>> Trấn Yên: Để chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn
>> Trấn Yên phấn đấu trồng mới và cải tạo 150 ha dâu trong năm 2025
>> Trấn Yên thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững
Thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên đã ban hành nhiều kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể. Đồng chí Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Phát triển nông nghiệp không chỉ là chuyện của mùa màng mà là chiến lược phát triển dài hạn. Trấn Yên lấy người dân làm trung tâm, lấy liên kết chuỗi giá trị làm động lực và lấy hiệu quả bền vững làm tiêu chí cốt lõi”.
Từ định hướng ấy, Trấn Yên đã không ngừng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; ưu tiên công nghệ cao, khuyến khích sản xuất hữu cơ, chú trọng đăng ký nhãn hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, huyện hiện đã bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 9 sản phẩm, trong đó có các nhãn hiệu được thị trường biết đến rộng rãi như: chè xanh Trấn Yên, quế vỏ khô Trấn Yên, bưởi Trấn Yên, gà đồi Trấn Yên, mật ong Trấn Yên, Miến đao Quy Mông, quýt Hưng Thịnh và thanh long ruột đỏ Minh Quân, cùng chỉ dẫn địa lý "Măng tre Bát Độ Yên Bái”.
Hiện nay, Trấn Yên đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Những con số minh chứng cho sức bật của ngành nông nghiệp huyện: tre măng Bát Độ hơn 5.000 ha, sản lượng trên 34.000 tấn/năm; dâu tằm trên 1.000 ha, sản lượng kén trên 1.600 tấn/năm; quế 20.000 ha, trong đó có 12.000 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; cây ăn quả trên 1.000 ha; chăn nuôi hàng hóa hơn 700 cơ sở, sản lượng gia cầm xuất chuồng gần 10.000 tấn/năm.
Không dừng lại ở sản xuất, huyện còn chú trọng khâu chế biến và truy xuất nguồn gốc. Trấn Yên hiện có 17 vùng/cơ sở đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trong nước và quốc tế. Trong đó: 6 chứng nhận VietGAP, 3 chứng nhận hữu cơ trong nước, 1 chứng nhận hữu cơ Organic cho cây quế.
Xác định Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chiến lược quan trọng để nâng cao giá trị nông sản, Trấn Yên đã huy động sự vào cuộc từ cấp huyện đến thôn, bản. Đến nay, huyện đã có 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, vượt xa mục tiêu đề ra. Trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP không chỉ được gắn tem truy xuất nguồn gốc mà còn đạt các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Nhiều sản phẩm nổi bật đã trở thành biểu tượng của nông sản Trấn Yên như: quế điếu thuốc Đào Thịnh, bột quế Hòa Cuông, măng chua Bát độ Kiên Thành, chè xanh Bảo Hưng... Đặc biệt, 4 cơ sở sản xuất đã đạt tiêu chuẩn HACCP - tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe hàng đầu thế giới.
Nền tảng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững không thể không nhắc đến những nông dân "thế hệ mới” ở Trấn Yên - những người đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa sản xuất. Tại xã Hưng Thịnh, mô hình trồng bưởi của ông Hà Đình Giáp với diện tích 1,5 ha đã áp dụng thành công kỹ thuật tưới tiêu, chăm bón hiện đại. Tại thôn Khang Chính, ông Mai Văn Tình đầu tư 3,5 ha cam CT9 và CT36 từ Dự án hợp tác với Trường Đại học Hùng Vương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định đã phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt áp dụng công nghệ sinh học, quy mô lên đến 250 con lợn thịt và 45 con lợn nái. Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh chia sẻ: "Xã đã quy hoạch và hình thành được vùng cây ăn quả tập trung. 2 sản phẩm chủ lực là quýt Đường canh và bưởi Diễn đã được công nhận OCOP, đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn”.
Theo bà Triệu Thị Bích Liệu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trấn Yên, nhiều sản phẩm chủ lực của huyện đã được xuất khẩu ra thế giới như: quế xuất sang châu Âu; măng tre Bát Độ xuất sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc; tơ tằm xuất sang Trung Quốc và Ấn Độ... "Chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá trị tăng cao, đời sống người dân cũng khấm khá hơn. Đây là minh chứng sống động cho mô hình nông nghiệp gắn kết - hiện đại - bền vững” - bà Liệu nhấn mạnh.
Trấn Yên hôm nay không chỉ là vùng đất "chè xanh, quế ngát, măng thơm, tơ vàng”, mà còn là hình ảnh sinh động của một địa phương biết "đi tắt, đón đầu”, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại. Trong hành trình chuyển mình đó, những sản phẩm nông nghiệp chủ lực chính là "hạt ngọc” quý giá kết tinh từ đất đai, con người và khát vọng vươn xa.
Trong năm 2024 - 2025, huyện Trấn Yên phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; xuất khẩu 8-10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực ra thị trường quốc tế; xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa, khai thác văn hóa bản địa, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng; tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ hiện đại.
|
Trần Ngọc
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349916/O-noi-che-xanh-que-ngat-mang-thom-to-vang.aspx
Bình luận (0)