Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy sức trẻ trong Bình dân học vụ số

Thực hiện phong trào Bình dân học vụ số, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực số cho người dân. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, đoàn viên, thanh niên đã đưa phong trào này đến gần với người dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội số toàn diện.

Báo Phú YênBáo Phú Yên08/05/2025

Thành viên đội hình thanh niên tình nguyện Bình dân học vụ số xã An Định (huyện Tuy An) hướng dẫn nâng cao năng lực số cho người dân. Ảnh: CTV

Không ngại khó, gõ từng nhà

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” là cách mà đội hình thanh niên tình nguyện Bình dân học vụ số xã An Định (huyện Tuy An) thực hiện trong thời gian qua để nâng cao năng lực số cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Mặc dù chỉ mới thành lập được 2 tháng, nhưng 12 thành viên của đội rất tích cực phối hợp với đoàn thanh niên xã và công an xã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân định danh điện tử, triển khai ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ cá nhân lên ứng dụng VNeID, sử dụng mã QR để thanh toán, tuyên truyền về hình thức lừa đảo, nội dung xấu độc trên không gian mạng…

Anh Nguyễn Đăng Trình, Phó Bí thư Xã đoàn, Đội trưởng đội hình thanh niên tình nguyện Bình dân học vụ số xã An Định chia sẻ: Các thành viên trong đội đến từng nhà “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người cao tuổi những thao tác cơ bản nhất như: truy cập internet, cài đặt ứng dụng VNeID, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng. Chúng tôi nhắc nhở bà con không tin theo bất cứ cuộc gọi điện thoại nào, không ấn vào những đường link lạ, nếu có khúc mắc thì đến UBND xã để được giải quyết.

Hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số, trong 2 tháng qua, tuổi trẻ TP Tuy Hòa không ngại vất vả, xung kích, trực tiếp đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình để hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ.

Ở tuổi 65, bà Nguyễn Thị Lệ (phường 5, TP Tuy Hòa) dùng điện thoại thông minh nhưng còn nhiều thao tác, ứng dụng chưa biết cách sử dụng. Thông qua phong trào Bình dân học vụ số, bà đã được các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của TP Tuy Hòa đến tận nhà hướng dẫn cập nhật thông tin, giấy tờ lên ứng dụng VNeID và tuyên truyền cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo. Bà Lệ cho biết: “Tôi là dân buôn bán nên giao dịch, chuyển tiền trên điện thoại liên tục. Nhưng hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi. Nhờ các cháu thanh niên hướng dẫn, tôi đã biết vài cách để phòng tránh các cuộc điện thoại, trang web lừa đảo. Phong trào Bình dân học vụ số này của thanh niên rất thực tế, giúp ích cho người dân”.

Nhân rộng phong trào

Phong trào Bình dân học vụ số giai đoạn 2025-2027 được Trung ương Hội LHTN Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ tháng 2/2025 nhằm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phong trào gồm các nội dung: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, các cấp bộ hội, hội viên và thanh niên về Bình dân học vụ số; thành lập các đội hình Bình dân học vụ số do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức các lớp Bình dân học vụ số.

Đoàn thanh niên nhận thức sâu sắc rằng, việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và thói quen của thanh niên về chuyển đổi số, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với tổ chức đoàn trong giai đoạn cách mạng mới. Tuổi trẻ sẽ là lực lượng xung kích nhất lan tỏa phong trào Bình dân học vụ số đến toàn dân.

Bí thư Tỉnh đoàn Lương Minh Tùng

Tại Phú Yên, nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 47-NQ/TU của Tỉnh ủy về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phong trào được triển khai đến các cấp bộ đoàn, hội toàn tỉnh trong năm 2025, cao điểm trong Tháng Thanh niên và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2025. Theo đó, tổ chức đoàn, hội cấp xã phối hợp thành lập ít nhất 1 đội hình Bình dân học vụ số phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị. Cán bộ đoàn, hội, hội viên, thanh niên có kiến thức tốt về công nghệ là lực lượng nòng cốt, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có tư duy và kỹ năng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng truyền đạt, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Theo anh Lương Minh Tùng, Bí thư Tỉnh đoàn, trong 2 tháng qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã thành lập 102 đội hình tình nguyện Bình dân học vụ số với 1.165 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia. Các đội hình đã triển khai 132 hoạt động phổ cập kiến thức công nghệ thông tin và kỹ năng số, an ninh cho gần 2.010 người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.

Tỉnh Phú Yên phấn đấu hết năm 2025 đạt mục tiêu: tỉ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt trên 70%; 100% ĐVTN sử dụng các dịch vụ xã hội; tích cực tham gia tuyên truyền, hỗ trợ, đảm bảo tối thiểu 50% người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chính quyền số, xã hội số, tham gia phát triển kinh tế số…

“Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội trực thuộc huy động đông đảo đội ngũ cán bộ, ĐVTN cùng tham gia phổ cập kiến thức số đến từng hộ gia đình, từng người dân. Với lợi thế về sức trẻ và sự năng động, sáng tạo, những mô hình, phần việc gắn với phong trào Bình dân học vụ số của thanh niên sẽ nhanh chóng thúc đẩy, nâng cao kỹ năng số cho toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi số quốc gia diễn ra hiệu quả và đồng bộ”, anh Tùng nhấn mạnh.

Nguồn: https://baophuyen.vn/goc-tre/202505/phat-huy-suc-tre-trong-binh-dan-hoc-vu-so-0c80fd4/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm