Tình thương là phương thuốc đầu tiên
Ý nghĩ đó chợt xuất hiện khi cánh cổng Khoa Cấp tính nam - Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần Hà Tĩnh hé mở để tôi gặp nhân vật đầu tiên trong bài viết của mình. Anh là Bùi Đức Nguyên (SN 1986) - một trong những nam điều dưỡng hiếm hoi của ngành Y tế Hà Tĩnh. Tôi ngắm nhìn gương mặt hiền lành của người điều dưỡng đã có tròn một thập kỷ gắn bó với nơi đặc biệt này và ngẫm về câu nói “tâm sinh tướng”. Có lẽ những tháng ngày gắn bó, chữa lành cho những bệnh nhân đặc biệt nơi đây đã khiến những nét hiền hậu trong con người điều dưỡng Bùi Đức Nguyên trở nên rõ nét hơn.

Trong môi trường mà những chuẩn mực hành vi thông thường có thể bị xáo trộn, điều dưỡng tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần Hà Tĩnh là những người chiến sỹ thầm lặng giữ cho vòng quay chăm sóc không bị gián đoạn. Ở đây, không phải lúc nào bệnh nhân cũng hợp tác, không phải ai cũng biết mình đang được điều trị. Có lúc họ la hét, có lúc hoảng loạn, có lúc im lặng đáng sợ. Điều dưỡng phải kiên nhẫn lắng nghe, bình tĩnh xử lý và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Anh Nguyên chia sẻ: “Ban đầu, khi nhận việc tại đây, tôi cũng có chút e dè nhưng khi tiếp cận với hoàn cảnh từng bệnh nhân, trò chuyện với họ, tôi hiểu rằng, ở đây, y học không chỉ là thuốc men mà hơn hết là tình thương. Trong quá trình đồng hành cùng các bác sỹ chữa trị cho bệnh nhân, cũng có nhiều lần tôi bị tấn công, bị chửi mắng vô cớ nhưng tôi đã học cách làm bạn với họ, kiên nhẫn lắng nghe để hiểu và yêu thương người bệnh hơn. Chúng tôi không thể sợ hãi vì sự vững vàng, tình thương, sự bao dung của chúng tôi chính là phương thuốc đầu tiên của bệnh nhân”.

Có một nơi mà nếu không đến để lắng nghe những câu chuyện của họ thì tôi không thể biết được đây lại là môi trường y tế đặc biệt đến thế. Đó là Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, phương tiện giao tiếp đầu tiên của nhân vật thứ hai trong bài viết - điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Xuân - là những giọt nước mắt. Chị ứa lệ vì mấy hôm trước, có người nhà bệnh nhân, vì hồ đồ đã hiểu lầm và “bóc phốt” lên mạng những điều dưỡng và bác sỹ của khoa khi đưa con đến điều trị.
Chị Xuân cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên nên tôi cũng chỉ tủi thân một chút thôi. Ở đây chúng tôi không chỉ làm việc bằng chuyên môn, nghiệp vụ mà còn bằng cả trái tim nên không có gì có thể dập tắt được tâm huyết, trách nhiệm của chúng tôi”.

Ở Khoa Nhi, bệnh nhân là những em bé chưa hiểu hết những cơn đau của cơ thể, chưa trình bày hết được bệnh trạng của mình, điều dưỡng càng phải gần gũi, quan sát, nắm bắt tốt tâm lý, biểu hiện của bệnh nhân một cách tỉ mỉ để báo với bác sỹ; điều dưỡng cũng chính là người nhà bệnh nhân để dỗ dành, vỗ về... Có khi, mỗi mũi tiêm, mỗi lần truyền dịch là một cuộc “thương lượng” đầy nước mắt. Chính vì vậy, điều dưỡng ở đây không thể làm việc chỉ bằng tay nghề, họ phải có trái tim của một người mẹ, người thân.
“Trước đây, khoa chúng tôi chỉ tiếp nhận những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường như ho, sốt, viêm phổi, tiêu chảy…, nhưng khi bệnh viện phát triển, khoa còn tiếp nhận thêm bệnh nhân cấp cứu sau mổ ngoại khoa, bệnh nhân non tháng, bệnh nhân chấn thương phải thở máy… Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải luôn tự trau dồi, nâng cao tay nghề và đặc biệt là phải luôn nuôi dưỡng tình thương yêu với bệnh nhân, không để bất kỳ khó khăn nào làm phai đi điều đó” – chị Xuân chia sẻ.

