Đích đến là nền nông nghiệp phát thải thấp
Theo các chuyên gia, phát triển ngành nông nghiệp bền vững đang trở thành “con đường phải bước tới” của nông nghiệp Việt Nam chứ không còn là sự lựa chọn. Trong đó, nông nghiệp phát thải thấp là mục tiêu và đích đến. Điều này đặc biệt quan trọng khi ngành nông nghiệp sẽ tham gia vào mục tiêu Việt Nam đạt NetZero vào năm 2050 theo lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26.
Mục tiêu NetZero trong nông nghiệp, hay còn gọi là "Phát thải ròng bằng không" là giảm lượng khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) từ hoạt động nông nghiệp xuống mức mà Trái đất có thể hấp thụ hoặc loại bỏ, đưa tổng lượng khí thải ròng về 0. Điều này hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và, đây cũng là mục tiêu và ý nghĩa của “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương về Đề án phát triển bền vững một triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án) vừa diễn ra tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là dự án đầu tiên trên thế giới cũng là niềm tự hào của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh ĐBSCL trong việc triển khai các mô hình và sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của bà con nông dân và các HTX. Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án mang lại ý nghĩa rất lớn, không chỉ về mặt vật chất mà còn quan trọng về chính trị và giá trị tinh thần. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quý III/2025 phải hoàn thành việc quy hoạch vùng chuyên canh 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.
Ngành ngân hàng rốt ráo vào cuộc
Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai cho vay Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện Đề án, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc tích cực. Trong đó, NHNN đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, triển khai nhiều giải pháp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực cho vay đối với Đề án.
Đến nay, ngoài hệ thống Agribank là ngân hàng chủ lực tham gia không giới hạn hạn mức tín dụng đối với Đề án, 7 ngân hàng thương mại khác cũng đã đăng ký tham gia cho vay đối với các thành viên của Đề án với số vốn đăng ký trong giai đoạn thí điểm (đến hết 2025) là khoảng 17.000 tỷ đồng. “Điều đáng ghi nhận là chỉ một tháng (đến 30/6/2025), sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố danh mục các mô hình, doanh nghiệp tham gia Đề án, các ngân hàng đã tích cực tiếp cận khách hàng để giải ngân cho vay. Nhờ đó đến nay doanh số giải ngân cho vay đối với Đề án này đã đạt khoảng 5.200 tỷ đồng”, ông Phạm Thanh Hà thông tin.
Phó Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tiếp cận những khách hàng đủ điều kiện vay theo Đề án để tăng tốc độ giải ngân; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai tài trợ vốn cho Đề án này.
Agribank sẵn sàng phục vụ
“Đến hết quý I/2025, dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo của các Chi nhánh Agribank tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt 40.500 tỷ đồng với 39.443 khách hàng, tăng trên 3.800 tỷ đồng so với đầu năm 2025.
Dư nợ cho vay lúa gạo của các Chi nhánh Agribank trong khu vực được phân bổ cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cụ thể, dư nợ cho vay trồng lúa đạt 4.035 tỷ đồng; cho vay sản xuất, chế biến lúa gạo đạt 6.610 tỷ đồng; cho vay bán buôn, bán lẻ lúa gạo nội địa đạt 28.751 tỷ đồng và cho vay xuất khẩu lúa gạo đạt 1.104 tỷ đồng.
Thực hiện các chỉ đạo Chính phủ và NHNN, nhiều năm qua Agribank luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong việc hỗ trợ tín dụng trong lĩnh vực “Tam nông”, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Ngay tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL vào cuối tháng 11/2024, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng đã cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến cá nhân, hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Đề án. “Agribank sẽ sử dụng nguồn lực tự có của ngân hàng, hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường” - Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cam kết đồng hành cùng doanh ghiệp thực hiện Đề án.
Trên thực tế, ngay sau khi Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg, Agribank đã ký kết Bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường; và khi NHNN ban hành văn bản hướng dẫn Chương trình cho vay, Agribank cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL tới các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia Đề án. Hiện Agribank cũng đang xây dựng các sản phẩm tín dụng chuyên biệt đối với từng nhóm khách hàng cá nhân, hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để có thể triển khai ngay khi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố danh sách các vùng chuyên canh, các liên kết, chủ thể tham gia liên kết và định mức chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất theo đúng tiêu chuẩn tại Đề án. “Trước mắt quy mô triển khai tối thiểu 30.000 tỷ đồng và trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục bổ sung. Các sản phẩm về cho vay sẽ được tối ưu hóa về lãi suất, giảm bớt thủ tục trên cơ sở quản lý được dòng tiền trong liên kết, từ đó góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu hec-ta lúa” - ông Phạm Toàn Vượng cho biết.
Chia sẻ thêm về việc thực hiện Đề án, Phó Tổng Giám đốc Agribank bà Phùng Thị Bình cho biết, đối với các đối tượng tham gia chuỗi liên kết trong đề án, Agribank giảm lãi suất 1-2%/năm giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Agribank không giới hạn vốn cho vay trung, dài hạn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tham gia Đề án, đồng thời mong muốn xây dựng chuỗi liên kết khép kín, từ hộ nông dân, nhà cung cấp nguyên vật liệu đến doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp các bên giảm chi phí, được hưởng chính sách ưu đãi như phí dịch vụ và các điều kiện bảo đảm tiền vay.
Nguồn:https://daibieunhandan.vn/trien-khai-de-an-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-agribank-no-luc-thuc-hien-su-menh-10380307.html
Bình luận (0)