BHG - Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. Công tác lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đang được toàn tỉnh triển khai sâu rộng, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp Nhân dân. Mỗi ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần dân chủ, trí tuệ, niềm tin của Nhân dân vào một bản Hiến pháp thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Lần đầu tiên kể từ ngày lập pháp, Nhân dân có thể trực tiếp đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đây là giải pháp mới, thuận tiện, nhanh chóng, minh bạch trong việc xác thực thông tin. Để đảm bảo mục tiêu trên 95% công dân có tài khoản định danh mức độ 2 tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung quán triệt, tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức; đoàn viên, thanh niên; lực lượng vũ trang và người dân trình tự thực hiện các bước, gửi nội dung góp ý thành công.
Người dân thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình) tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. |
Theo ghi nhận tại xã Xuân Giang (Quang Bình), ngay khi có chỉ đạo của cấp trên, xã đã ban hành kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng tổ công tác đến 9/9 thôn để tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến Nhân dân. Ngoài lực lượng Công an là nòng cốt, xã còn bố trí thêm cán bộ hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để góp ý đúng cách. Từ cán bộ, đảng viên đến người dân đều quan tâm, theo dõi và chủ động góp ý vào những nội dung thấy cần điều chỉnh, bổ sung. Tính đến nay, toàn xã có 1.341 lượt người dân được lấy ý kiến bằng hình thức trực tiếp qua cuộc các họp thôn và 1.013 lượt công dân góp ý vào dự thảo Hiến pháp qua nền tảng VNeID.
Anh Hoàng Văn Dương, Trưởng thôn Chì, xã Xuân Giang cho hay: “Tôi thấy việc sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều nội dung sát với thực tiễn. Cấp xã là nơi gần dân nhất, nếu tổ chức bộ máy hợp lý, cán bộ đủ năng lực thì mọi chính sách mới đến được với dân một cách hiệu quả. Người dân mong rằng sau sửa đổi, chính quyền xã sẽ có đủ thẩm quyền, nguồn lực và trách nhiệm rõ ràng để phục vụ dân tốt hơn”.
Cán bộ Công an hướng dẫn người dân góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên VNeID. |
Đại diện cho người có uy tín, ông Hoàng Văn Mới, thôn Chì, xã Xuân Giang bày tỏ quan điểm: “Tôi rất vui khi tham gia ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp. Tôi nghiên cứu trong dự thảo làm rõ hơn nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận không chỉ là nơi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hiện dân chủ và phản biện xã hội. Khi được xác định rõ vai trò và quyền hạn trong Hiến pháp, Mặt trận Tổ quốc sẽ phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.
Những ngày này, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các xã, phường, thị trấn hỗ trợ kỹ thuật, giúp người dân truy cập và gửi ý kiến vào dự thảo Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Thượng tá Lã Văn Việt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: “Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động cán bộ, chiến sỹ đến tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế để hướng dẫn Nhân dân tham gia góp ý thuận lợi, đầy đủ”.
Tính đến ngày 18.5, toàn tỉnh đã có 58.500 lượt người đóng góp ý kiến vào bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung trên phần mềm VNeID. Ngoài ra, người dân cũng đã góp ý nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm bằng các hình thức khác. Sự đồng thuận của Nhân dân là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, khát vọng vươn lên, vì một đất nước dân chủ, công bằng, văn minh và hiện đại.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn: https://baohagiang.vn/lay-y-kien-nhan-dan/202505/phat-huy-quyen-lam-chu-tri-tue-cua-nhan-dan-vao-hien-phap-d0179ad/
Bình luận (0)