Xã Giao Hà (Giao Thủy) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. (Ảnh Đăng Khoa) |
Từ xây dựng NTM đến phát triển NTM nâng cao, kiểu mẫu
Sau hơn 15 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 3 huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường và Trực Ninh được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 143 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 97,95% và 54 xã, chiếm 37% số xã đạt chuẩn NTM mới kiểu mẫu. Trong số các xã NTM kiểu mẫu có 20 xã nổi trội về lĩnh vực giáo dục, 18 xã nổi trội về chuyển đổi số, 8 xã nổi trội về văn hoá, 3 xã nổi trội về y tế, 3 xã nổi trội về an ninh trật tự và 2 xã nổi trội về sản xuất. Tại các huyện, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu có sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và đời sống văn hóa. Nông thôn đổi mới không chỉ dừng lại ở tiêu chí đạt chuẩn, mà đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông thôn văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Thôn Đông Chiền là 1 trong 14 thôn tiên phong xây dựng mô hình thôn thông minh của xã Hồng Quang (Nam Trực). Có mặt ở thôn Đông Chiền trong dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ nét niềm tự hào về truyền thống cách mạng, niềm vui, phấn khởi với thành quả xây dựng thôn NTM thông minh, kiểu mẫu của người dân nơi đây. Hình ảnh vùng quê trù phú, văn minh với hệ thống đường nhựa áp phan phẳng phiu, hai bên đường là những hàng cây xanh mát, hàng cờ đỏ sao vàng phấp phới bay, những ngôi nhà cao tầng san sát, các công trình trường học, nhà văn hoá, khu vui chơi thể thao khang trang, tiện nghi... khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đó là kết quả của sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức đồng lòng của cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trong thôn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Đông Chiền cho biết: Để xây dựng thành công mô hình thôn thông minh, Chi bộ đã ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cộng đồng. Thôn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai lắp đặt điểm wifi miễn phí tại nhà văn hoá thôn có đường truyền kết nối internet băng thông rộng 50Mbps bảo đảm các kỹ thuật khai thác, sử dụng an toàn, an ninh thông tin phục vụ người dân. Ngoài ra, xã lắp đặt 97 điểm camera an ninh; tổ chức tập huấn cho 6.850/8.989 người dân về kiến thức, kỹ năng tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ công trực tuyến do cơ quan Nhà nước cung cấp. Nhờ đó đến nay, nhân dân trong thôn có thể thao tác thành thạo khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khai báo và xử lý các loại hồ sơ bằng điện thoại thông minh, bán hàng trực tuyến, tiếp cận thông tin…
Xã Hồng Quang là một trong những xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hoá của huyện Nam Trực. Có được thành quả đó là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong xã. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề xác định xây dựng NTM kiểu mẫu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các thôn, xóm. Phát huy những thuận lợi về kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia. Xã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu. Các ban, ngành, đoàn thể của xã đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
Để xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu nổi trội về văn hoá, UBND xã Hồng Quang đã chú trọng đầu tư, tạo điều kiện để các giá trị, di sản văn hoá truyền thống được duy trì và phát huy mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Xã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể truyền thống đa dạng của địa phương như: lễ hội, làng nghề truyền thống, hát văn, hát ca trù, bơi chải, trong đó nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng: Lễ hội đền Xám; lễ hội đền, chùa, miếu thôn Rạch (lễ hội rối nước); lễ hội đền Lạc Na, đền Thị... Đặc biệt, phát huy giá trị truyền thống của phường rối nước Nam Chấn, xã đã phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin huyện báo cáo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Quỹ Ford tài trợ để tổ chức lớp đào tạo cho 50 thành viên là lực lượng kế cận cho phường rối nước và hạt nhân của các câu lạc bộ hát Chèo, hát Văn; đồng thời đầu tư xây dựng và nâng cấp Thuỷ Đình với nguồn kinh phí trên 300 triệu đồng…
Cảnh quan thị trấn Yên Định (Hải Hậu) hôm nay. (Ảnh Văn Đại) |
Cùng với phát huy giá trị văn hoá, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng tạo nền tảng để phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Với vị trí địa lý và mạng lưới giao thông đồng bộ là điều kiện thuận lợi để Hồng Quang phát triển các loại hình kinh tế, dịch vụ và giao lưu văn hoá với các địa phương. Xã hiện có 3 HTX dịch vụ nông nghiệp, nghề làm hoa nhựa, làm đèn ông sao trung thu ở thôn Báo Đáp. Bên cạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhiều người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, năm 2024 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 91 triệu đồng; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, 100% nhà ở đạt tiêu chuẩn… Môi trường sống luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, các tuyến đường giao thông thông thoáng, có điện chiếu sáng vào ban đêm, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tạo nền tảng để mỗi thôn, xã “bứt tốc, vươn mình” kiến tạo những vùng quê đáng tự hào, thân thiện và đáng sống.
Không gian NTM nâng cao, kiểu mẫu - tầm nhìn phát triển
Trong suốt quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, công tác quy hoạch không gian nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại luôn được các địa phương coi là bước đi quan trọng đầu tiên và then chốt. Các quy hoạch về không gian phát triển, quy hoạch nông thôn, vùng sản xuất… đang thoát khỏi tư duy manh mún, thiếu liên kết để hình thành các không gian chức năng rõ ràng: khu dân cư, sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng, khu bảo tồn văn hóa... gắn với đặc trưng vùng, miền để phát triển trên nền tảng bản sắc địa phương. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật bao gồm đường giao thông nông thôn, điện, nước sạch, hệ thống thoát nước, viễn thông và internet cũng đang dần đồng bộ, hiện đại. Tại nhiều địa phương, các công trình hạ tầng, tạo điểm nhấn trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu cũng đã hướng tới yếu tố mỹ quan, bền vững và thân thiện với môi trường.
Đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Xuân Trường cho biết: “Với sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân, huyện Xuân Trường đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM nâng cao, trong giai đoạn 2018-2024, toàn huyện đã huy động được hơn 3.085 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tiêu chí. Đến nay, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Diện mạo nông thôn huyện đã thay đổi đáng kể và có những chuyển biến rõ nét: Kinh tế phát triển khá, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng khang trang, đồng bộ, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, các giá trị văn hóa truyền thống bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy. Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Diện mạo nông thôn thực sự đổi thay theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện, văn minh”.
Đáng ghi nhận trong xây dựng NTM, cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương luôn chú trọng gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa đặc trưng. Đó là các công trình kiến trúc truyền thống, lễ hội truyền thống đến các nghề thủ công của địa phương. Việc phát triển du lịch cộng đồng, làng nghề gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn tạo bản sắc riêng cho mỗi vùng nông thôn. Các thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng đang được quan tâm đầu tư, trở thành nơi giao lưu, nâng cao dân trí, gia tăng mức hưởng thụ và phát triển đời sống tinh thần cho người dân. Việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kết nối chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản là "chìa khóa" nâng cao thu nhập cho người dân cũng được hình thành ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nông thôn, hợp tác xã kiểu mới, và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân tạo động lực cho các vùng quê đổi mới, vươn mình trong giai đoạn mới…
Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu không chỉ là phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn mà thể hiện tầm nhìn phát triển trên quan điểm lấy con người làm trung tâm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tạo nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, xóm và sự nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp, không gian nông thôn văn minh, thân thiện, hiện đại của tỉnh đang dần hiện hữu, trở thành nơi khởi nguồn cho những giá trị sống bền vững, hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Văn Đại
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-kien-tao-tuong-lai-van-minh-than-thien-31e5e71/
Bình luận (0)