Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm địa phương thông qua HTX

(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX chính là “chìa khóa” giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, XDNTM, nâng cao đời sống người dân.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa16/05/2025

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm địa phương thông qua HTX

Thành viên HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) tham gia chăm sóc, thu hái chè.

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Thái, xã Quang Chiểu (Mường Lát) chỉ quen với phương thức canh tác chọc lỗ, bỏ hạt, trồng ngô, trồng sắn... Và cây lúa nếp Cay Nọi cũng là một trong những cây trồng truyền thống gắn liền với đời sống bà con nơi đây. Theo chị Lương Thị Nông, Giám đốc HTX nông lâm Chung Thành (Mường Lát), trước đây bà con nông dân địa phương chỉ trồng lúa nếp Cay Nọi theo phương thức manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp để phục vụ nhu cầu ăn uống hoặc dùng vào các dịp lễ, tết nên diện tích gieo trồng chỉ vài chục ha. Do vậy, giá cả bấp bênh, cây trồng sâu bệnh nhiều, năng suất không cao. Thế nhưng giờ đây, hạt gạo ấy đã mang lên mình thương hiệu OCOP, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Nhận thấy cây lúa nếp Cay Nọi có thể tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời có thể xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Bởi vậy, HTX Nông lâm Chung Thành đã được thành lập để làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào. Đến nay, HTX đã liên kết với các hộ dân xã Quang Chiểu để sản xuất gạo nếp Cay Nọi theo Chương trình OCOP. Các hộ dân tham gia mô hình được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.

Chị Lương Thị Nông, Giám đốc HTX nông lâm Chung Thành cho biết: Để nâng tầm giá trị cho gạo nếp Cay Nọi, HTX đang xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây là cơ sở quan trọng giúp gạo nếp Cay Nọi từ đặc sản địa phương trở thành sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng và có giá bán ổn định hơn. Qua đó có thể khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”.

Đánh giá về mô hình sản xuất lúa nếp Cay Nọi tại địa phương, ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát cho rằng, sự phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện với HTX nông lâm Chung Thành để triển khai mô hình sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mở ra cơ hội để sản phẩm OCOP địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ thực tiễn cho thấy, hiện nay bên cạnh đầu tư phát triển các sản phẩm mới thì có rất nhiều HTX quan tâm, đầu tư xây dựng thương hiệu, tem nhãn cho các sản phẩm truyền thống, qua đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Điển hình như cây chè được trồng tại vùng đất Bình Sơn (Triệu Sơn) gần 30 năm qua, trước đây cây chè chỉ được người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sao chè chủ yếu thực hiện thủ công. Từ năm 2016, nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của cây chè nên HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã đứng ra liên kết với các hộ trồng chè tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30ha. Từ khi thành lập đến nay, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn tham gia vào quy trình sản xuất và xây dựng thành công sản phẩm OCOP chè Bình Sơn. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ của HTX đạt 45 tấn chè khô/năm cùng nhiều sản phẩm khác, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập nhờ cây chè.

Hay như HTX nông nghiệp xanh Haca (thị xã Nghi Sơn) đạt các chứng nhận OCOP 4 sao với các sản phẩm đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo nguyên con, viên nang đông trùng hạ thảo. Ngoài ra, HTX đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng số. Còn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc (Như Thanh) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất miến dong Yên Lạc, hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao...

Theo thống kê, đến nay tỉnh Thanh Hóa có hơn 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có gần 490 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 65,42% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh; có gần 300 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 35 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với hàng chục sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng...

Thời gian tới, với mục tiêu phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo định hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngoài sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, rất cần sự nỗ lực, chủ động của chính người dân trong việc đổi mới hoạt động sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng, nắm bắt nhu cầu thị trường...

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-huy-tiem-nang-the-manh-san-pham-dia-phuong-thong-qua-htx-248903.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm