Xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cũ) đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Ảnh: Vũ Thuyên |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai sẽ tiếp tục bứt phá nhằm xây dựng NTM hiện đại, hạnh phúc. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập của người dân, luôn xem đây là nền tảng trong xây dựng NTM.
Nâng chất toàn diện vùng nông thôn
Trước khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai (cũ) luôn giữ vững vị trí tốp đầu cả nước trong xây dựng NTM với 114/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, có 43 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 5/9 huyện NTM nâng cao. Huyện Xuân Lộc (cũ) hoàn thành Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025.
Đến nay, tỷ lệ đường xã được quản lý, nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt gần 100%. Hệ thống trường học các cấp được củng cố, nâng cấp với 100% đạt chuẩn về cơ sở vật chất; tỷ lệ trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 80%. Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn. UBND các xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành. 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trong đó có một số trạm y tế xã được nâng cấp thành phòng khám đa khoa, trung tâm y tế khu vực. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2024 đạt 94%.
Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư hoàn thiện với 91 chợ nông thôn được đầu tư. Ngoài ra, hệ thống các cơ sở bán lẻ, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cửa hàng tiện ích, siêu thị được đầu tư, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân khu vực nông thôn.
Thực hiện Phong trào Cả nước chung tay xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước (cũ) đã huy động gần 4,3 ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Từ đó, chương trình đã thu được những kết quả đáng khích lệ với bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ với nhiều điểm nhấn, nổi bật.
Đến nay, tỉnh Bình Phước (cũ) đầu tư gần 2,9 ngàn tuyến đường với tổng chiều dài hơn 9,1 ngàn km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch và các tuyến đường tỉnh, xã, đường liên xã, liên thôn, liên tổ đã được nhựa hóa, bê tông hóa gần 100% kết hợp lắp đặt đèn đường thắp sáng. Đặc biệt, cùng với việc triển khai nhiều tuyến giao thông huyết mạch, liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư thì phần lớn các địa phương đang chuyển sang hướng mở rộng đường quê. Trước đây, các tuyến đường giao thông chỉ rộng 2,5-3m, nay được nâng cấp mở rộng từ 4m trở lên. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân Bình Phước (cũ) tích cực hưởng ứng Phong trào Hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa… Trong đó có địa phương, người dân hiến hàng chục hécta đất/năm, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn.
Song song với thực hiện mục tiêu tiếp tục đầu tư đồng bộ về hạ tầng nông thôn gắn với phát triển sản xuất, tỉnh Đồng Nai rất chú trọng đến việc cải thiện, giữ gìn môi trường nông thôn; hình thành và phát triển rộng rãi các mô hình về bảo vệ môi trường, nhân rộng các tuyến đường, khu dân cư kiểu mẫu, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.
Tiếp tục tạo đột phá mới
Trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đầu tư phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, tạo nên diện mạo mới, bức tranh đầy sắc màu ở nông thôn. Đây là điều kiện, tiền đề, bước đệm vững chắc để các địa phương chủ động hội nhập, phát triển trong giai đoạn mới, đi đầu trong xây dựng NTM nâng cao, NTM hiện đại.
Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Phước Sơn Bùi Văn Lời chia sẻ: “Đây là xã vùng sâu, vùng xa, đông hộ dân tộc thiểu số sinh sống với cơ sở hạ tầng thiếu, yếu. Nhưng nhờ có Chương trình Xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn tại địa phương ngày càng khang trang, khởi sắc. Đặc biệt là hệ thống giao thông liên thôn, liên xóm được hoàn thiện, kết nối thông suốt. Từ đó, không chỉ đi lại, thông thương hàng hóa thuận tiện, mà còn là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Tuyến đường kiểu mẫu tại phường Tân Triều, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên |
Định hướng xây dựng NTM giai đoạn tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập của người dân, luôn xem đây là cái gốc trong xây dựng NTM. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Thu hút đầu tư vào bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm, xem đây là khâu đột phá đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh và kết nối cung - cầu; bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào ngày 22-6, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Tôn Ngọc Hạnh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cũ) cho biết, kết quả triển khai Chương trình Xây dựng NTM của tỉnh đã mang lại nhiều chuyển biến rõ rệt. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi lớn; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ hơn. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Đây chính là những thành quả thiết thực, góp phần vào thành công chung của Chương trình Xây dựng NTM.
Bà Tôn Ngọc Hạnh khẳng định, khi tỉnh tiến hành sắp xếp tổ chức lại bộ máy hành chính và nhân sự, tỉnh tin tưởng sẽ có thêm dư địa và điều kiện thuận lợi để tiếp tục đầu tư, hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng NTM. Những xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đang hướng đến ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số.
Bình Nguyên - Vũ Thuyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/noi-tiep-hanh-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-hien-dai-21c1480/
Bình luận (0)