Với 5 trường đại học, 10 trường cao đẳng và hơn 50 cơ sở đào tạo nghề đóng chân trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai có nhiều yếu tố thuận lợi để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải, chưa có trọng điểm nên nguồn nhân lực chất lượng cao của Đồng Nai vẫn bị thiếu hụt, nhất là trong bối cảnh phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.
Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm hiểu năng lực đào tạo ngành công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn tại Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh:C.Nghĩa |
Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp sớm, ngay sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây tròn nửa thế kỷ, đặc biệt là giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ một tỉnh thu hút lao động lĩnh vực gia công là chủ yếu, tỉnh đang quyết liệt chuyển thu hút đầu tư sang những dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động.
Song việc chuyển đổi mô hình thu hút đầu tư phải gắn liền với chuyển đổi trình độ, chất lượng lao động, từng bước thay thế lao động gia công với trình độ, năng suất thấp sang trình độ cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trong quá trình phát triển kinh tế -
xã hội.
Khó bền vững nếu tay nghề thấp
Theo đánh giá của doanh nghiệp (DN), công tác đào tạo nghề và tay nghề của người lao động vẫn là “điểm trừ” của tỉnh trong thu hút các nhà đầu tư. Đồng Nai hiện vẫn thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là lao động trong các lĩnh vực kỹ thuật cao, ngành kinh tế số. Thiếu lao động chất lượng cao đang tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động và việc mở rộng sản xuất của nhiều DN, đồng thời làm giảm đi tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là sự phát triển bền vững lâu dài. Nhiều người lao động đã nhìn thấy cơ hội việc làm chất lượng cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp đi kèm với chế độ phúc lợi tốt nhưng đành “đứng nhìn”, vì mình không thể đáp ứng được yêu của nhà tuyển dụng.
PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:
Tận dụng Nghị quyết 57 để nâng cao trình độ nhân lực khoa học công nghệ
Đồng Nai nên nghiên cứu sâu, có giải pháp đồng bộ để đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào thực tiễn phát triển của tỉnh. Cụ thể là cần tập trung thu hút các nhà khoa học, giảng viên có trình độ cao vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Mạnh dạn đầu tư vào đào tạo những ngành, lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao cho thị trường lao động.
Đơn cử như cuối tháng 11-2023, khi khởi động xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà thầu nước ngoài là Công ty IC ICTAS của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí quản lý dự án, tuy nhiên không thể tìm được ứng viên nào là người Đồng Nai. Cụ thể, nhà thầu tuyển lao động Việt Nam vào 31 vị trí công việc với mức lương 400 triệu đồng/tháng cho giám đốc dự án, trưởng phòng dự án. Yêu cầu của các vị trí là có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, có bằng đại học và thông thạo tiếng Anh.
Theo Sở Nội vụ, Đồng Nai hiện có lực lượng lao động lớn với khoảng 1,2 triệu người. Nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh xác định là động lực, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Đây cũng một trong 4 đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp và cơ chế hỗ trợ công tác đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, đa phần các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đồng nghĩa sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo cán bộ tuyển dụng của Công ty TNHH SMC Corporation Việt Nam (thuộc Tập đoàn SMC Nhật Bản), công ty đang tiếp tục mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) với công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa rất cao. Chính vì vậy, công ty đang tập trung tuyển dụng và đào tạo lực lượng lao động trình độ tương xứng để có được năng suất và chất lượng sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực có từ thị trường lao động tại Đồng Nai đang là thách thức với công ty trong quá trình tuyển dụng.
Chủ động nhân lực cho những lĩnh vực mới
Đồng Nai đang có những cơ hội lớn chưa từng thấy để tiếp tục tạo ra sự bùng nổ về phát triển các ngành công nghiệp mới. Cơ hội phát triển lần này sẽ không dành cho những lao động chỉ dừng lại ở khả năng biết đọc, biết viết, hay chỉ trải qua những khóa đào tạo nghề ngắn hạn. Một minh chứng rõ nét nhất là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển, trong đó có không ít DN đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Đồng Nai để đón đầu cơ hội từ dự án này.
Học sinh Trường trung học phổ thông Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) làm quen với trí tuệ nhân tạo - bước đệm quan trọng trong hướng nghiệp. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Theo các chuyên gia, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vốn đầu tư lên tới 16 tỷ USD, thời gian hoàn thành dự án kéo dài nhiều năm. Vì vậy rất cần nhân lực ngành xây dựng chất lượng cao phục vụ dự án sân bay cho đến khi hoàn thành. Nhưng cơ hội lâu dài hơn vẫn là nguồn nhân lực phục vụ khi dự án đi vào hoạt động, với ước tính lên tới hơn 13 ngàn người. Cũng theo các chuyên gia, nếu Đồng Nai không thể tận dụng được những cơ hội to lớn từ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mang lại thì sẽ có thể thua ngay trên “sân nhà”.
Cùng với nhân lực hàng không, tỉnh cần chuẩn bị một lực lượng lớn lao động trong các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, logistics, điện tử, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, y học… Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) Lê Quang Trung cho biết: “Hiện nhu cầu lao động kỹ thuật có trình độ từ DN rất lớn, cơ hội cho người học lẫn cơ sở đào tạo là không giới hạn. Nhà trường dù rất cố gắng đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng của DN”.
Trong khi đó, tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho rằng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao là một nhu cầu tất yếu và có vị trí đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đồng Nai nói chung và các cơ sở đào tạo không thể chậm chân hơn với việc tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực được nữa, mà phải thực sự đi tắt đón đầu. Cơ sở đào tạo phải thay đổi tư duy từ chỗ chỉ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì DN cần, đặc biệt phải bám sát với quy hoạch tỉnh và vùng Đông Nam Bộ.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển nhấn mạnh: “Quyết tâm của nhà trường là trong thời gian ngắn nhất có thể hình thành nên một hệ sinh thái đào tạo nhân lực bán dẫn và vi mạch, cùng các ngành đào tạo về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Còn tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho biết nhà trường đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác đào tạo. Bên cạnh đó, trường kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư trang thiết bị đào tạo ở những ngành nhân lực mà tỉnh đang cần để phục vụ quá trình phát triển. Nhà trường đã tính đến đào tạo các ngành kỹ thuật mới như: công nghệ logistics, vi mạch bán dẫn, AI, tuy nhiên việc đầu tư mở các ngành này sẽ đòi hỏi rất lớn về nguồn lực con người, chương trình đào tạo và thiết bị đào tạo…
Công Nghĩa
Bài 2: Xây dựng hệ thống đào tạo nghề trọng điểm
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/nhan-luc-chat-luong-cao-cho-ky-nguyen-vuon-minh-phat-trien-bai-1-3946744/
Bình luận (0)