Trong bối cảnh đó, xu hướng quay trở lại sử dụng thực phẩm theo cách truyền thống, tự nhiên, ít qua chế biến công nghiệp đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Dầu lạc, dầu vừng ép thủ công hay mỡ lợn đang dần lấy lại vị thế trong căn bếp của nhiều gia đình.
Tại cơ sở ép dầu Thành Phượng, phường Phố Hiến, những ngày gần đây khách hàng tìm đến ngày một đông. Cơ sở đã hoạt động ổn định được 6 năm, chuyên nhận ép dầu lạc và dầu vừng. Chị Trần Thị Phượng, chủ cơ sở cho biết: Trung bình mỗi tháng, chúng tôi cung cấp ra thị trường gần 100 lít dầu thành phẩm, với giá 140.000 đồng/kg dầu lạc và 260.000 đồng/kg dầu mè. Nhiều người còn mang lạc, vừng nhà trồng đến ép để yên tâm về chất lượng, với giá công là 10.000 đồng/kg nguyên liệu.
Theo tính toán, để ép được 1 lít dầu lạc cần khoảng 2 – 2,5kg lạc nhân, còn để có 1 lít dầu mè thì cần từ 2,5 – 3kg vừng. Chính sự rõ ràng, minh bạch trong quy trình ép dầu đã giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Mừng ở phường Sơn Nam ưu tiên dầu lạc do gia đình tự trồng, tự ép. Chị Mừng chia sẻ: Nhà tôi có vài sào lạc, sau khi thu hoạch thì phơi khô, bóc lấy nhân rồi mang đến cơ sở ép dầu. Dầu thơm, trong, bảo quản được lâu. Dù giá thành cao hơn một chút nhưng đổi lại là sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng.
Không chỉ dừng lại ở các loại dầu thực vật truyền thống, nhiều gia đình tại Hưng Yên đã quay lại sử dụng mỡ lợn trong nấu ăn hàng ngày. Bà Trần Thị Huy ở xã Khoái Châu cho biết: Khoảng một năm nay, gia đình tôi chủ yếu sử dụng mỡ lợn trong chế biến món ăn hằng ngày. Khi dùng mỡ lợn để chiên, xào, các món ăn đều thơm hơn, béo ngậy tự nhiên mà không ngấy. Trước đây, tôi cũng lo ngại mỡ lợn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng khi tìm hiểu kỹ, tôi biết nếu sử dụng điều độ, thực phẩm này không những không gây hại mà còn có lợi cho cơ thể.
Giống với bà Huy, gia đình chị Nguyễn Phương Hà ở xã Văn Giang thời gian gần đây cũng thường xuyên sử dụng mỡ lợn để chế biến món ăn. Việc này xuất phát từ mong muốn của chị là tìm kiếm nguồn chất béo tự nhiên, hạn chế tiêu thụ dầu tinh luyện và các sản phẩm chứa chất bảo quản. Chị Hà cho biết: Tôi tìm mua mỡ lợn “sạch”, lợn được người quen nuôi bằng cám và rau của gia đình tự sản xuất hoặc mua mỡ lợn “bản”. Giá cả sẽ cao hơn so với mua mỡ ở chợ, nhưng ăn thấy yên tâm mà hương vị cũng thơm ngon hơn.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện nay ngày càng có xu hướng quay lại với thực phẩm truyền thống có thể kiểm soát được nguồn gốc, cách chế biến và mức độ an toàn. Dầu lạc, dầu vừng không chỉ chứa nhiều chất béo không bão hòa tốt cho tim mạch mà còn giữ được hương vị tự nhiên của món ăn. Mỡ lợn, nếu được chế biến sạch và sử dụng điều độ, cũng là nguồn chất béo phù hợp cho nhiều món ăn Việt, đặc biệt là các món chiên, rán nhờ khả năng chịu nhiệt tốt.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, người dân nên sử dụng hài hòa mỡ lợn và dầu thực vật trong bữa ăn hằng ngày để cân bằng giữa axit béo no và không no, hạn chế nguy cơ tim mạch. Mỡ lợn có thể dùng cho món chiên xào truyền thống, trong khi dầu thực vật phù hợp với món trộn, salad. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm tại các cơ sở, thương hiệu uy tín, có kiểm định chất lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe lâu dài.
Nguồn: https://baohungyen.vn/nguoi-tieu-dung-dan-quay-ve-voi-thuc-pham-nguon-goc-tu-nhien-3182262.html
Bình luận (0)