Cô giáo tổ chức trò chơi cho học sinh trong chuyến lên Mèo Vạc vào tháng 5-2025 - Ảnh: VĨNH HÀ
Cuộc thi có sự tham gia của 18 đội, đại diện cho 18 trường tiểu học ở Mèo Vạc được thụ hưởng dự án dạy tiếng Anh trực tuyến mà 3 năm trước nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, chủ tịch hội đồng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội), đã quyết định hỗ trợ.
Cuộc thi tổ chức vào những ngày cuối năm học 2024 - 2025, có 72 học sinh lớp 5 (mỗi đội 4 em) và nhiều học sinh khác có mặt cổ vũ.
Kết quả khả quan
Kịch bản của cuộc thi dựa theo format của các chương trình như Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia của đài truyền hình Việt Nam nhưng điều đặc biệt là các em nghe câu hỏi và trả lời bằng tiếng Anh.
Một trong hai MC của chương trình là cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung - giáo viên theo các em học sinh Mèo Vạc từ ngày đầu triển khai dự án.
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang - chia sẻ nhìn học sinh mạnh dạn, tự tin và vui tươi trong cuộc thi và nhớ lại ngày đầu, quả là một chặng đường dài.
"Ba năm trước, vào năm học 2022 - 2023, khi triển khai dự án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tôi đã không nghĩ học trò có thể tiếp nhận và thay đổi được như vậy. Mọi trao đổi, dạy dỗ khi đó chỉ qua màn hình.
Có những em không tương tác vì các em tưởng cô giáo trong ti vi không phải người thật. Thế mà thấm thoắt cô trò "bén duyên" nhau. Nhiều em đạt yêu cầu của chương trình và không chỉ có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tương đối khá mà các em cũng mạnh dạn, tự tin hơn", cô Tâm nói.
"Đường lên đỉnh Mã Pí Lèng" là cái tên thật ý nghĩa vì Mã Pí Lèng là một "tượng đài" của thiên nhiên nhưng cũng rất quen thuộc với những đứa trẻ ở Mèo Vạc. Nó mang thông điệp khích lệ những đứa trẻ Mèo Vạc vượt lên chính mình, nỗ lực và tiến bộ so với chính mình.
Theo kết quả Phòng GD-ĐT Mèo Vạc cung cấp, năm học 2022 - 2023 có 24,4% số học sinh tham gia học tiếng Anh theo dự án hoàn thành tốt chương trình, 73,7% hoàn thành và 1,9% chưa hoàn thành.
Trong đó có 20 học sinh đoạt giải giao lưu môn tiếng Anh cấp huyện, 4 em đoạt giải cấp tỉnh. Năm học 2023 - 2024 số hoàn thành tốt đạt 34,2%, hoàn thành 64,8% và chưa hoàn thành 1%. Trong năm học này có 18 học sinh đoạt giải cấp huyện, 3 học sinh đoạt giải cấp tỉnh. Tham gia kỳ thi IOE cấp huyện có 8 học sinh đoạt giải.
Năm học 2024 - 2025 số hoàn thành tốt là 31,1%, hoàn thành là 69,9%, không có học sinh nào không hoàn thành chương trình. Trong năm học này có 9 học sinh đoạt giải giao lưu môn tiếng Anh cấp huyện, 1 em đoạt giải cấp tỉnh. Tham gia kỳ thi IOE cấp huyện có 14 học sinh đoạt giải, cấp tỉnh có 8 học sinh đoạt giải.
Thực chất, tận tâm
Đây là những gì có thể nói một cách ngắn gọn về dự án thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie Hà Nội hỗ trợ Mèo Vạc.
Ba năm trước, một khó khăn lớn của Mèo Vạc là phải triển khai dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3, nhưng toàn huyện chỉ có một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Hơn 2.600 học sinh lớp 3 năm đó học ở 39 lớp tại trường chính và 110 lớp ở điểm trường lẻ.
Huyện Mèo Vạc đã thực hiện việc đưa học sinh điểm lẻ về trường chính, từ 158 lớp gộp còn 76 lớp 3 và thực hiện việc dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Có 23 giáo viên do thầy Nguyễn Xuân Khang tuyển chỉ dạy học cho dự án này. Trong ba năm học, một vài giáo viên rút thì thầy Khang lại tuyển bổ sung giáo viên mới để đủ giáo viên dạy cho gần 2.500 học sinh.
Mỗi năm học, đều đặn hai lần thầy Khang tổ chức cho đoàn giáo viên Hà Nội lên Mèo Vạc và tỏa đi 18 trường để thầy trò gặp nhau. Sự gắn kết tình cảm thầy trò là điều nuôi dưỡng động lực để các thầy cô giáo tiếp tục công việc khó khăn và cũng truyền hứng thú cho học sinh Mèo Vạc chăm học.
Chuyến đi cuối cùng trước khi khép lại dự án của các cô giáo trẻ diễn ra giữa tháng 5. Như mọi lần, các cô lại chia nhau đến các điểm trường từ rất sớm. Các em được cô giáo tổ chức trò chơi, cô trò hỏi han nhau, ôm nhau và chia tay trong sự lưu luyến. Có những em học sinh đã khóc mãi không ngừng khi chia tay.
Cô Hoàng Thị Cúc là một giáo viên tham gia dự án muộn nên chuyến đi lên Mèo Vạc đầu tiên cũng là chuyến cuối khép lại dự án. Cô chia sẻ không hình dung các em tình cảm như thế. Cũng không hình dung việc dạy học nơi vùng cao lại nhọc nhằn đến thế. Nhưng những gì được tham gia, trải nghiệm cho cô nhiều cảm nhận về những giá trị để trân quý.
Một cô giáo chủ nhiệm ở trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc chia sẻ: "Nhờ có dự án, nhờ các cô giáo từ Hà Nội kiên trì theo đuổi suốt ba năm học, bọn trẻ không chỉ được học tiếng Anh, được rèn kỹ năng tiếng Anh mà còn học được nhiều thứ trong đó có sự tự tin, lòng yêu thương, sự sẻ chia".
Tuy vậy, khó khăn về giáo viên với vùng cao này chưa dứt. Theo ông Ngô Mạnh Cường - phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, năm học 2025 - 2026 địa phương này có 250 lớp 3, 4, 5, với trên 8.400 học sinh phải học tiếng Anh theo chương trình hiện hành. Nhưng sau ba năm học, Mèo Vạc cũng chỉ có năm giáo viên tiếng Anh tiểu học (tăng bốn người so với ba năm học trước), còn thiếu 30 giáo viên.
Đào tạo 33 giáo viên tiếng Anh
Ngay sau năm học đầu tiên thầy Nguyễn Xuân Khang khởi động dự án hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Anh cho Mèo Vạc, có thêm những đơn vị khác, các nhóm giáo viên tình nguyện khác hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh ở Mèo Vạc.
Thầy Nguyễn Xuân Khang tiếp tục đầu tư tiền đào tạo 33 giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc và năm học 2025 - 2026 sẽ có ba giáo viên đầu tiên của dự án này trở về Mèo Vạc dạy học. Và năm học 2026 - 2027, dự kiến sẽ có 30 giáo viên nữa được thầy Khang hỗ trợ đào tạo quay về.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-dua-tre-len-dinh-ma-pi-leng-20250518224510797.htm
Bình luận (0)