Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nửa thế kỷ chuyển động của mỹ thuật Việt Nam

Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1925) khi sản sinh ra những họa sĩ lớn, đưa mỹ thuật Việt Nam ra ánh sáng với những tác phẩm hội họa xuất sắc ở giai đoạn trước năm 1945 và giai đoạn mỹ thuật kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau năm 1975, ảnh hưởng từ thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẫn còn sâu đậm, song đáng mừng là sự xuất hiện của lớp thế hệ họa sĩ kế cận tiếp tục đưa mỹ thuật Việt Nam có những bước tiến dài.

Báo An GiangBáo An Giang09/05/2025

Chương sử mới của mỹ thuật Việt Nam

Từ năm 1975, khi đất nước thống nhất, mỹ thuật cả nước hòa trong dòng chảy chung tạo nên bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Các họa sĩ 3 miền say trong niềm vui hòa bình, chiến thắng đã hồ hởi hòa nhập, phấn chấn phản ánh đời sống mới, con người mới đầy niềm tin và hy vọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn 1954-1975 tiếp tục được duy trì, phổ biến, lan tỏa từ Bắc vào Nam. Cùng với các thông tin mới về nghệ thuật quốc tế từ bên ngoài vào đã mở rộng quan niệm về ngôn ngữ nghệ thuật, tạo tiền đề tiến tới sự phát triển có tính bước ngoặt vào thời kỳ đổi mới.

Nửa thế kỷ chuyển động của mỹ thuật Việt Nam

Công chúng tham quan Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”, tháng 9-2024. Ảnh: THÀNH TÙNG

Dù gặp khó khăn về vật chất nhưng hoạt động mỹ thuật vẫn diễn ra có quy mô và đạt bước tiến đáng kể so với giai đoạn trước với tinh thần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Những hoạt động sáng tác mang tính phong trào phát triển mạnh. Các triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1976, 1980, 1985; triển lãm thường kỳ mang tính chuyên đề như triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc, triển lãm tranh-tượng đề tài LLVT, triển lãm tranh đồ họa, triển lãm tranh-tượng của tác giả trẻ... với sự tham gia của những họa sĩ tên tuổi và có nhiều tác phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, một số triển lãm nhóm hoặc cá nhân tiêu biểu ghi dấu ấn trong hoạt động mỹ thuật như triển lãm tranh của Trần Văn Cẩn, Văn Giáo, Nguyễn Tư Nghiêm-Đường Ngọc Cảnh-Vũ Duy Nghĩa (năm 1980), Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái (năm 1984), Kim Bạch (năm 1985)...

Đầu thập niên 1980, các xu hướng nghệ thuật hiện đại như làn gió mới lạ và cuốn hút đối với họa sĩ Việt Nam. Từ dấu mốc đổi mới năm 1986, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách quản lý của Nhà nước với văn nghệ nói chung, mỹ thuật nói riêng đã thay đổi về tư duy, cách nhìn nhận, khích lệ tinh thần sáng tạo của văn nghệ sĩ. Song có lẽ một quy luật khó tránh là đề tài chiến tranh cách mạng ít dần đi, thay thế bằng hoài niệm, ký ức tuổi thơ, đồng quê. Các chủ đề nông thôn với lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán, triết lý âm dương phát triển mạnh. Mỹ thuật trở về với văn hóa truyền thống, thông qua đó tìm cách thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Các đề tài về tình yêu, con người cá nhân, giới tính, toàn cầu hóa... bắt đầu được đề cập dù chưa nhiều. Ngôn ngữ và quan niệm nghệ thuật dần được nới rộng.

Đầu thập niên 1990, thế hệ họa sĩ trẻ tiến rất nhanh trên con đường thử nghiệm và tìm tòi ngôn ngữ riêng. Mỹ thuật Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển hiện đại rất riêng, với sự tiếp thu ảnh hưởng của các danh họa đi trước như "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái", đồng thời có sự ảnh hưởng đa chiều của ngôn ngữ quốc tế: Từ các xu hướng lập thể, siêu thực, trừu tượng... Lối tư duy thị giác độc đáo và thẩm mỹ riêng biệt của người Việt Nam, còn nguyên sơ cảm xúc gắn với làng mạc, thiên nhiên, một đời sống văn hóa đậm tính dân gian và tín ngưỡng làm cho nghệ thuật đương đại Việt Nam có màu sắc riêng, thú vị. Mỹ thuật miền Bắc phổ biến xu hướng trở về truyền thống văn hóa làng, khai thác thẩm mỹ ngây thơ, sơ khai dân gian, trong khi miền Nam phát triển mạnh trào lưu trừu tượng.

Định hình bản sắc

Giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ, các họa sĩ trẻ đi vào nghiên cứu nghệ thuật đương đại với những vấn đề của thế hệ mình. Một số họa sĩ là những sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trở thành những nghệ sĩ mở đường cho nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, thực hiện các tác phẩm trình diễn, video art và sắp đặt.

