Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Nuốt chửng” và “Nuốt trửng”

(Baothanhhoa.vn) - Vua Tiếng Việt (25/4/2025) yêu cầu “Hãy viết lại cho đúng từ sau: nuốt trửng”. Người chơi viết lại thành “nuốt chửng”, thì được người dẫn chương trình xác nhận là đúng, và đáp án hiện trên màn hình hai chữ “nuốt chửng”.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa07/07/2025

“Nuốt chửng” và “Nuốt trửng”

Cứ theo như trên thì viết “nuốt trửng” là sai chính tả. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Hàng chục cuốn từ điển chúng tôi có trong tay ghi nhận cả hai cách viết “nuốt chửng” và “nuốt trửng”:

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên- Vietlex) mục “nuốt trửng”, ghi chú đây là cách viết “cũ hoặc phương ngữ”, và hướng dẫn xem “nuốt chửng”. Như vậy, nhà biên soạn từ điển vẫn ghi nhận “nuốt trửng” nhưng hướng tới cách viết phổ thông hơn là “nuốt chửng”.

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức - 1931) thu thập “nuốt trửng”, với nghĩa “Nuốt vật gì mà không nhai”, và lấy ví dụ “Cho viên thuốc vào mồm mà nuốt trửng”. Sách này không xếp “nuốt chửng” một mục riêng, nhưng ở mục “chửng”, giảng là “Ngay thẳng, không vướng -víu”, và lấy ví dụ “Nuốt chửng, bổ chửng”.

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức - 1970), không ghi nhận “chửng”, “nuốt chửng”. Ở mục “trửng”, sách này giảng là “Trộng, gọn, trọn một lần”, và lấy ví dụ “Con chó nuốt trửng miếng thịt; việc không xong mà nuốt trửng ngàn bạc!”. Mục “nuốt trửng”, giảng là “Nuốt trộng”, và chú như “Nuốt tươi và nuốt trôi”.

- Việt ngữ chánh tả tự vị (Lê Ngọc Trụ - 1967) chỉ ghi nhận từ “nuốt trửng”, không có “nuốt chửng”.

- Tự điển tiếng Việt phổ thông (Đào Văn Tập - 1951), chỉ ghi nhận từ “nuốt trửng”.

- Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị - 1951), cũng chỉ ghi nhận từ “nuốt trửng”.

- Tự điển Annamite - Francais (LM.

Génibrel - 1898), cũng chỉ ghi nhận từ “nuốt trửng”.

Đáng chú ý, nhiều sách thu thập từ “nuốt trộng” với nghĩa giống như “nuốt chửng”, “nuốt trửng”. Ví dụ, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) giảng “nuốt trộng” là “nuốt chửng” và lấy ví dụ “thằng bé nuốt trộng cả miếng bánh”. Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) cũng ghi nhận “nuốt trộng” và giảng là “Cũng nghĩa như nuốt trửng”.

Nhiều cuốn từ điển cổ chỉ ghi nhận “nuốt trộng” chứ không phải “nuốt trửng”, như: Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của - 1885, 1896); Tự điển Annam - Latin (GM.

Taberd - 1883); Tự điển Francais - Anamite (Trương Vĩnh Ký - 1884).

Đáng chú ý, Đại Nam quấc âm tự vị giảng “trộng” là “Lớn, khá lớn và còn nguyên”; “trộng trộng” = “Lớn vừa, không phải nhỏ”; “trộng trơn= Lớn mà nguyên vẹn. Hột gạo trộng trơn”; “Trộng hột = lớn hột”; “trộng đứa = Lớn đứa, không phải nhỏ”; “Ăn cơm trộng” = “Ăn cơm nguyên hột; ăn lấy một mình khỏi phải nhai. (Con thơ)”; “Nuốt trộng = “Nuốt vật gì lớn mà không nhai trước”.

Như vậy, căn cứ vào sự xuất hiện của từ ngữ qua các cuốn từ điển từ xưa tới nay, thì “trộng” (nuốt trộng) là sớm nhất, sau đó đến “trửng” (nuốt trửng) và muộn nhất là “chửng” (nuốt chửng).

Vậy, xét nghĩa từ nguyên, thì trộng↔trửng↔chửng từ đâu mà ra?

Câu trả lời là “trộng” vốn từ chữ “trọng” 重 mà ra.

Chữ trọng 重 (một âm đọc khác là “trùng” trong từ “trùng lặp”) có một nghĩa là “lớn” (nghĩa thứ 22 mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng). “Nuốt trộng” là nuốt miếng lớn, để nguyên không nhai. Trộng hột = hột lớn, cũng như người ta vẫn hay nói là chọn lấy cái “trọng”, tức là chọn cái lớn nhất trong số những thứ bị băm, hoặc cắt nhỏ ra.

Mối quan hệ giữa ONG↔ÔNG (trọng ↔ trộng) ta thấy trong rất nhiều trường hợp khác như thả rong↔thả rông; long nhong↔lông nhông,...

Từ “nuốt trộng”, biến thành “nuốt trửng” (tiếng Thanh Hóa phát âm là “trẩng” hoặc “trửng”). Mối quan hệ ÔNG↔UNG, thì ta vẫn gặp trong phương ngữ Thanh Hóa như đì đồng↔đì đùng; đến cùng↔đến cồng. Còn mối quan hệ TR↔CH thì cũng có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ, như trà↔chè; trương↔chương,...

Như vậy, “nuốt trộng”, “nuốt trửng” là cách nói và viết được ghi nhận sớm nhất, sau đó mới đến “nuốt chửng”. Hiện nay, cách nói và viết “nuốt chửng” được xem là phổ thông, nhưng không vì thế mà xem cách viết “nuốt trửng” là sai chính tả. Theo đây, “nuốt chửng” và “nuốt trửng” phải được xếp vào trường hợp “lưỡng khả” (hai cách viết đều được chấp nhận).

Hoàng Trinh Sơn (CTV)

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nuot-chung-nbsp-va-nuot-trung-254254.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm