnh: Thành Đông).
Ông Nguyễn Văn Cường (47 tuổi) ngồi tính thời điểm bão đổ bộ đất liền vào lúc nước biển dang hay rút để tính toán chằng chống cho tàu được đảm bảo.
"Cảng Cái Xà Cong rất an toàn, sau trận bão Yagi năm 2024 gần như 100% tàu neo đậu ở đây đều an toàn nên năm nay khi nghe tin bão có rất nhiều tàu về đây để tránh bão", ông Cường chia sẻ (Ảnh: Thành Đông).
Hiện một số vật nuôi của ngư dân được nuôi tạm tại tàu, nhiều ngư dân dự kiến trong chiều nay sẽ di chuyển hết đồ đạc thiết yếu và vật nuôi lên bờ (Ảnh: Thành Đông).
Trong lúc tránh trú bão tại cảng Cái Xà Cong, nhiều ngư dân tranh thủ sửa lại mái tàu, lưới đánh bắt. Trên tàu các ngư dân đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để khi bão đi qua có thể sớm quay lại đánh bắt (Ảnh: Thành Đông).
Sáng 21/7, tỉnh Quảng Ninh mưa lớn, đến trưa bắt đầu có gió mạnh. Tàu thuyền của ngư dân hầu hết đã neo đậu vào những khu vực được chính quyền địa phương bố trí, đảm bảo an toàn (Ảnh: Hải Nam).
Ông Trần Văn Dũng (54 tuổi) cho biết đã neo thuyền vào cảng Cái Xà Cong từ ngày 18/7, bởi nếu vào muộn hơn, thuyền kích thước nhỏ như của ông sẽ không còn chỗ đậu. Theo ông Dũng, khu vực neo đậu này rất an toàn vì kín gió. Đợt bão Yagi năm 2024, thuyền của ông cũng trú ở đây và an toàn (Ảnh: Hải Nam).
Những ngày qua, ông Dũng theo dõi hầu hết các bản tin dự báo thời tiết trong ngày. Với kinh nghiệm gần 30 năm đi biển, ông Dũng cũng có những dự báo riêng cho bản thân về đường đi của bão, từ đó có kế hoạch tránh trú, bảo vệ tài sản.
"Quan trọng nhất là sự tự giác, ý thức của ngư dân. Không nên tiếc 1-2 chuyến thuyền mà mạo hiểm ra khơi thời điểm này", ông Dũng nói (Ảnh: Hải Nam).
Ngư dân gia cố tàu thuyền trước khi bão Wipha đổ bộ đất liền (Ảnh: Hải Nam).
Chuyên gia dự báo thời tiết Nguyễn Ngọc Huy cho biết bão Wipha khi đi vào Vịnh Bắc Bộ, bão có thể mạnh lên thành cấp 10-11, với vận tốc gió giật có thể lên đến 100km/h.
Theo vị chuyên gia, từ chiều nay, các khu vực ven biển Quảng Ninh và Hải Phòng đã có gió cấp 6-7, thi thoảng có gió giật cấp 10 trong quãng ngắn. Đến giữa đêm nay và rạng sáng mai, vành đĩa mây phía trước bão sẽ tiếp cận gần bờ khu vực Hải Phòng và Nam Định với gió cấp 9-10, giật cấp 11.
Ông Huy nhận định sáng 22/7, tâm bão có thể tiếp cận đất liền khu vực Nam Định - Thái Bình. Vùng ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh cấp 10-11 bao gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình sau đó tới Thanh Hóa và Nghệ An (Ảnh: Hải Nam).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/sau-ky-uc-yagi-ngu-dan-ha-long-nin-tho-cho-bao-wipha-20250721125009177.htm
Bình luận (0)