Du khách tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). |
VQG Xuân Thủy nổi tiếng là một trong những “ga chim quốc tế” quan trọng nhất khu vực châu Á, đang từng bước trở thành “điểm sáng” trong phát triển du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm cộng đồng. Với hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn, phong cảnh tự nhiên hoang sơ, đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên phong phú, VQG Xuân Thủy đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng - một mô hình phát triển bền vững, lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm. VQG Xuân Thủy được nhiều người biết đến bởi có hệ chim di trú phong phú với nhiều loài quý hiếm như: Rẽ mỏ thìa, Cò thìa, Vịt đầu đen, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn... Nguồn lợi thủy sản tại khu vực VQG rất phong phú, gắn liền với đời sống kinh tế của một bộ phận cộng đồng địa phương. Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: ốc móng tay, cáy mật, cua bùn, cá song, cá hói... đã được nghiên cứu và ương nuôi thành công, một mặt đã tạo sinh kế và nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương, mặt khác đã góp phần quản lý và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản tại khu vực.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường luôn được chính quyền địa phương và Ban quản lý VQG Xuân Thủy quan tâm, chú trọng và coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát triển rừng, đa dạng sinh học. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, đa dạng, có chiều sâu như: xây dựng các bảng thông tin chỉ dẫn, tuyên truyền; biên tập, thiết kế các ấn phẩm truyền thông; đưa chương trình giáo dục môi trường vào hệ thống các trường học tại các xã vùng đệm của huyện; tổ chức cuộc thi tìm hiểu, vẽ tranh về rừng ngập mặn, chim di trú; tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh; xây dựng các chương trình, phóng sự giới thiệu về VQG Xuân Thủy; xây dựng và phát triển website, nền tảng xã hội... Với việc kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và các bên liên quan, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hạn chế số vụ xâm hại tới rừng, đa dạng sinh học và môi trường tại khu vực. Cộng đồng địa phương cùng với các ngành, các cấp chính quyền đã tham gia tích cực vào công tác quản lý tài nguyên và môi trường của VQG Xuân Thủy; du khách tham quan Vườn đã có trách nhiệm và ý thức hơn trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới tài nguyên môi trường.
Hoạt động phát triển du lịch sinh thái được coi là nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và môi trường tại VQG Xuân Thủy. Với vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thảm thực vật rừng ngập mặn lớn, đa dạng sinh học, hệ chim độc đáo và tài nguyên nhân văn phong phú, cùng cơ sở hạ tầng sẵn có và sự tư vấn, hỗ trợ của các doanh nghiệp đã giúp cho mô hình du lịch sinh thái của VQG Xuân Thủy đang từng bước được định hình một cách rõ nét và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách. Điểm nổi bật của mô hình du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy là sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân. Các tuyến tham quan như: xem chim di trú quý hiếm, du thuyền cửa sông, du khảo đồng quê, trải nghiệm cuộc sống ngư dân vùng ven biển hay điền dã, khám phá rừng ngập mặn đã mang đến những trải nghiệm gần gũi, sâu sắc, tạo ấn tượng, hấp dẫn du khách. Mỗi tuyến tham quan là những điểm nhấn về phong cảnh, thiên nhiên, tinh hoa văn hóa ẩm thực và con người. Các tuyến tham quan có lộ trình và thời gian cụ thể, phù hợp với nhiều nhóm khách khác nhau, từ học sinh, sinh viên đến các đoàn nghiên cứu, khách quốc tế yêu thiên nhiên. Thông qua hoạt động du lịch, cộng đồng địa phương không chỉ có cơ hội tăng thêm thu nhập qua các hoạt động dịch vụ du lịch mà còn đóng vai trò tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có hệ sinh thái độc đáo, là điểm dừng chân của nhiều loài chim biển. (Ảnh PV) |
