ĐOÀN CHUYÊN NGHIỆP, NGHỆ SĨ GIỎI
Đầu tiên phải kể đến đoàn cải lương Thanh Nga. Đây nguyên là đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ, sau 1975 trở thành đoàn cải lương tập thể, rồi đến năm 1996 gia tộc Thanh Nga buông hẳn, ông Hoàng Ngọc Ẩn được nhà nước giao làm trưởng đoàn, vẫn hoạt động biểu diễn cải lương thường xuyên, dù vẫn mang bảng hiệu tập thể nhưng coi như đã xã hội hóa tự thu tự chi.
NSƯT Tâm Tâm và NSƯT Trung Thảo trong vở Sự tích Phật Thích Ca
ẢNH: NSCC
Năm 2002, ông Hoàng Ngọc Ẩn bàn với anh em nghệ sĩ là thôi không hát tuồng đời nữa mà chuyển hẳn sang hát tuồng đạo, anh em đồng ý ngay. Ông Ẩn có tài viết kịch bản đề tài Phật giáo, nên đoàn luôn có mười mấy tuồng thay nhau đi lưu diễn khắp các chùa. Khi ông mất, NSƯT Tâm Tâm là con gái ông nhận vai trò trưởng đoàn, đổi tên thành Đoàn cải lương Phật giáo Thanh Nga. Tâm Tâm nói: "Tất cả mọi người đều nhất trí giữ lại hai chữ Thanh Nga để kỷ niệm người nghệ sĩ nổi tiếng được khán giả yêu mến, kỷ niệm gánh hát lừng danh của miền Nam, một dấu son trong lịch sử sân khấu cải lương".
Đoàn cải lương Phật giáo Thanh Nga đã trải qua nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như Tâm Tâm, Khánh Tuấn, Bích Thủy, Hữu Tài, Chiêu Linh, Hiếu Liêm; sau bổ sung Diễm Thanh, Lý Thu, Thanh Phong, Hoài Nam, Duy Mỹ, Liêu Kỳ, Huỳnh Bá Thanh, Thanh Lâm, Quốc Nghĩa… và thêm những nghệ sĩ khách mời nổi tiếng như NSND Thoại Miêu, NSND Phượng Loan, NSƯT Thoại Mỹ, Mộng Tuyền. Khi nghệ sĩ Chiêu Linh mất thì cả đoàn bối rối khi thiếu người đóng vai Đức Phật Thích Ca bởi Chiêu Linh có ngoại hình thanh nhã, trong sáng, phong cách lại nhẹ nhàng, tự tại, không dễ có người thay thế. May mắn sao, đoàn tìm được ứng viên sáng giá là NSƯT Trung Thảo, một người ăn chay trường, ngoại hình lẫn phong cách đều cực kỳ xứng đáng. Thế là đoàn tiếp tục lưu diễn xuyên suốt hai mùa Phật đản và Vu lan, kể cả lễ tết, vía Quan Âm, vía A Di Đà, có khi mỗi tuần nhận tới 4 - 5 suất, chưa kể nhiều sô trùng ngày phải đành từ chối bớt.
Đoàn Hoa Lan Trắng cũng là một đoàn chuyên nghiệp do NSƯT Út Bạch Lan thành lập. Đúng hơn, bà Út lập nhóm đi hát chùa từ đầu thập niên 1990, rồi mọi người bảo nên đặt cái tên cho dễ nhớ, thế là lấy ý từ tên bà đặt luôn. Đoàn có nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia vì yêu quý bà Út. Khi bà mất, nghệ sĩ Tô Châu làm trưởng đoàn, cũng giữ nguyên tính chất tốt đẹp của đoàn như xưa. Tô Châu ca diễn rất hay, lại sống dễ chịu, nên anh tập hợp được nhiều nghệ sĩ như NSND Lệ Thủy, NSƯT Diệu Hiền, Mộng Tuyền, Thoại Miêu, Thanh Sử, Phương Huệ, Chí Cường, Hồng Lan, Kim Phụng, Nhật Nguyên…
Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ khác tuy không tham gia chính thức đoàn cải lương Phật giáo nào, nhưng khi có sự kiện Phật giáo thì luôn có mặt. Chẳng hạn, NSƯT Lê Tứ, Hà Như, Kim Luận của Nhà hát Trần Hữu Trang vừa tham gia vở Cuộc đời Đức Phật trong đại lễ Vesak 2025, hoặc NSƯT Võ Minh Lâm cũng đi hát tuồng Phật khi được mời. Hầu như các nghệ sĩ rất hoan hỷ khi nhận những sô "hát chùa".
NSƯT Lê Tứ và Hà Như trong vở Cuộc đời Đức Phật
ẢNH: NSCC
ĐÚNG NGHĨA "HÁT CHÙA"
Nói "hát chùa" bởi hầu như không đoàn nào, nghệ sĩ nào đặt vấn đề cát sê, mà chỉ nhận bồi dưỡng tùy hỷ của chùa, gọi là "lộc" mà thôi. Nghệ sĩ Tô Châu nói: "Thường chùa chỉ bồi dưỡng mỗi người vài trăm ngàn, coi như đủ tiền son phấn, xăng xe, trang phục. Chùa nào quá nghèo thì chúng tôi chỉ ăn cơm hoặc nhận một đòn bánh tét rồi về, vẫn vui. Chúng tôi vui vì biết mình đang góp phần hoằng dương chánh pháp, cho mọi người thấm lời dạy của Phật, thấm tinh thần từ bi hỷ xả, sống tử tế hơn. Hễ có lời mời là anh em chúng tôi phóng xe lên đi ngay, ra tận miền Trung, miền Bắc, có lần sang cả Mỹ. Vào mùa Phật đản, Vu lan là tháng mười mấy suất, ngồi trên xe suốt, rong ruổi khắp các tỉnh thành. Có khi trùng lịch phải chia làm hai nhóm mới phục vụ hết".
Kỷ niệm đi hát chùa cũng rất dễ thương. Có khi khán giả hái bông ở vườn đem tặng, có khi kẹp vô 10.000, 20.000 đồng. Cảnh trí cũng đâu thiết kế được, thường chỉ là phông màn của chùa làm lễ, nhưng cả ngàn khán giả vẫn say mê thưởng thức và vỗ tay như pháo. Những kịch bản Sự tích Đức Phật, Mục Liên Thanh Đề, Hòa thượng Cua, Thái tử A Xà Thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Quan Âm Thị Kính… là những kịch bản kinh điển, hát đi hát lại bà con vẫn ưng. Và nghệ sĩ cũng biết tự may trang phục để giải quyết phần kinh phí khó khăn, riết rồi "tay nghề" giỏi luôn, như anh Lê Long Hồ giờ thành thợ may đáng nể.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-doan-cai-luong-ben-bi-hat-chua-185250510205704256.htm
Bình luận (0)