Sinh năm 1977, có 24 năm gắn bó với nghề, trong đó 21 năm ở Khoa Nhi, chị Xuân không thể nhớ hết mình đã chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân; không thể nhớ được bao nhiêu đêm thức trắng, bế bệnh nhân trên tay, xoa bóp làm nóng cơ thể để lấy ven cho bệnh nhân; không nhớ hết được bao lần phải tự trấn an tinh thần để bình tĩnh lấy ven cho các bệnh nhân cấp cứu… Với chị, trong công việc của một điều dưỡng Khoa Nhi, khả năng lấy ven là quan trọng nhất vì trong bất kỳ ca cấp cứu nào, bệnh nhân cũng phải được lấy ven mới tiến hành được các bước điều trị khác. Và, chị không chỉ lấy ven bằng kỹ thuật mà trong nhiều trường hợp, chị phải lấy bằng cảm giác đặc biệt của người điều dưỡng giàu kinh nghiệm.
Với những điều dưỡng ở môi trường đặc biệt, mỗi bệnh nhân xuất viện, niềm vui cũng lớn lao hơn; mỗi lần chứng kiến phút “thập tử nhất sinh” của bệnh nhân cũng đau lòng hơn gấp bội. Ở những môi trường ấy, họ làm việc còn bằng tình thương và sự tận tụy. Đó chính là “phương thuốc” đặc biệt mà y học hiện đại không thể thay thế.
Nâng cao trình độ để tận tâm hơn
Những năm gần đây, ngành Điều dưỡng Việt Nam đã có những bước phát triển mới trên cả 4 lĩnh vực: Thực hành, quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nếu như trước đây chủ yếu đào tạo điều dưỡng trình độ sơ cấp và trung cấp thì hiện nay việc đào tạo đội ngũ điều dưỡng có trình độ cao đẳng, đại học, chuyên khoa I, thạc sỹ đang được Bộ Y tế quan tâm.
Cùng với sự phát triển của hệ thống điều dưỡng cả nước, đội ngũ điều dưỡng tỉnh Hà Tĩnh đã có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và hướng tới sự hài lòng của người dân.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1978) - Điều dưỡng trưởng khoa, Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh chia sẻ: “Điều dưỡng hiện nay không còn là “người làm theo lệnh bác sĩ” mà phải là một chuyên gia chăm sóc. Muốn thế, chúng tôi phải học, phải cập nhật liên tục, nhất là ở môi trường có những người bệnh cần phục hồi chức năng, chúng tôi còn phải là những “chiến binh” truyền động lực. Trong cương vị của một Điều dưỡng trưởng khoa, tôi có nhiều cơ hội để học hỏi, nâng cao trình độ và đề xuất kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa”.

Hiện nay, tại Hà Tĩnh, đội ngũ điều dưỡng chiếm khoảng 60% tổng nhân lực ngành y, trong đó, trên 95% có trình độ cao đẳng trở lên, 30% có trình độ đại học. Thạc sỹ Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, đội ngũ điều dưỡng ở Hà Tĩnh đã vượt qua khó khăn, tranh thủ để chuẩn hoá trình độ. Cùng đó, đội ngũ điều dưỡng còn thực hiện tốt phong cách, thái độ, tăng chỉ số hài lòng của người bệnh. Đường dây nóng của chúng tôi chưa ghi nhận bất kỳ một phản ánh tiêu cực nào về thái độ của điều dưỡng. Tôi luôn tự hào về đội ngũ những điều dưỡng viên làm việc trong các môi trường y khoa đặc biệt, họ hội tụ đủ những phẩm chất cao quý về đạo đức, trí tuệ và mỹ học, trở thành “phương thuốc” diệu kỳ đối với người bệnh”.
Lặng lẽ, không phô trương, công việc của những điều dưỡng không phải lúc nào cũng được nhìn thấy, được hiểu hết nhưng với tinh thần của một “từ mẫu”, họ luôn nhẫn nại với nghề. Họ không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà còn chữa lành những thương tổn thể chất lẫn tinh thần bằng lòng yêu nghề và trái tim nhân hậu: "... Bàn tay rất đỗi dịu dàng/ Em mang đi cả trăm ngàn âu lo/ Bước ra để lại dặn dò/ Bước vào xóa nỗi buồn xo cho người...".
Nguồn: https://baohatinh.vn/nhung-nguoi-mang-di-ca-tram-ngan-au-lo-post287599.html
Bình luận (0)