Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều điểm mới trong Luật Thanh tra sửa đổi

(Chinhphu.vn) - Luật Thanh tra sửa đổi gồm 64 điều có hiệu lực thi hành từ hôm nay (1/7), quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, trong đó bổ sung quyền mới cho Thanh tra Chính phủ.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ01/07/2025

Thanh tra lại khi có 1 trong 5 dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo Luật Thanh tra sửa đổi, Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhiều điểm mới trong Luật Thanh tra sửa đổi- Ảnh 1.

Với tuyệt đại đa số phiếu tán thành, Luật Thanh tra sửa đổi đã được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thông qua - Ảnh: VGP

Cơ quan thanh tra (gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được lập theo điều ước quốc tế) có chức năng giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan này cũng tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Luật Thanh tra sửa đổi quy định thống nhất một khái niệm thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Cùng với đó là quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Bởi, các cơ quan thanh tra này khác nhau về địa vị pháp lý, phạm vi quản lý Nhà nước.

Bổ sung thêm quyền cho Thanh tra Chính phủ

Luật Thanh tra sửa đổi cũng bổ sung quyền mới cho Thanh tra Chính phủ, bởi sau khi sắp xếp lại, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có quyền "thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ với bộ không có Thanh tra Bộ"; "thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có Thanh tra bộ".

Vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cũng thuộc quyền thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Luật quy định rõ Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quy định mới này được bổ sung trong lần sửa đổi luật lần này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo quy định của luật, thanh tra lại được thực hiện khi có 1 trong 5 dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể đó là:

Vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra.

Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra.

Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra.

Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Thời hiệu thanh tra lại là 2 năm kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

Nhiều điểm mới trong Luật Thanh tra sửa đổi- Ảnh 2.

Thanh tra Chính phủ-Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Khi có căn cứ quy định trên, cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra cấp dưới.

Với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thanh tra lại.

Thời hạn thanh tra lại không vượt quá thời hạn của một cuộc thanh tra.

Cụ thể, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 20 ngày.

Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 25 ngày.

Cuộc thanh tra do Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế và các cơ quan thanh tra khác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 10 ngày.

Kết luận thanh tra lại phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra của cuộc thanh tra trước đó.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.

Thanh tra Chính phủ cho biết, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra sẽ quy định cụ thể căn cứ, thẩm quyền thanh tra lại, trình tự, thủ tục thanh tra lại, nội dung cụ thể của kết luận thanh tra lại, việc công khai kết luận thanh tra lại.

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cũng lý giải vì sao luật không quy định cụ thể thẩm quyền thanh tra lại với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

"Do Thanh tra Chính phủ là cơ quan cao nhất trong hệ thống các cơ quan thanh tra. Trường hợp kết luận thanh tra có vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo xem xét, làm rõ với nội dung đã được thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ", báo cáo nêu.

Luật Thanh tra sửa đổi quy định cụ thể kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra; giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; cũng như xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, thẩm định và ban hành kết luận thanh tra…

Theo quy định, dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Luật cũng bổ sung quy định "quá trình thực hiện kết luận thanh tra, trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cơ quan ban hành kết luận thanh tra để tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra xem xét, xử lý theo quy định".

Cuộc thanh tra chưa có kết luận trước 1/7 xử lý thế nào?

Để xử lý khoảng trống pháp lý, Luật Thanh tra sửa đổi quy định: Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra chưa phù hợp với luật này thì phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung trước ngày 01/3/2027 để thống nhất với quy định của Luật này.

Trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Với các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày 1/7 nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11 năm 2022.

Trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc thanh tra trực tiếp nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì Đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy xem xét, ban hành kết luận thanh tra.

Các cuộc thanh tra do Thanh tra Cục, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết thúc hoạt động và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thì Thủ trưởng cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Thủ trưởng cơ quan trước đây được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xem xét, ban hành kết luận thanh tra.

Về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, Luật Thanh tra sửa đổi quy định, cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì người đứng đầu giao đơn vị trực thuộc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Kết luận thanh tra của Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Với kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì Thủ trưởng cơ quan trước đây được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân phải thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra nhưng kết thúc hoạt động thì tổ chức, cá nhân tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện.

Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022 thì thì Thủ trưởng cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Thủ trưởng cơ quan trước đây được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tiếp tục giải quyết.

Toàn Thắng


Nguồn: https://baochinhphu.vn/nhieu-diem-moi-trong-luat-thanh-tra-sua-doi-102250701103808123.htm


Chủ đề: thanh trà

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm