Thu nhập của công nhân còn thấp
Chị Lê Thị Hồng - công nhân một công ty may mặc ở Khu Công nghiệp Suối Dầu (xã Suối Dầu) làm việc hơn 5 năm, lương cơ bản mỗi tháng chỉ được hơn 4 triệu đồng. Cộng với các khoản phụ cấp, tăng ca, mỗi tháng thu nhập của chị Hồng được 8 triệu đồng. Chồng chị Hồng làm bảo vệ cho một khách sạn ở phường Nha Trang, mỗi tháng được hơn 8 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng chị Hồng hơn 16 triệu đồng/tháng, trong khi đó, mỗi tháng, vợ chồng chị phải chi trả hơn 3 triệu đồng tiền thuê nhà ở, điện, nước. Chị Hồng cho biết: “Hằng tháng, vợ chồng tôi tiết kiệm lắm mới đủ lo chi tiêu, sinh hoạt, tiền học của 2 con. Điều tôi mong mỏi nhất là tiền lương được cải thiện để mỗi tháng có thể để dành một khoản lo cho tương lai các con. Đồng thời, tỉnh quan tâm triển khai xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân với giá ưu đãi để tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận”.
Công nhân của một công ty chế biến thủy sản tại Khu Công nghiệp Suối Dầu. |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Khánh - công nhân một công ty chế biến thủy sản ở Cụm Công nghiệp Diên Phú đã làm việc 7 năm, mức lương mỗi tháng 8 triệu đồng. Tháng nào có hàng nhiều, công ty tổ chức tăng ca, cùng với các khoản phụ cấp, thưởng thì tổng thu nhập của anh Khánh được hơn 10 triệu đồng. Vợ anh đi rửa bát thuê cho một quán phở vào mỗi buổi sáng, tiền công hằng tháng chỉ được 2,5 triệu đồng. Với khoản thu nhập đó, vợ chồng anh Khánh phải rất tiết kiệm trong chi tiêu mới đủ lo cho gia đình. Anh Khánh cho biết: “Tổng thu nhập của vợ chồng tôi được hơn 12 triệu đồng/tháng, trong khi phải lo chi phí ăn học của 2 con, sinh hoạt trong nhà nên không dư được đồng nào. Đó là chưa kể, khi công ty không có hàng, tôi nghỉ tăng ca thì thu nhập bị giảm. Ước mong có tiền tích cóp để mua đất, xây nhà với tôi rất xa vời. Đã thế, từ sau Tết đến nay, giá cả thị trường tăng, tiền điện tăng trong khi thu nhập của công nhân không tăng khiến cuộc sống càng khó khăn. Chúng tôi rất mong Nhà nước, DN sớm điều chỉnh tăng lương cho công nhân để đảm bảo cuộc sống được ổn định...”.
Mức lương tối thiểu vùng hiện hành được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 74, ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Đồng thời, từ ngày 1-7-2025, việc xác định lương tối thiểu vùng thực hiện theo đơn vị hành chính xã mới. Tại Khánh Hòa được áp dụng từ vùng II đến vùng IV. Cụ thể, mức 4,41 triệu đồng/tháng và 21.200 đồng/giờ (vùng II) gồm các phường: Nha Trang, Bắc Nha Trang, Tây Nha Trang, Nam Nha Trang, Bắc Cam Ranh, Cam Ranh, Cam Linh, Ba Ngòi, Ninh Hòa, Đông Ninh Hòa, Hòa Thắng và các xã Nam Cam Ranh, Bắc Ninh Hòa, Tân Định, Nam Ninh Hòa, Tây Ninh Hòa, Hòa Trí. Mức 3,86 triệu đồng/tháng và 18.600 đồng/giờ (vùng III) gồm các phường: Phan Rang, Đông Hải, Ninh Chử, Bảo An, Đô Vinh và các xã: Đại Lãnh, Tu Bông, Vạn Thắng, Vạn Ninh, Vạn Hưng, Diên Khánh, Diên Lạc, Diên Điền, Suối Hiệp, Diên Thọ, Diên Lâm, Cam Lâm, Suối Dầu, Cam Hiệp, Cam An, Ninh Phước, Phước Hữu, Phước Hậu, Phước Dinh, Ninh Hải, Xuân Hải, Vĩnh Hải, Thuận Bắc, Công Hải. Mức 3,45 triệu đồng/tháng và 16.600 đồng/giờ (vùng IV) gồm các xã, phường và đặc khu còn lại.
Chưa thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng
Theo kết quả khảo sát của Sở Nội vụ, hiện nay, mức lương tối thiểu vùng theo quy định đều được các DN trên địa bàn tỉnh áp dụng để thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Còn trên thực tế, nhiều DN đều trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, tiền lương bình quân của NLĐ trong các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 13,8 triệu đồng/người/tháng; tiền lương bình quân của NLĐ trong công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 13,3 triệu đồng/người/tháng; tiền lương bình quân của NLĐ trong DN dân doanh 11,8 triệu đồng/người/tháng; tiền lương bình quân của NLĐ trong DN có vốn đầu tư nước ngoài 12,8 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn các DN thực hiện tốt chính sách tiền lương nên tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh được duy trì hài hòa, ổn định.
Giờ làm việc của công nhân Công ty TNHH Komega-X. |
Còn theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 3 và 4-2025, có 54,9% NLĐ cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải chi tiêu tằn tiện; 7,9% phải làm thêm công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình nên NLĐ phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống. Từ thực tế khảo sát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng là 8,3% và 9,2% so với năm 2024 - 2025. Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của đại diện NLĐ đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi NLĐ, vừa tạo điều kiện để DN có cơ hội phục hồi, phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng của đại diện NLĐ từ 3 đến 5%; bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5 - 7%. Chính vì chưa thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng giữa các bên nên hiện nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn chưa thể trình Chính phủ xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng mà phải chờ phiên họp vào tháng 8-2025 mới chốt phương án.
Có thể nói, tăng lương tối thiểu vùng là một yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, nhằm bảo đảm đời sống của NLĐ, góp phần tạo sự ổn định trong quan hệ lao động. Trong bối cảnh hiện nay, DN cần sự ổn định để sản xuất kinh doanh. Do đó, rất cần sự dung hòa lợi ích giữa DN và NLĐ. Tăng lương cũng là giải pháp để thu hút và giữ chân NLĐ.
PHÚ AN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/nguoi-lao-dong-mong-duoc-tang-luong-bf53758/
Bình luận (0)