Người phụ nữ với dáng người gầy, từ nhỏ bà đã bị khuyết tật, một chân bị teo nên việc đi lại có chút khó khăn, nhưng bà luôn mang trái tim nhân hậu và sự sẻ chia cho người nghèo.
Năm 2019, giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà được tín nhiệm giao nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Long 1 (xã Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi). Không lương, không phụ cấp, nhưng bà vẫn nhận trách nhiệm với tất cả tấm lòng. Bà đứng ra kêu gọi người dân trong thôn quyên góp gạo, rau củ, nhu yếu phẩm gửi vào TPHCM hỗ trợ người dân trong vùng dịch, tham gia nấu từng suất cơm gửi đến các khu cách ly.
Tính chu đáo, chăm chỉ, bà Tình luôn quan tâm tới những việc chung mà bà thấy cần làm, nên làm. Bà Ngô Thị Kính (62 tuổi, thôn Phú Long 1) bị bệnh tâm thần, từ năm 2019 sức khỏe bà Kính sa sút, không thể làm đồng. Hơn một sào ruộng, kế sinh nhai duy nhất, đứng trước nguy cơ bỏ hoang. Đồng cảm với bà Kính, bà Tình đã đứng ra vận động chị em cùng tham gia gieo cấy, chăm sóc, gặt hái, xay xát... để đảm bảo mỗi vụ mùa đều cho ra hạt gạo, đủ cho bà Kính sống qua ngày.

“Cho gạo thì chỉ đủ ăn một thời gian, nhưng nếu giúp bà ấy làm được ruộng, thì sẽ có gạo ăn quanh năm, năm này qua năm khác,” bà Tình bộc bạch. Thấy việc làm bà Tình, người cho mượn máy cắt, người giúp xay gạo, tất cả đều miễn phí, bởi ai cũng muốn góp một phần nhỏ vào nghĩa cử lớn lao mà bà Tình đã khởi xướng.
Suốt từ năm 2019 đến nay, đều đặn vụ lúa nào 1 sào cũng thu được 7 bao lúa, chỉ những năm mùa màng thất bát, bà Tình mới đi quyên góp gạo trong thôn xóm gửi cho bà Kính, cứ 10kg/tháng.
Mỗi lần bà Tình ghé sang, bà Kính lại rạng rỡ như trẻ nhỏ gặp người thân. Dù bệnh tật khiến trí nhớ không còn nguyên vẹn, nhưng tình nghĩa thì bà Kính chưa từng quên. Bà nắm chặt tay bà Tình, kéo ngồi xuống, ríu rít trò chuyện như gặp tri kỷ lâu ngày. “Vui lắm, nhờ có bà Tình mà nhà tôi lúc nào cũng có gạo đầy hũ. Bà hay cho tôi bánh kẹo, trái cây... Tôi mừng lắm! Tôi không làm gì được, vậy mà bà vẫn thương, vẫn lo cho tôi như người trong nhà”, bà Kính chia sẻ.
Rất nhiều gia đình ở thôn Phú Long 1, mỗi khi gặp biến cố hay khó khăn, đều nhận được sự sẻ chia đầy nghĩa tình từ bà Tình. Bà không chỉ tự tay góp công mà còn đứng ra vận động chị em phụ nữ trong thôn cùng chung sức, giúp người làm đồng, cấy lúa. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Tư, bà Nguyễn Thị Luyện…những người từng được bà Tình và phụ nữ trong thôn xóm kề vai, san sẻ lúc ngặt nghèo.

Bà Nguyễn Thị Trang (45 tuổi, thôn Phú Long 1) mắc bệnh tim bẩm sinh, một mình nuôi 3 người con ăn học trong cảnh chật vật, bà Tình đã khởi xướng chương trình “gom ve chai giúp hộ nghèo”. Ban đầu, bà âm thầm tự mình đi nhặt từng vỏ chai, lon nước bỏ đi. Khi biết được ý nghĩa việc làm của bà, người dân trong thôn cảm động, ai nấy cũng giữ lại chai lọ mang sang nhà bà Tình. Nhờ sự chung tay ấy, mỗi tháng bà gom được 150.000 đồng để hỗ trợ bà Trang.
Bà Tình bộc bạch: “Tôi thấy phụ nữ khổ thì mình thương. Có gì giúp nấy, gạo từ nhà, đồng tiền bán lúa, bán thóc…, tôi san sẻ được chút nào thì san sẻ".
Bà Tình đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, từ việc giúp đỡ người nghèo, kêu gọi quyên góp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đến tặng lương thực, thực phẩm cho bà con, bà cùng chi hội phụ nữ duy trì đều đặn các chương trình như “Bữa sáng yêu thương”, “Hũ gạo tình thương”, “Gom ve chai giúp hộ nghèo”… Mỗi năm, từ tấm lòng sẻ chia ấy, chi hội quyên góp gần 200kg gạo, tổ chức nấu và phát hàng trăm suất ăn miễn phí mỗi tháng.
Với những đóng góp nhân ái ấy, năm 2024, bà Tình vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Bằng khen “Phụ nữ tiêu biểu” và được UBND tỉnh ghi nhận bằng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021–2023. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho một tấm gương phụ nữ giàu lòng nhân ái, âm thầm gieo mầm thiện lành trong cộng đồng.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-phu-nu-khuyet-tat-het-long-vi-nguoi-ngheo-post803024.html
Bình luận (0)