Đầu thế kỷ 21, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn có thời điểm nổi lên mạnh mẽ, nhiều họa sĩ lớn tuổi cũng tham gia cuộc chơi đương đại, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật như Nguyễn Bảo Toàn, Đào Anh Khánh. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ trẻ, cá tính như Phạm Ngọc Dương, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Huy An, Vũ Đức Toàn, Phương Linh ghi dấu ấn sâu sắc trong đời sống mỹ thuật đương đại. Những hình thức nghệ thuật mới cũng bắt đầu được định hình trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc với các tác phẩm sắp đặt, video art của Nguyễn Văn Hè, Lê Trần Hậu Anh... Năm 2011, tác phẩm trình diễn “Cảm nhận” của Nguyễn Văn Hè đoạt giải ba tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Mặc dù vậy, những xu hướng nghệ thuật mới cũng chỉ nổi lên trong một thời gian và dần rơi vào thoái trào. Trừ một số rất ít nghệ sĩ hoạt động bền bỉ, có tư duy và hướng đi rõ ràng, đa phần tác giả, tác phẩm nghệ thuật mới ở Việt Nam còn nặng tính hình thức, chưa có chiều sâu.

Đến nay, đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc phát triển với số lượng lớn. Nhìn chung, đội ngũ này vẫn tạo ra những tác phẩm tốt, song chưa thấy rõ phong cách riêng, tiêu biểu với những sáng tạo đột biến về hình thức. Các triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vì nhiều lý do không còn sức hút như trước. Những tác giả có tên tuổi, thậm chí nhiều họa sĩ trẻ cũng không còn mặn mà tham gia, trong một vài năm gần đây, chất lượng các triển lãm phong trào chững lại và đi xuống. Đổi lại, hoạt động mỹ thuật trong nước ngày một chuyên nghiệp hơn, nhiều gallery, trung tâm bảo trợ nghệ thuật ra đời, hỗ trợ hoạt động cho nghệ sĩ. Triển lãm nghệ thuật, đặc biệt là các triển lãm cá nhân ngày một nhiều và được tổ chức quy củ. Gần đây, một số nghệ sĩ trẻ đã có những bước đầu ghi dấu ấn ở thị trường mỹ thuật quốc tế khi khai thác yếu tố bản sắc dân tộc như Lê Thúy, Lê Giang...

Trong thời đại toàn cầu hóa, họa sĩ Việt Nam có điều kiện giao lưu, tiếp xúc mở rộng với thế giới, cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Những vấn đề của cá nhân trong thế giới phẳng, những vấn đề về môi trường, dịch bệnh, thất nghiệp, suy thoái văn hóa, tự do giới tính... được khai thác tự do, đa dạng. Sáng tác hoàn toàn khác nhau, phức tạp và phong phú đến mức khó nhận biết.

Nhìn chung, trong 50 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỹ thuật Việt Nam đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng nghệ sĩ tham gia hoạt động. Mặc dù vậy, xét ở thành tựu nghệ thuật, ngoại trừ những tác giả lớn thuộc thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái vẫn làm việc theo phong cách riêng thì mỹ thuật Việt Nam giai đoạn sau này vẫn thiếu tác giả, tác phẩm lớn, đại diện, với phong cách tiêu biểu.

Đa phần họa sĩ Việt Nam vẫn quen thực hành, trải nghiệm hội họa là chính, từ đó rút ra kinh nghiệm cá nhân chứ ít theo đuổi các vấn đề lý thuyết hình thức, không xây dựng cơ sở lý thuyết và tuyên ngôn hội họa riêng. Lối vẽ thiên về bản năng, tâm lý cóp nhặt, chịu ảnh hưởng, chưa tạo được phong cách và xu hướng nghệ thuật rõ ràng. Sau nhiều năm chiến tranh, được sự quan tâm đầu tư bài bản, mỹ thuật về đề tài LLVT, chiến tranh cách mạng đã khởi sắc, song công bằng nhận xét thì vẫn chưa nhiều tác phẩm lớn thuyết phục, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tình trạng này không chỉ riêng với mỹ thuật mà còn nhìn thấy ở các bộ môn nghệ thuật khác về đề tài quan trọng của nền văn nghệ cách mạng, chính thống. Đối với các chủ đề về đời sống xã hội, đời tư thế sự, nhiều họa sĩ đã có ý thức bám sát hơi thở cuộc sống, nhưng tinh thần công dân, ý thức xã hội và khao khát tìm tòi hình thức mới của nghệ sĩ còn chưa đủ mạnh.

Có thể thấy, ý thức về tinh thần dân tộc ở các nghệ sĩ trẻ còn nhiều thiếu hụt. Thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt là những tác giả lớn như Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... đều thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong các tác phẩm của mình. Dân tộc tính trong nghệ thuật bám rễ sâu trong nguồn mạch văn hóa mỹ thuật truyền thống. Việc xây dựng những tác phẩm mỹ thuật lớn, có tầm vóc cần được bắt đầu từ những thứ nhỏ bé: Từ xây dựng, phát triển con người cá nhân, nhân cách nghệ sĩ tới xây dựng đời sống văn hóa tinh thần xã hội giàu bản sắc, đi từ những giá trị truyền thống giàu tính nhân bản.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nua-the-ky-chuyen-dong-cua-my-thuat-viet-nam-a420441.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm