Du khách đến từ TP.HCM đang chơi lướt ván tại Mũi Né, tháng 3/2025. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Dưới bóng những mái lều dựng từ các tấm bạt nhiều màu sắc, ngư dân Mũi Né (Lâm Đồng) đang miệt mài sửa thuyền, gỡ rối lưới. Ở vùng nước nông, những người phụ nữ đội nón lá thoăn thoắt đãi mớ hải sản vừa đánh bắt - ốc biển, tôm, cua xanh - và đảo cá cơm trong những thùng lớn đang ủ làm nước mắm. Mùi mắm nồng lan khắp không gian, đặc quánh đến mức tưởng như có thể chạm vào được.
Trên mặt nước, những chiếc thuyền thúng tròn và ghe gỗ dài, sơn đủ màu vàng, xanh, đỏ, thả neo đung đưa. Đuôi ghe nào cũng vẽ đôi mắt sắc lạnh, như thể đang dõi theo từng bước chân người lạ.
Người dân địa phương tin rằng đó là "mắt thần" - biểu tượng của cá Ông, vị thần biển linh thiêng, phóng viên Daniel Stables của tạp chí National Geographic (thuộc Hội Địa lý quốc gia Mỹ) viết. Người dân tin cá voi là thần Nam Hải, từng cứu ngư dân gặp nạn trong bão, và niềm tin ấy vẫn sống trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ Mũi Né.
Khung cảnh Mũi Né yên bình trong mắt nhiếp ảnh gia của National Geographic. Ảnh: Ulf Svane. |
Trớ trêu thay, chính những cơn gió từng khiến người ta cầu an giờ lại thu hút du khách. Mũi Né có khoảng 260 ngày gió mạnh mỗi năm, với hai mùa gió rõ rệt - gió mùa Tây Nam từ tháng 6-9, và gió mùa Đông Bắc những tháng còn lại - tạo điều kiện lý tưởng cho các môn thể thao biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, chèo thuyền và lướt sóng.
Nguyễn Tấn Hưng, huấn luyện viên lướt ván diều tại Mui Ne Sailing Club, là một trong những người đầu tiên chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương. Sinh ra trong gia đình ngư dân, anh từng theo cha ra khơi, lớn lên trên những con thuyền có đôi "mắt thần biển". Hưng nói mình "có nước biển trong máu". Anh tin tuyệt đối vào cá Ông, bởi chính cha anh từng chứng kiến thần biển cứu người giữa cơn bão.
Hưng nhớ rõ cột mốc khiến Mũi Né "đổi đời" là vào năm 1995, khi hàng nghìn người đổ về Mũi Né để xem nhật thực toàn phần.
"Trước đó, chẳng ai biết đến Mũi Né. Nhưng sau ngày ấy, mọi thứ thay đổi", anh kể.
Khách bị quyến rũ bởi đồi cát đỏ, trắng trải dài, rặng phi lao mát rượi và biển lặng sóng đều. Với dân chơi thể thao biển, điều khiến họ say mê chính là gió - ổn định, mạnh mẽ nhưng dễ đoán. Từ đó, Mũi Né nổi lên như điểm đến thể thao dưới nước yên bình hơn so với những thiên đường thể thao biển ở Thái Lan hay Philippines.
Mũi Né đẹp tựa bức tranh dưới ánh bình minh và hoàng hôn. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Bên cạnh biển và gió, Mũi Né còn có miếu Vạn Thủy Tú - nơi lưu giữ hàng nghìn bộ xương cá voi được vớt dọc bờ biển suốt nhiều thế kỷ. Theo ông Lý Nhẫm, người trông miếu, miếu được xây từ năm 1762. Phía sau bàn thờ chính là một tủ kính lớn, bên trong xếp đầy xương hàm cá voi, có chiếc dài tới 4 m. Trong căn phòng kế bên là một bộ xương cá voi dài hơn 20 m - được cho là lớn nhất Đông Nam Á.
"Bộ xương này trôi dạt vào bờ năm 1800, nhưng cá Ông đã cứu ngư dân từ trước đó rất lâu. Với chúng tôi, cá Ông là thiên thần hộ mệnh của biển cả", ông Nhẫm nói.
Khi chiều xuống, nắng nhuộm vàng Suối Tiên - con suối nhỏ len lỏi qua những vách đất đỏ uốn lượn như tranh. Sóng lặng, gió ngừng - Mũi Né trở về dáng vẻ nguyên sơ, bình yên. Theo ông Hưng, tuần này cá Ông đang giữ gió lại cho ngư dân, chứ không phải cho dân lướt ván.
znews.vn
Nguồn:https://lifestyle.znews.vn/national-geographic-khen-het-loi-mui-ne-ve-the-thao-bien-post1570162.html#zingweb_category_category479_featured_1
Bình luận (0)