Sinh ra tại Dundee, Scotland, vào năm 1857, Williamina Fleming sớm bộc lộ năng khiếu học tập. Năm 21 tuổi, bà di cư đến Mỹ cùng chồng nhưng sau đó bị bỏ rơi. Bà buộc phải tự nuôi sống bản thân và đứa con trong bụng với công việc làm hầu gái trong gia đình Edward Charles Pickering, Giám đốc Đài quan sát của Đại học Harvard. Thời gian đó, Edward đang cảm thấy thất vọng vì hiệu suất làm việc của các trợ lý nam, nên sau đó đã thuê luôn cô hầu gái của mình tới làm việc tại Đài quan sát.
Ban đầu, bà chỉ được nhận các công việc nhập dữ liệu thông thường, nhưng sau khi vị giám đốc thấy được năng lực của bà, Williamina đã được tham gia một nhóm phụ nữ được gọi là "Máy tính Harvard", có nhiệm vụ phân tích các tấm ảnh chụp bầu trời đêm, rồi được thăng tiến lên việc thực hiện phân loại chi tiết quang phổ sao. Bà đã phát triển một hệ thống để phân loại các ngôi sao theo cường độ các vạch hydro của chúng, được gọi là hệ thống Pickering - Fleming, tiền thân của hệ thống phân loại quang phổ Harvard vẫn được sử dụng cho đến nay.
Chân dung nhà thiên văn học Williamina Fleming
Bên cạnh việc phát triển hệ thống phân loại quang phổ, xuyên suốt sự nghiệp của mình, Williamina đã có những phát hiện làm thay đổi ngành thiên văn học. Bà đã phát hiện ra Tinh vân Đầu ngựa năm 1888, ngoài ra còn có 59 tinh vân khí, hơn 300 ngôi sao biến quang và 10 ngôi sao mới. Bà còn là người đầu tiên xác định được dấu hiệu quang phổ của các ngôi sao lùn trắng.
Năm 1906, bà trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên được bầu làm thành viên danh dự của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia tại London (Anh). Thêm vào đó, bà còn nhận được huy chương Guadalupe Almendaro từ Hiệp hội Thiên văn học Mexico và được bổ nhiệm làm Giám tuyển Ảnh thiên văn tại Harvard, trở thành người phụ nữ đầu tiên được đảm nhiệm vị trí này.
Williamina Fleming (ở giữa, bên phải) tại Hội nghị lần thứ tư của Liên minh quốc tế về hợp tác nghiên cứu năng lượng mặt trời tại Đài quan sát Mount Wilson, năm 1910
Edward Charles Pickering cùng “biệt đội” của mình năm 1913
Williamina Fleming cùng các đồng nghiệp tại Đài quan sát Đại học Harvard
Williamina Fleming qua đời năm 1911 nhưng câu chuyện của bà vẫn còn mãi trong những hệ thống và phát hiện của bà. Từ một người hầu gái, bà đã trở thành một trong những người góp phần đặt nền móng cho ngành vật lý thiên văn thế kỉ 20 và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người phụ nữ khác.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nguoi-hau-gai-tro-thanh-nha-thien-van-hoc-20250518165557958.htm
Bình luận (0)