Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhận biết các triệu chứng đột ngột do não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng…

Báo Thanh niênBáo Thanh niên12/05/2025

Cùng các triệu chứng trên, bệnh nhân não mô cầu thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.

Nhận biết các triệu chứng đột ngột do bệnh não mô cầu - Ảnh 1.

Nam thanh niên 22 tuổi ở Bắc Ninh bị não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

ẢNH: THANH ĐẶNG

Theo Viện Pasteur TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía nam ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành. Số mắc tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024, ghi nhận rải rác trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, bệnh viện tuyến T.Ư gần đây cũng ghi nhận ca bệnh não mô cầu nhập viện trong tình trạng nặng, diễn biến cấp tính.

Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bệnh não mô cầu có các triệu chứng lâm sàng đa dạng như: viêm màng não tủy cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia), viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu.

Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5 - 10%.

Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.

Ca bệnh não mô cầu xác định khi phân lập vi khuẩn não mô cầu (+) trong dịch não tủy hoặc trong máu.

"Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự như: bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn cúm týp b (Haemophilus influenzae b), bệnh viêm màng não mủ do liên cầu phế viêm (Streptococcus pneumoniae)", Cục Phòng bệnh lưu ý.

Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định não mô cầu là lấy máu hoặc chích mụn nước hoặc ban xuất huyết; lấy dịch não tủy; ngoáy họng.

Não mô cầu tấn công người trẻ

Đáng lưu ý, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và đây cũng là nhóm tuổi có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu là người. Bởi vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng.

Bệnh dễ bùng phát ở môi trường tập thể như trường học, ký túc xá, doanh trại, khu công nghiệp. Có tới 5 - 25% người lành mang vi khuẩn này trong mũi họng mà không biểu hiện triệu chứng.

Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khỏe mang vi khuẩn não mô cầu. Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng.

Não mô cầu dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ được loại trừ ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. 

Do đó, bệnh nhân não mô cầu phải được cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang (tối thiểu trong vòng 24 giờ sau khi dùng kháng sinh đặc hiệu).

Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhan-biet-cac-trieu-chung-dot-ngot-do-nao-mo-cau-185250512100739103.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm