Phóng viên (PV): Theo đồng chí, Ngày Sách và Văn hóa đọc hàng năm được tổ chức tại Ninh Bình đã tập trung vào những nội dung gì để lôi cuốn độc giả ở mọi lứa tuổi đến với niềm đam mê đọc sách?
Đồng chí (Đ/c) Lại Thị Thu Hà: Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam hàng năm luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Văn hoá và Thể thao tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, hướng nhiều đến đối tượng độc giả trẻ. Với mong muốn đây sẽ là ngày hội, là diễn đàn, là sân chơi bổ ích cho độc giả và mỗi độc giả đến với sự kiện sẽ góp phần vào thành công của Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, qua đó không ngừng nuôi dưỡng tình yêu với sách và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nội dung trọng tâm của Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam tập trung vào việc tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trong các cơ sở giáo dục-đào tạo, thư viện, trung tâm văn hóa thông tin với các chủ đề “Văn hóa đọc-kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo” thông qua các hoạt động: Triển lãm ảnh tài liệu trong cộng đồng ASEAN; triển lãm ảnh và hiện vật về phát triển bền vững biển đảo Việt Nam; Triển lãm số về Hoàng Sa-Trường sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý; tổ chức trao tặng tủ sách, học bổng cho các trường học, thư viện, học sinh nghèo vượt khó; các hoạt động tọa đàm, giao lưu với diễn giả với chủ đề về Sách và Văn hoá đọc; tổ chức các chương trình trải nghiệm đọc sách trên xe thư viện lưu động đa phương tiện, các trò chơi trả lời câu hỏi theo sách…
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Thư viện tỉnh hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đa dạng về chủ đề tại các trường học trong tỉnh. Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Các hoạt động khác gắn với sách, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương. Đây cũng là dịp để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam trong đời sống xã hội tại Ninh Bình.
PV: Không còn bó hẹp ở việc đọc sách truyền thống, giờ đây độc giả trẻ đã tiếp cận với sách thông qua nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Đ/c Lại Thị Thu Hà: Nhằm khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, hình thành thói quen, phương pháp đọc sách hiệu quả và kỹ năng đọc sách trong các em thiếu niên, nhi đồng, hàng năm Sở Văn hoá và Thể thao đã tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”, “Liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách và văn hóa đọc tỉnh Ninh Bình”. Đây là những hoạt động hết sức bổ ích, ý nghĩa để khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Các cuộc thi, liên hoan được tổ chức cho thấy nhiều địa phương, các nhà trường đều quan tâm tổ chức và động viên học sinh tham gia, đó cũng là một kênh để giáo dục, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho học sinh.
Ý nghĩa hơn cả, các cuộc thi, liên hoan đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, có cơ hội được thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước; ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, ươm mầm sáng tạo trong thế hệ trẻ, phát triển tư duy, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh và đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng, là yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển bền vững.
PV: Để góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá đọc, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có những hoạt động cụ thể nào?
Đ/c Lại Thị Thu Hà: Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; Chương trình số 3239/ CTr-BVHTTDL-BCA ngày 3/9/2020, giai đoạn 2020- 2025 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Hàng năm, Sở Văn hoá và Thể thao đã chỉ đạo Thư viện tỉnh chú trọng bổ sung nguồn sách và đa dạng các hình thức để thu hút và phục vụ bạn đọc, đặc biệt là triển khai thư viện lưu động, luân chuyển sách phục vụ thiếu nhi, bạn đọc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tổ chức các mô hình tham quan, trải nghiệm phòng đọc, giới thiệu sách theo chủ đề, kể chuyện tranh tại Thư viện tỉnh thu hút các độc giả, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, nhi đồng.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Thư viện tỉnh đã đổi mới, sáng tạo, triển khai các hoạt động đưa sách về cơ sở bằng nhiều hình thức thiết thực, ý nghĩa như: Tổ chức đưa xe thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ chương trình ngoại khóa tại các trường học trong tỉnh với các chủ đề gắn liền với các sự kiện trong năm nhằm khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, sự tri ân, lòng biết ơn đến các thế hệ cha ông đi trước đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; tổ chức chương trình ngày hội thiếu nhi đọc sách hè; ngày hội đọc sách tuyên truyền về chủ quyền biển đảo; phối hợp với các trường học tổ chức ngày hội đọc sách nhân Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời; mở phòng đọc thiếu nhi phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Quốc tế thiếu nhi và dịp hè…
Trong năm 2024, Thư viện tỉnh đã tổ chức được 292 lượt xe thư viện lưu động đa phương tiện đi phục vụ tại cơ sở, luân chuyển sách, báo đến 157 điểm trường và 56 điểm văn hóa cộng đồng với 39.138 cuốn sách đến thư viện trường và thư viện công cộng trên địa bàn toàn tỉnh; tặng 580 cuốn sách cho thư viện trường học và tủ sách tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức hoạt động ngoại khóa tại 79 điểm trường học các cấp trên địa bàn tỉnh, phục vụ 61.472 em học sinh với 307.360 lượt sách báo đến tay các em; tặng 1.580 phần quà cho các em tham gia chương trình ngoại khóa…
Qua các hoạt động được tổ chức đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi, khơi dậy trong các em niềm đam mê đọc sách, khám phá kho tàng tri thức, giúp cho các em thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển về nhân cách và tâm hồn, giúp các em có thêm nhiều kiến thức đáp ứng được nhu cầu học tập và rèn luyện. Điều vui nhất là mỗi chuyến xe thư viện đến phục vụ tại các điểm trường đều nhận được sự đón nhận nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em học sinh, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp từ sách mang lại.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nuoi-duong-tinh-yeu-sach-phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-956666.htm
Bình luận (0)