Việc xây dựng, khai thác và phát triển các tuyến trải nghiệm như: “Một ngày làm ngư dân”, “Khám phá cây rừng ngập mặn”, “Ẩm thực quê biển” đã trở thành công cụ hữu hiệu để truyền thông về giá trị của hệ sinh thái và vai trò của người dân trong gìn giữ môi trường sống. Với tuyến xem chim di trú, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và ngắm nhìn các loài chim nước quý hiếm; đến với tuyến du khảo đồng quê, du khách sẽ được khám phá những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân ven biển vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Điểm đặc biệt của các tuyến du lịch này không chỉ nằm ở vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn ở những trải nghiệm cuộc sống giản dị, mộc mạc của người dân vùng ven biển. Du khách có thể tham gia các hoạt động thường ngày như: thu hoạch thủy sản, gỡ lưới, xúc cáy, cào bắt ốc móng tay, hoặc cùng người dân chế biến món ăn từ các đặc sản địa phương như: canh cáy, bún tôm, mắm cáy, gỏi sứa… Tuyến du khảo đồng quê cũng thu hút nhiều người khám phá những giá trị văn hóa lâu đời của vùng châu thổ sông Hồng, từ các ngôi nhà mái bổi/mái lá, mái ngói rêu phong truyền thống đặc trưng của vùng nông thôn miền Bắc, đến những nghi lễ tín ngưỡng dân gian gắn liền với đời sống cư dân biển. VQG Xuân Thủy cũng đang đẩy mạnh loại hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục bảo vệ môi trường, đặc biệt phù hợp với học sinh, sinh viên và các đoàn nghiên cứu. Du khách không chỉ được tìm hiểu thực địa về hệ sinh thái rừng ngập mặn mà còn được tham gia các chương trình tìm hiểu về chim di cư, thủy sinh, quy trình phục hồi rừng, cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường. Những hoạt động như: vẽ tranh về thiên nhiên, trồng cây rừng ngập mặn, tham gia các hội thảo về công tác bảo tồn thiên nhiên... đã giúp nâng cao ý thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Thời gian qua, lượng khách đến VQG Xuân Thủy trung bình đạt từ 20-25 nghìn lượt/năm, riêng vào các kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 có thể đón tới hơn 4.500 lượt khách. Những con số này không chỉ phản ánh sức hấp dẫn của điểm đến, mà còn cho thấy tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch xanh, có trách nhiệm tại khu vực. Đặc biệt mới đây, Chính phủ đã đồng ý đề cử và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nam Định phối hợp chuẩn bị tốt hồ sơ và các điều kiện phục vụ việc thẩm định của ASEAN để được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Trong thời gian tới, Ban quản lý VQG Xuân Thủy tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp dịch vụ du lịch mở rộng các tuyến trải nghiệm, đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, đào tạo nguồn nhân lực địa phương và tăng cường truyền thông, quảng bá đến du khách trong nước, quốc tế; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối liên kết vùng để đưa VQG Xuân Thủy trở thành điểm đến trọng điểm của du lịch sinh thái khu vực đồng bằng sông Hồng và phía Bắc.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đang là thách thức toàn cầu, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại VQG Xuân Thủy càng trở nên có ý nghĩa. Đây không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo tồn môi trường sống mà còn truyền cảm hứng về sự chung tay giữa con người và thiên nhiên. Bên cạnh đó, trước sự phát triển của mô hình du lịch xanh với yêu cầu về trách nhiệm của cộng đồng ngày càng tăng, VQG Xuân Thủy đang khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển loại hình du lịch này. Đến VQG Xuân Thủy ngắm các loài chim di trú quý hiếm đang nằm trong "sách đỏ” cần được bảo vệ khẩn, tản bộ giữa rừng ngập mặn là những trải nghiệm thú vị, quý giá, nhất là với những người muốn sống chậm, thích học hỏi, khám phá. Phát triển du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy là giải pháp phát triển kinh tế xanh, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn môi trường tự nhiên với nâng cao chất lượng đời sống người dân - mô hình cần được nhân rộng trong phát triển du lịch bền vững hiện nay.
Bài và ảnh: Minh Tân
Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/phat-trien-du-lich-sinh-thai-cong-dong-tai-vuon-quoc-gia-xuan-thuy-huong-di-ben-vung-cho-bao-ton-di-santhien-nhien-4a7609c/
Bình luận (0)