
Theo lời tác giả, “những câu chuyện ấy như những mảnh sành lấp lánh nằm lăn lóc đây đó”, âm thầm dẫn lối người viết đi qua nhiều cung bậc của cảm xúc và nhận ra vẻ đẹp nhiệm màu của cuộc sống.
Đặc biệt, cách phản ánh sự tác động hai mặt của thời đại công nghệ số đến đời sống đô thị vào từng truyện ngắn một cách tự nhiên, tác giả dẫn người đọc đến những nghĩ suy, trăn trở bởi những “vụn vặt” mà bình thường người ta hay bỏ quên.
Với văn phong nhẹ nhàng, sâu sắc, tác giả không chỉ khơi dậy ký ức và sự đồng cảm, mà còn thì thầm một thông điệp đầy nhân văn. Chính trong những điều tưởng như bình thường nhất, nhỏ bé nhất, lại ẩn chứa những giá trị nhân văn lớn lao.
Dường như tác giả am hiểu thấu đáo tâm tư của từng nhân vật, có những câu chuyện chỉ là một mâu thuẫn dù rất nhỏ của cuộc sống, nhưng rõ ràng là nhân vật của cô lại đại diện cho một nhóm người, một tầng lớp. Cho nên, độc giả lại thấy bóng của mình, vấn đề của mình trong đó.
Chẳng hạn tác giả kể câu chuyện tâm tư của đôi vợ chồng thời nay với những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhoi, vụn vặt trong việc chọn về ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Những tưởng đó là chuyện vặt vãnh nhưng lại trở thành ám ảnh tâm lý cho cô con gái, tới mức cô bé mong không có Tết để ba mẹ đừng cãi nhau…
Mỗi cái kết chuyện lại là những thanh âm ngân lên, mở ra những nghĩ suy, phán xét nhẹ nhàng trong tâm thức của mỗi người, thúc giục người ta kịp hành động vì những điều tốt đẹp hơn.
Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và cách dẫn truyện là điểm ấn tượng nhất. Ngôn ngữ trong mỗi câu chuyện được kể một cách tự nhiên nhưng không tùy tiện. Mỗi từ ngữ đều được Lệ Hằng chắt lọc kỹ và có tính động. Khi miêu tả về bước chân mỏi mệt của một người đàn ông luống tuổi bằng những từ ngữ: “rụng” xuống mặt đường và dội lên “thứ âm thanh buồn chán”, hay miêu tả về khuôn mặt của người già cô lại dùng những từ ngữ “những nếp nhăn bắt đầu thổn thức”…
Cách dẫn chuyện đa dạng, nhiều ngôi kể tạo nên tính hấp dẫn khác nhau cho độc giả. Dường như, với năng khiếu có được trong các lĩnh vực nghệ thuật, Lệ Hằng đã vận dụng một cách khéo léo khiến các truyện ngắn mang đậm tính nghệ thuật của ngôn ngữ điện ảnh, của chất thơ và hội họa tạo nên sự lôi cuốn trong mỗi câu chuyện.
Nếu một trong những giá trị nhiệm màu của văn chương là lấy cái đẹp, cái thiện làm trung tâm, với mục tiêu cảm hóa con người, xây dựng nhân cách và góp phần cải tạo xã hội thì Lệ Hằng đã làm được bằng những chuyện kể mà cô gọi là “những vụn vặt nhiệm màu”.
Mỗi truyện ngắn như gieo vào lòng người hạt giống của yêu thương, vị tha, lòng trắc ẩn đánh thức con người thực hiện những nghĩ suy, những hành động, những trách nhiệm đối với gia đình, xã hội mà có khi bị bỏ quên do cuộc sống biến chuyển quá nhanh của thời đại công nghệ số.
Hẳn các bạn cũng sẽ như tôi, khi gấp lại những trang của tập truyện ngắn “Những vụn vặt nhiệm màu” thì dư âm của nó như tiếng chuông ngân lên nhắc bản thân mình phải sống chậm lại, nhìn sâu hơn vào từng khoảnh khắc nhỏ bé và thêm tin vào sự tử tế. “Những vụn vặt nhiệm màu” không phải là một tập truyện gây chấn động, nhưng nó có khả năng chạm vào trái tim người đọc bằng sự lặng lẽ, bằng vẻ đẹp âm thầm của những điều tử tế vẫn còn đâu đó giữa cuộc sống này.
Tác giả Lệ Hằng tên thật là Lê Thị Lệ Hằng, sinh năm 1988, quê gốc Thừa Thiên Huế. Lệ Hằng sinh sống ở Đà Nẵng, là tác giả của 7 đầu sách tiếng Việt và 5 đầu sách tiếng Anh. Những sáng tác của cô được độc giả biết đến qua nhiều truyện ngắn, thơ, trường ca, tiểu luận phê bình, tranh minh họa… đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương. Lệ Hằng hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, là một trong những cây bút trẻ tiêu biểu của Đà Nẵng được đánh giá là đa năng, nghiêm túc và giàu nội lực. Chia sẻ tại một diễn đàn văn chương, cô mong ước giản dị rằng sáng tác của mình sẽ giúp bản thân và độc giả “nhìn thật sâu vào lòng mình”.
Nguồn: https://baodanang.vn/nhung-vun-vat-nhiem-mau-3265035.html
Bình luận (0)