Vườn sú tim của gia đình anh Điền đạt năng suất cao nhưng giá bán lại thấp |
Giữa vườn sú tim xanh mướt ở thôn Quảng Tân, xã Quảng Lập, anh Nguyễn Quảng Điền cho biết: “Vụ này sú tim đạt năng suất cao, đồng đều, mẫu mã đẹp, vậy mà không có giá”. Theo anh Điền, chỉ cách đây không lâu, giá sú tim xuống mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 2.500 đồng/kg. Dù hiện tại giá đã tăng lên khoảng 10.000 đồng/kg, vẫn còn quá thấp so với chi phí đầu tư và kỳ vọng của người trồng. “Giờ chỉ mong giá nhích thêm chút nữa để gỡ gạc lại vốn” - anh chia sẻ.
Mặc dù giá sú tim hiện tại đã tăng hơn so với vài ngày trước, nhưng anh Điền vẫn lo lắng vì nguy cơ lỗ vốn |
Không chỉ riêng sú tim, nhiều loại rau màu khác trên địa bàn cũng đang chịu sức ép nặng nề từ sức mua và giá cả thị trường. Anh Nguyễn Anh Tâm, thôn Quảng Tân, cho biết, vụ cần tây năm nay gia đình anh lỗ vốn nặng. “Tôi đầu tư 4,5 sào trồng cần tây. Mọi năm, mỗi sào có thể thu gần 20 triệu đồng nhưng năm nay, giá chỉ bằng 1/4, không đủ chi phí phân bón, công chăm sóc. Đành phải bán lỗ để vớt vát phần nào” - anh Tâm chia sẻ.
Giá cần tây thấp hơn mọi năm nên nhà vườn lỗ vốn đầu tư |
Trước đó không lâu, anh Tâm cũng vừa trải qua một vụ hành tây mất giá. Anh cho biết: “Những tháng đầu năm, giá hành tây chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 6.000 đồng/kg. Một số hộ dân không bán được, đành để hàng tồn trong kho, sau đó hư hỏng phải đổ bỏ. Chưa năm nào hành tây rớt giá mạnh như vậy”.
Một số nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, cầm chừng, chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường |
Theo ông Hoàng Ngọc Bảo Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lập, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản liên tục giảm giá, đầu ra lại bấp bênh, thiếu ổn định.
“Dù sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Giá bán không đủ bù chi phí đầu tư, nông dân không có lãi, khiến không ít nông hộ buộc phải bỏ đất hoang hoặc thu hẹp diện tích sản xuất” - ông Sơn chia sẻ.
Giá bán không đủ bù chi phí đầu tư, nhiều hộ nông dân buộc phải bỏ vườn, không chăm sóc |
Tại xã Lạc Lâm, ông Nguyễn Hữu Đoàn - Giám đốc Hợp tác xã rau sạch VietGAP Lạc Lâm cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, trung bình từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước. “Chẳng hạn, bắp sú Nova từ 3.500 đồng/kg nay chỉ còn 1.000 đến 2.000 đồng/kg; hành tây từ 10.000 đồng/kg giảm còn 5.000 đồng; hoa cúc từ 5.000 đồng/bó xuống còn 2.000 đồng/bó” - ông Đoàn thông tin.
Hành paro của Hợp tác xã rau sạch VietGap Lạc Lâm vẫn ổn định giá nhờ có hợp đồng liên kết tiêu thụ |
Dù vậy, theo ông Đoàn, một số sản phẩm của Hợp tác xã như rau bó xôi, cải, cà tím, hành paro… vẫn giữ được mức giá ổn định nhờ có hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp như Đà Lạt Asuzac Foods và Nature Foods.
“Việc sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt chuẩn VietGAP và có hợp đồng bao tiêu đã giúp nông dân yên tâm hơn, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động” - ông nhấn mạnh.
Hiện nay, Hợp tác xã rau sạch VietGAP Lạc Lâm có 14 thành viên tham gia, canh tác trên 20 ha với chủ yếu các loại hoa, rau màu thương phẩm theo quy trình VietGAP, hướng đến sản xuất bền vững và an toàn cho người tiêu dùng.
Giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp do cung vượt cầu, sức tiêu thụ sụt giảm |
Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số mặt hàng nông sản giảm sâu là do cung vượt cầu, trong khi sức mua tại các chợ truyền thống sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong chuỗi giá trị khiến nông dân dễ bị động trước mỗi đợt biến động giá.
Tình hình giá cả bấp bênh đã tạo nên tâm lý lo lắng, thận trọng ở nhiều hộ nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới. Một số gia đình phải tạm bỏ đất trống, chưa vội tái canh, chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.
Vườn sú đến kỳ thu hoạch nhưng không có người thu mua |
Trước thực tế này, bà Tou Prong Nai Khoan - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đơn Dương cho biết, ngành nông nghiệp địa phương đang định hướng người dân chuyển sang sản xuất theo các tiêu chuẩn như OCOP, VietGAP để nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, khuyến khích đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi giá trị và ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.
“Chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, tiêu thụ, kết hợp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tiết giảm chi phí đầu vào, sẽ giúp bà con ổn định đầu ra, tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế bị thương lái ép giá” - bà Nai Khoan nhấn mạnh.
Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/202505/nong-san-rot-gia-nong-dan-gap-nhieu-kho-khan-b7f0e01/
Bình luận (0)