Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những chi tiết đặc biệt về bí thư, chủ tịch các tỉnh thành sau sáp nhập

(Dân trí) - Trong số 34 bí thư tỉnh, thành, có 3 người là nữ. Phần lớn số bí thư, chủ tịch tỉnh sau sắp xếp không phải người địa phương và có độ tuổi thuộc thế hệ 7X (trên 50%).

Báo Dân tríBáo Dân trí01/07/2025


1.webp

Cả nước vừa đồng loạt công bố các quyết định về việc thành lập đảng bộ và nhân sự lãnh đạo địa phương, để sẵn sàng vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước - một chỉnh thể hành chính mới của Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị.

Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo tại địa phương với các nhân sự chủ chốt như bí thư, chủ tịch tỉnh cũng nhanh chóng được tiến hành. Trong số lãnh đạo chủ chốt tại địa phương có người mới, song cũng có những lãnh đạo kỳ cựu đã từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất 47 tuổi, phần lớn không phải người địa phương

Về độ tuổi, theo thống kê, trong số 34 tỉnh, thành sau sắp xếp, hầu hết bí thư các địa phương thuộc thế hệ 7X (sinh năm 1970-1979) với 20 người; 13 bí thư tỉnh, thành ủy thuộc thế hệ 6X (1960-1969) và chỉ có 1 người thuộc thế hệ 5X là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Xét về độ tuổi, ông Nguyễn Văn Nên là Bí thư lớn tuổi nhất (68 tuổi), còn người trẻ nhất là ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (47 tuổi).

Ông Nguyễn Văn Nên quê ở Tây Ninh, có trình độ cử nhân Luật. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII và Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII.

Ông đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM từ tháng 10/2020 đến nay.

2.webp

(Ảnh đồ họa: Tuấn Huy).

Bí thư Đồng Tháp Lê Quốc Phong quê ở Hà Nội, có trình độ Thạc sĩ Sinh học. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (dự khuyết), XIII. Ông Phong là cán bộ trưởng thành và đi lên từ Đoàn, từng giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp từ tháng 10/2020.

Về giới tính, chỉ có 3 người là nữ trong số 34 bí thư tỉnh, thành, gồm: Bí thư Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Lai Châu Giàng Páo Mỷ và Bí thư Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân. Trong số 3 người này, chỉ có bà Bùi Thị Minh Hoài là nữ bí thư không phải người địa phương.

Bà Bùi Thị Minh Hoài quê ở Hà Nam, từng kinh qua nhiều vị trí công tác và đảm nhiệm cương vị Bí thư Hà Nội từ tháng 7/2024 đến nay.

Về trình độ học vấn, đa số bí thư các tỉnh, thành ủy có trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Trong đó, tỷ lệ thạc sĩ chiếm cao nhất (41,18%), rồi đến tiến sĩ (32,35%) và cử nhân (23,53%).

3.webp

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong là Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước (Ảnh: Hồng Phong).

Một điểm đáng chú ý khác là số lượng bí thư cấp tỉnh không phải người địa phương. Trong số 34 tỉnh, thành, có đến 27 bí thư không phải người địa phương; bí thư là người địa phương có 7 người.

Bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương là một chủ trương của Đảng nhằm tăng cường tính khách quan, công bằng trong công tác cán bộ, đồng thời nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương. 

Trong danh sách bí thư 34 tỉnh, thành sau sắp xếp, có 3 bí thư là người dân tộc thiểu số, gồm: Bí thư Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê K’đăm (dân tộc Ê-đê); Bí thư Lai Châu Giàng Páo Mỷ (dân tộc H’Mông) và Bí thư Tuyên Quang Hầu A Lềnh (dân tộc H’Mông).

Ba bí thư trong danh sách 34 người cũng từng là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang (gồm 2 tướng quân đội, 1 tướng công an).

Người thứ nhất là Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu. Ông mang hàm Trung tướng, từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi được chỉ định làm Bí thư Bắc Giang rồi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

4.webp

Tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện (Ảnh: CTV).

Người thứ hai là Bí thư Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh. Ông mang hàm Thượng tướng và trước khi trở thành Bí thư Thanh Hóa, ông giữ chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người thứ ba là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Vũ Hồng Văn - một tướng lĩnh Công an nhân dân. Ông Văn mang hàm Thiếu tướng, trước đó từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an).

5 chủ tịch tỉnh từng công tác trong lực lượng vũ trang

Với danh sách chủ tịch 34 tỉnh, thành, có một điểm đáng chú ý là không có nữ chủ tịch tỉnh nào. Toàn bộ lãnh đạo chính quyền địa phương đều là nam.

Phần lớn chủ tịch UBND cấp tỉnh có độ tuổi dao động từ 45-55 tuổi (26 người, chiếm hơn 76%); còn lại từ 55-65 tuổi (8 người, chiếm hơn 23%).

Trong đó, chủ tịch tỉnh trẻ nhất cả nước là ông Lê Hải Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Ông Hòa 45 tuổi, là Tiến sĩ Kinh tế. Ông từng giữ các chức vụ Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Bí thư Thành ủy Cao Bằng.

10 trong số 34 chủ tịch UBND cấp tỉnh có trình độ Tiến sĩ, còn lại đa phần là Thạc sĩ và Cử nhân.

Một điểm đặc biệt khác là trong số 34 chủ tịch tỉnh, thành, có 5 người từng công tác trong lực lượng vũ trang của quân đội và công an.

Một là Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu. Ông Lâu sinh năm 1970, quê ở Sóc Trăng, là Cử nhân Chính trị học. Với hàm Đại tá, ông từng là Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng.

Hai là ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1968, có hàm Thiếu tướng. Ông từng kinh qua các cương vị như Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh; Giám đốc Công an Hà Tĩnh; Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

5.webp

Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng (Ảnh: TTXVN).

Ba là Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu. Ông Châu sinh năm 1972, có trình độ Tiến sĩ Luật và mang hàm Thiếu tướng. Ông từng là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.

Bốn là Chủ tịch Lâm Đồng Hồ Văn Mười. Ông sinh năm 1969, quê ở Quảng Nam, có trình độ Thạc sĩ Luật, Cử nhân An ninh. Ông Mười là Đại tá, từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị V, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an; Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông.

Người thứ năm là ông Phan Huy Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Ông Ngọc sinh năm 1972, quê ở Vĩnh Phúc, có trình độ Tiến sĩ Luật, Cử nhân kinh tế. Với cấp hàm Đại tá, ông Ngọc từng nắm giữ các vị trí như Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ; Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-chi-tiet-dac-biet-ve-bi-thu-chu-tich-cac-tinh-thanh-sau-sap-nhap-20250630165829018.htm





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm