Các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương
Theo báo cáo của Sở Du lịch Ninh Bình (trước khi sáp nhập), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Ninh Bình đã có hơn 7,2 triệu lượt khách được phục vụ, đạt gần 80% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt. Đáng chú ý, lượng khách lưu trú đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 6, Ninh Bình đón hơn 660.000 lượt khách, thu về gần 718 tỷ đồng.
Phải nói, trong năm 2025, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đã phát huy những sản phẩm thế mạnh, mang nét đặc sắc riêng của tỉnh. Trong đầu năm 2025, du lịch tâm linh khám phá điểm đến văn hóa - lịch sử, như Tràng An - Bãi Đính, Hang Múa, các đền miếu cổ kính,... đã trở thành một địa chỉ thu hút du khách nội địa.
Một tỉnh khác đã đầu tư mạnh để phát triển những điểm đến du lịch độc đáo, mới mẻ hấp dẫn du khách đó là tỉnh Kiên Giang cũ (sau khi sáp nhập đã thành tỉnh An Giang). Theo báo cáo vào thời điểm tháng 5, tỉnh đón hơn 7 triệu lượt khách, đạt 64,4% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế ước đón gần 900 nghìn lượt, đạt 74,3% kế hoạch của năm. Tổng thu khoảng 29 tỷ đồng, vượt 1,8% kế hoạch năm.
Đảo Ngọc là điểm nhấn của nơi đây. Sở hữu bãi biển xanh mướt trải dài bên bãi cát vàng, đảo Ngọc không chỉ dựa vào thiên nhiên, mà còn đầu tư khu vui chơi, hoạt động biển hấp dẫn, cơ sở sản xuất ngọc trai để tạo nhiều sản phẩm du lịch cho khách trải nghiệm.
Phát triển đồng bộ các điểm đến du lịch sau sáp nhập
Từ ngày 1/7 năm nay, sau khi sáp nhập, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một cơ hội rất lớn để các điểm đến du lịch tạo vùng liên kết, cùng thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút du khách đến tham quan trong tương lai gần.
Như huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cũ trở thành đặc khu thuộc tỉnh Lâm Đồng mới trên cơ sở sáp nhập các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Được biết, Phú Quý là một điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Phú Quý ghi dấu trong lòng du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ, với nhiều hoạt động lặn ngắm san hô độc đáo ở biển.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch Phú Quý chưa phát triển xứng với tầm vóc. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch tại đây còn nhiều hạn chế. Với việc sáp nhập Phú Quý thành đặc khu thuộc tỉnh Lâm Đồng giúp nơi đây được đầu tư, quan tâm mạnh hơn về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh tế phát triển.
Chia sẻ với truyền thông, ông Lê Hồng Lợi - Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quý cho biết, việc được Trung ương, Chính phủ quan tâm đưa Phú Quý trở thành đặc khu có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc khu sẽ có tính đặc thù, từ đó tạo điều kiện để tiếp tục các nhiệm vụ xây dựng Phú Quý ngày càng phát triển trong tương lai.
Một điểm đến “non trẻ” hấp dẫn khác là Vĩnh Hy (trước đây thuộc tỉnh Ninh Thuận). Vĩnh Hy là một điểm đến hoang sơ với phong cảnh đẹp, bãi biển trong vắt như ngọc. Trong vài năm gần đây, Vĩnh Hy thành một địa chỉ thu hút người trẻ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Vĩnh Hy đang mất điểm do dịch vụ du lịch chưa đủ tốt, thiếu địa điểm cư trú chất lượng, bãi đậu xe còn hạn chế.
Ngoài hoạt động tắm biển, lặn biển, đi chợ đêm, Vĩnh Hy không có nhiều sản phẩm du lịch để “giữ chân” du khách dài ngày. Với việc sáp nhập tỉnh Ninh Thuận vào Khánh Hòa, một tỉnh hàng đầu về du lịch tại Việt Nam, hứa hẹn trong tương lai, Vịnh Vĩnh Hy với vẻ đẹp hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng và các điểm tham quan như mũi Cá Voi, Hòn Tai, Hang Yến sẽ bổ sung thêm vào các điểm du lịch nổi tiếng của Khánh Hòa như Nha Trang, Dốc Lết, Bãi Dài,...
Nguồn: https://baophapluat.vn/phat-trien-dong-bo-diem-den-du-lich-viet-nam-loi-the-tu-sap-nhap-tinh-thanh-post553794.html
Bình luận (0)