Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nới room ngoại lên 49%, phép thử đầu tiên trong quá...

Nghị định 69/2025 tạo điều kiện cho các ngân hàng phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài, trong trường hợp có nhu cầu tăng vốn để bơm thêm vốn cho các ngân hàng yếu kém. Việc khoanh vùng chính sách trong phạm vi các ngân hàng nhận nhiệm vụ đặc biệt cho phép Chính phủ kiểm soát rủi ro, đánh giá tác động thực tiễn trước khi tính tới khả năng mở rộng chính sách này trên toàn hệ thống ngân hàng.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông12/05/2025

Theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ 19/05/2025, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.

Trước đó, trong vòng 3 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, NHNN đã hoàn tất chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém (CB chuyển giao về Vietcombank, Oceanbank chuyển giao về MB, DongA Bank chuyển giao về HDBank, GPBank chuyển giao về VPBank). Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng này khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, room tín dụng để mở rộng quy mô tài sản, dư nợ nhằm tạo động lực để các nhà băng này quyết liệt tham gia tái cấu trúc thành công các tổ chức tín dụng yếu kém. 

Nới room ngoại lên 49 phép thử đầu tiên trong quá trình hội nhập tài chính

Theo các chuyên gia Chứng khoán ACBS, quy định này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cổ phần như MBB, VPB và HDB – vốn đã tham gia nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém – có cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 49% (VCB không nằm trong danh sách này do NHNN đang sở hữu 74%).

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại MBB là 22,3%, VPB là 24,3% và HDB là 16,9%. Vì vậy, việc nới room lên 49% sẽ chưa phải là động lực tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng trong ngắn hạn.

Cần lưu ý rằng việc nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài này còn tuỳ thuộc vào điều lệ của ngân hàng và chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, dự kiến từ 5-10 năm. Sau khi kết thúc thời hạn này, nhà đầu tư nước ngoài không được phép mua thêm cổ phần cho đến khi tổng mức sở hữu giảm xuống dưới 30%, trừ trường hợp mua cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, các chuyên gia ACBS đánh giá giới hạn 49% sẽ giúp các ngân hàng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ cổ đông chiến lược. 

Nới room ngoại lên 49 khơi thông dòng vốn quốc tế vào ngành ngân hàng

Theo ACBS, Nghị định 69/2025/NĐ-CP tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài, trong trường hợp các ngân hàng có nhu cầu tăng vốn để bơm thêm vốn cho các ngân hàng yếu kém, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. 

Trường hợp cụ thể như MBBank, ngân hàng này đang có kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào ngân hàng MBV trong giai đoạn tái cấu trúc. Việc mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho MBB phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn, hỗ trợ kế hoạch tái cơ cấu. Tuy nhiên, với đặc thù có yếu tố sở hữu nhà nước, việc phát hành tăng vốn có thể gặp trở ngại do nhóm cổ đông nhà nước có xu hướng hạn chế pha loãng tỷ lệ sở hữu.

ACBS cho rằng, các ngân hàng khác cũng sẽ có kế hoạch tương tự và đây là một phần trong đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp củng cố hệ số an toàn vốn (CAR), trong bối cảnh các ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng rất cao 20-30%/năm.

Với VPBank, theo đánh giá của ACBS, ngân hàng này có CAR tương đối cao (khoảng 14%) và chưa sử dụng nhiều trái phiếu vốn cấp 2, song việc nâng tỷ lệ sở hữu ngoại vẫn có thể là phương án để thu hút thêm vốn chiến lược. Ngân hàng này hiện có SMBC đối tác chiến lược Nhật Bản nắm 50% vốn của FE Credit, tạo tiền đề thuận lợi cho việc gia tăng ảnh hưởng và đầu tư lâu dài.

Đối với HDBank, dù CAR khá cao (khoảng 14%) nhưng lại phụ thuộc vào trái phiếu cấp 2, nên nhu cầu tăng vốn cấp 1 để giảm chi phí vốn trong dài hạn là hiện hữu. Tuy nhiên, HDBank được các chuyên gia ACBS đánh giá là ngân hàng có khả năng nới room ngoại sớm nhất. Ngân hàng hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, trong khi nhu cầu tăng vốn cấp 1 đang gia tăng. Room ngoại theo điều lệ của HDBank chỉ còn 0,65%, trong khi room tối đa theo luật còn dư 13,15%.

Trong trường hợp HDBank tìm kiếm cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu thông thường từ 15-20%, việc mở room lên 49% sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn này, đồng thời hỗ trợ giá cổ phiếu trong trung và dài hạn. 

Nới room ngoại lên 49 khơi thông dòng vốn quốc tế vào ngành ngân hàng

Ngoài tác động tích cực đến nguồn vốn và giá cổ phiếu, Nghị định 69/2025/NĐ-CP không chỉ là một chính sách riêng biệt hỗ trợ ba ngân hàng đang nhận chuyển giao, mà còn là phép thử đầu tiên cho việc nới room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Việc khoanh vùng chính sách trong phạm vi các ngân hàng nhận nhiệm vụ đặc biệt cho phép Chính phủ kiểm soát rủi ro, đánh giá tác động thực tiễn trước khi tính tới khả năng mở rộng chính sách này trên toàn hệ thống ngân hàng. Đây là một bước đi cẩn trọng nhưng đầy chiến lược trong quá trình hội nhập tài chính. 

Trong bối cảnh khối ngoại đã bán ròng hơn 30.000 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2024 đến nay, chính sách này có thể là động lực giúp đảo chiều xu hướng, hỗ trợ thu hút vốn trở lại vào ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.

Nguồn: https://baodaknong.vn/noi-room-ngoai-len-49-phep-thu-dau-tien-trong-qua-trinh-hoi-nhap-tai-chinh-252269.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm