Cánh đồng của xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn (Đô Lương) phủ một màu xanh mướt của các loại rau màu, trong đó cây dâu chiếm diện tích lớn.
Bà Trần Thị Năm cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Thuận Sơn có từ lâu đời. Chỉ là vài năm trước nghề nuôi tằm ươm tơ, trồng dâu có phần mai một, chỉ còn một vài hộ duy trì. “Nay bà con khôi phục lại nghề cũ nhưng theo cách làm mới và giống dâu cũng là giống mới so với ngày xưa”, bà Năm nói thêm.

Xóm Thuận Đông, xã Thuận Sơn (Đô Lương) có một khá đặc biệt. Đó là nhiều hộ dành riêng 1 phòng có lắp điều hòa nhiệt độ để chăn nuôi. Đối tượng nuôi “vừa cũ, vừa mới” trong phòng lạnh chính là con tằm. “Giống tằm mới cần có nhiệt độ ổn định khoảng 25-30 độ C để phát triển tốt nhất, vì vậy, tôi dành riêng 1 phòng có lắp điều hòa để nuôi”, ông Phan Bá Định chia sẻ.
Phòng nuôi tằm của ông Định nằm ngay cạnh phòng khách của gia đình. Ông vừa đầu tư lắp đặt giàn nuôi tằm con và 16 nong kén kiểu mới. Ông Định cho biết: Mỗi nong kén có chiều dài và rộng khoảng 1,7m chia các ô nhỏ vừa vặn cho 1 kén tằm phát triển. Mỗi nong cho thu hoạch 2 - 2,5 kg kén và bán với giá 200 ngàn đồng/kg. Để theo dõi và duy trì nhiệt độ, ông Định còn sắm thêm máy nhiệt kế và kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh nhiệt độ kịp thời.

Cán bộ UBND xã Thuận Sơn cho biết, ngoài bán kén tằm, doanh nghiệp bao tiêu còn cam kết thu mua tằm con lứa tuổi 1 đến lứa tuổi 3 và thu mua cả lá dâu.
“Cách trồng dâu, nuôi tằm mới này vốn bỏ ra không nhiều. Tiền giống cho 16 nong kén của tôi chỉ vài trăm ngàn đồng. Nuôi tằm ủ kén và bán tằm con từ 3-6 ngày tuổi cũng không tốn nhiều lượng lá dâu nên khả năng sinh lời khá cao”, ông Định chia sẻ.

Còn với gia đình bà Trần Thị Năm, được sự hướng dẫn của địa phương, bà đăng ký trồng 17 sào dâu và nuôi tằm con Hiện nay, bà đã trồng được 6 sào và bắt đầu nuôi và bán tằm con. Theo cam kết từ doanh nghiệp, trứng tằm sau khoảng 20 ngày sẽ nở, khoảng 3-6 ngày sẽ xuất bán.

Cách trồng dâu nuôi tằm truyền thống trước đây ở xã Thuận Sơn là bán nhộng tằm và kéo sợi tơ từ kén, thì nay người dân trồng giống dâu mới và nuôi tằm con, bán kén non theo mô hình dây chuyền.
Một số hộ đầu tư mua trứng tằm, sau khoảng 20-23 ngày trứng nở thành tằm con thì xuất bán một phần lớn cho doanh nghiệp bao tiêu, phần còn lại sẽ bán cho các hộ kinh doanh kén. Các hộ này mua tằm con về tiếp tục nuôi để tằm làm kén và thu hoạch.

Bí thư Đảng ủy xã Thuận Sơn Nguyễn Văn Lợi cho biết, để nghề truyền thống của người dân được khôi phục và cho hiệu quả kinh tế cao, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đi tham quan học tập mô hình hay ở các địa phương khác để định hướng cho bà con thực hiện.
Hiện nay, xã Thuận Sơn đang từng bước triển khai kế hoạch trồng 20 ha cây dâu giống mới, cho năng suất cao hơn. Cùng với đó là cách nuôi tằm theo hướng bán tằm con và bán kén tằm thương phẩm. Chính quyền địa phương kết nối với doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những định hướng phát triển kinh tế ở xã Thuận Sơn cho giai đoạn 2024-2029. Hiện nay, toàn xã Thuận Sơn có 6 hộ thực hiện nuôi tằm theo kiểu mới, với gần 7 ha dâu đã được trồng so với quy hoạch 20 ha cho toàn xã. Người dân đang tiếp tục trồng dâu và mở rộng quy mô, số lượng các hộ nuôi tằm.
Nguồn: https://baonghean.vn/nong-dan-nghe-an-nuoi-tam-trong-phong-dieu-hoa-10296809.html
Bình luận (0)