Dự hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng; Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ GD&ĐT Nguyễn Viết Lộc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT; các đồng chí nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo Sở GD&ĐT 34 tỉnh/thành phố và đại diện các phòng ban chuyên môn có liên quan thuộc Sở; đại diện các trường sư phạm…
Thẳng thắn trao đổi về tình hình, giải pháp giáo dục trong bối cảnh mới
Khai mạc hội nghị chiều 28/7, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng gửi lời cảm ơn đến các đồng chí nguyên là Giám đốc Sở GD&ĐT trong thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh/thành phố đạt những kết quả quan trọng, góp phần cùng toàn ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; đồng thời chúc mừng 34 Giám đốc các Sở GD&ĐT được cấp ủy đảng, chính quyền tin tưởng, giao nhiệm vụ.
Nhấn mạnh tinh thần hội nghị là đi thẳng vào vấn đề, với những nội dung cốt lõi nhất, Thứ trưởng mong muốn các ý kiến trao đổi bám sát 10 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025, phương hướng nhiệm vụ năm học 2025-2026 với những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp - đặc biệt lưu ý đến bối cảnh mới.
Theo đó, bối cảnh năm học 2025 - 2026 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đây cũng là năm học cả nước thực hiện mô hình theo chính quyền địa phương hai cấp, Luật Nhà giáo; Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2025 - 2026; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi có hiệu lực.
Đây đồng thời là năm cả nước ưu tiên quan tâm, tập trung đầu tư để hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Hoàn thành nhiệm vụ năm học “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”
Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2025 - 2026, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết:
Năm học 2024 - 2025, với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, ngành Giáo dục quyết tâm phấn đấu, khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Quyết định 2236/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/8/2024 của Bộ GD&ĐT về ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục.
Toàn ngành Giáo dục đã tổ chức triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo và Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo; tích cực hoàn thiện 3 dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng hội nghị.
Các Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển GD&ĐT tại địa phương để kịp thời triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 trên phạm vi cả nước.
Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật, giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Các cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình; việc tổ chức quản lý đã dần chuyển theo hướng quản trị nhà trường.
Quy mô giáo dục nghề nghiệp tăng nhanh, chất lượng đào tạo có chuyển biến rõ rệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy trì, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng nguồn lực đầu tư, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với hoạt động sản xuất.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2024 - 2025 cấp quốc gia, quốc tế và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức thành công với hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi trên cả nước.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo, góp phần đặc biệt quan trọng cho việc đảm bảo chính sách của nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, báo cáo đề xuất Trung ương bổ sung 10.304 biên chế giáo viên năm học 2024 – 2025.
Các địa phương tích cực tuyển dụng biên chế được giao, đội ngũ giáo viên đã tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu số lượng và bất cập về cơ cấu.
Tính đến hết năm học 2024 - 2025, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.273.355 người, bao gồm cả công lập và ngoài công lập (tăng 21.978 giáo viên so với năm học 2023 - 2024).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ nhà giáo tiếp tục được quan tâm. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tăng hơn so với năm học trước. Công tác bồi dưỡng thường xuyên được quan tâm thực hiện. Kho học liệu số về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên hệ thống TEMIS được xây dựng và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tăng số phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được quan tâm.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực triển khai phần mềm quản trị nhà trường, học liệu số, lớp học ảo; ứng dụng công nghệ thông tin linh hoạt trong tổ chức dạy học, đặc biệt hỗ trợ môn tiếng Anh và các môn tích hợp ở những nơi còn thiếu giáo viên. Một số mô hình trường học thông minh được triển khai thí điểm, góp phần đổi mới phương thức dạy học và quản lý giáo dục theo hướng hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT.
Một số kết quả nổi bật năm học 2024-2025:
1. Đột phá về xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo.
2. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
3. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo các cấp học mầm non, phổ thông.
4. Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
5. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định.
6. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục tiếp tục được tăng cường.
7. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
6 bài học kinh nghiệm quan trọng
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2024 - 2025 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông còn bất cập. Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.
Nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn thiếu phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ các môn học tích hợp và hoạt động trải nghiệm. Việc đầu tư còn manh mún, phân tán, chưa gắn với quy hoạch và lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa còn hạn chế.
Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế.
Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Việc thực hiện quyền tự chủ và đổi mới quản trị nhà trường ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Công bằng trong tiếp cận giáo dục và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền chưa được bảo đảm vững chắc...
Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam báo cáo tại hội nghị.
Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học 2024 - 2025, 6 bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra.
Thứ nhất: Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị là yếu tố then chốt để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm như phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT… là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát từ Trung ương đến địa phương, huy động được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành Giáo dục và các lực lượng xã hội.
Thứ hai: Lấy chất lượng và hiệu quả làm trung tâm trong đổi mới quản lý, quản trị trong giáo dục. Tính minh bạch, kỷ cương, và hiệu quả cần được đặt làm nguyên tắc xuyên suốt trong công tác quản lý giáo dục ở tất cả các cấp. Đổi mới quản trị trường học, nâng cao quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm giải trình phải đi đôi với kiểm soát chất lượng và bảo đảm đầu ra.
Thứ ba: Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là điều kiện tiên quyết để thực hiện các chính sách đổi mới. Luật Nhà giáo lần đầu được ban hành là dấu mốc quan trọng; tuy nhiên để chính sách đi vào thực tiễn, cần đi kèm cơ chế đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, hiệu quả. Việc chuẩn hóa và phát triển đội ngũ cần gắn với yêu cầu của chương trình giáo dục mới, đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp.
Thứ tư: Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là đòn bẩy nâng cao hiệu quả quản lý và dạy học. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ và tổ chức dạy học góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng đồng bộ và nâng cao năng lực số cho cán bộ, giáo viên.
Thứ năm: Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục là yêu cầu bắt buộc để phát triển bền vững. Việc thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục hòa nhập, tăng cường cơ sở vật chất vùng khó khăn, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, xóa mù chữ… đã góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng giáo dục giữa các vùng miền, đối tượng. Đầu tư cho các nhóm đối tượng chính sách không chỉ mang tính nhân văn mà còn tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Thứ sáu: Lắng nghe từ cơ sở và phản hồi chính sách là cơ sở để điều chỉnh phù hợp thực tiễn. Một số khó khăn trong việc chậm ban hành văn bản, triển khai chính sách chưa hiệu quả bắt nguồn từ việc tham vấn chưa sâu, chưa thực chất. Bài học rút ra là cần tăng cường cơ chế phản hồi từ nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và các bên liên quan khi xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế.
Dự kiến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2025-2026:
1. Hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đổi mới quản trị nhà trường.
2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
3. Đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng cho người học.
4. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
5. Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
6. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
7. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
8. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
10. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và công tác truyền thông trong toàn ngành.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-diem-nhan-trong-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-nam-hoc-2024-2025-post741719.html
Bình luận (0)