Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa “dòng chảy” di sản gốm Chăm

Ngày 29/11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Qua đó khẳng định nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành di sản chung của nhân loại.

Báo Ninh ThuậnBáo Ninh Thuận16/05/2025

Đồng thời, đặt ra trách nhiệm, thử thách đối với các cấp, các ngành, cộng đồng cư dân sở hữu di sản. Tại Ninh Thuận, các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã và đang được đẩy mạnh thực hiện nhằm duy trì được “dòng chảy” nhịp nhàng, đem lại sức sống mới cho di sản.

Tinh hoa nghề truyền thống

Là nghề thủ công truyền thống, nghề làm gốm của người Chăm Ninh Thuận độc đáo ngay từ cách chọn, xử lý nguyên liệu cho đến cách thức tạo hình khối, hoa văn, phơi và nung sản phẩm. Tất cả đều thể hiện tính sáng tạo và sự tỉ mỉ, công phu của người thợ làng nghề. Nghệ nhân Đàng Thị Tám, làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Nguyên liệu chính làm nên sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc là đất sét được lấy từ cánh đồng Nu Lanh cạnh Sông Quao. Đất ở đây có độ mịn, dẻo, cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Đất sét chỉ được lấy mỗi năm một lần, mỗi lần kéo dài nửa tháng. Tới mùa lấy đất, mọi người đem đất về trữ sẵn ở nhà để dùng cho cả năm. Người thợ sau khi lấy đất sét nguyên liệu về phải phơi khô, đập nhỏ, sau đó đem ủ qua đêm với lượng nước vừa đủ. Sáng hôm sau, đất sét đã ủ đem trộn với cát mịn rồi nhào nặn thật nhuyễn trước khi tạo hình sản phẩm gốm.

Cũng theo bà Tám, người làm gốm ở Bàu Trúc không cần dùng bàn xoay khi tạo hình khối cho sản phẩm. Thay vào đó, họ vừa đi giật lùi vòng quanh khối đất sét, vừa đều tay xoa, vuốt để tạo hình sản phẩm. Sau khi tạo hình khối, hoa văn, gốm được đem phơi và nung ngoài trời ở nhiệt độ 500-600 độ C. Gốm nung xong còn nóng hổi sẽ được vẩy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm để tạo nên những vết loang. Vì thế, mỗi sản phẩm là độc bản, không hề bị trùng lặp, đơn điệu.

Sản phẩm gốm Chăm ở làng nghề Bàu Trúc rất đa dạng, phong phú, từ các sản phẩm gốm sử dụng trong đời sống hằng ngày như nồi cơm, lu nước cho đến các sản phẩm gốm gắn với đời sống văn hóa, tâm linh như lư lửa, phù điêu, tượng, tháp. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các nghệ nhân làng gốm còn phát triển các sản phẩm gốm mỹ nghệ như bình gốm mỹ nghệ, đèn trang trí, tháp nước... Tất cả đều được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống mà các gia đình người Chăm duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền - con gái nối”.

Tại buổi Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận vào tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới, do đó tỉnh Ninh Thuận cần có quy hoạch cụ thể, thiết thực hơn trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Lan tỏa dòng chảy di sản

Tự hào với di sản được ghi danh, nhưng nhìn nhận thực tế, cũng như nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác, nghề làm gốm của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đang gặp không ít thách thức. Hiện nay, do tác động cơ chế kinh tế thị trường, khoa học và công nghệ phát triển, làng nghề đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thành sản phẩm, thu nhập từ làm gốm...

Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Khu phố Bàu Trúc hiện có 2 hợp tác xã, 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng khoảng 300 hộ dân còn duy trì nghề gốm. Nghề cần được duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ nhưng thực tế nhiều nghệ nhân đã cao tuổi. Vì vậy, việc tổ chức truyền dạy, nâng cao tay nghề cho thế hệ trẻ, đồng thời “tiếp lửa nghề”, tình yêu, lòng say mê với nghề gốm truyền thống là rất cần thiết.

Vào cuối tháng 11/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Ninh Phước tổ chức 2 lớp truyền dạy nghệ thuật làm gốm của người Chăm cho 30 học viên thuộc thế hệ trẻ và 30 học viên là những thợ gốm lành nghề của làng gốm Bàu Trúc. Là một trong những nghệ nhân tham gia truyền dạy, nghệ nhân Đàng Thị Luyến chia sẻ: Trước đây, thế hệ trẻ trong làng ít người khát khao học nghề, còn những người có tay nghề thì đã lớn tuổi. Từ khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành di sản thế giới cần bảo vệ khẩn cấp, công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị của nghề làm gốm được tăng cường. Nhờ đó, đến nay, thế hệ trẻ trong làng đã quan tâm học nghề làm gốm truyền thống. Tham gia lớp truyền dạy nghề, tôi và những nghệ nhân có tay nghề không chỉ hướng dẫn các em, các cháu kỹ thuật làm đồ gốm gia dụng, sản phẩm gốm mỹ nghệ, mà còn giải thích ý nghĩa, giá trị của từng sản phẩm và nghề gốm của người Chăm để lớp trẻ hiểu hơn, yêu hơn nghề truyền thống của quê hương, dân tộc mình.

Truyền dạy nghề làm gốm truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh đang cụ thể hóa các cam kết về bảo vệ di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm theo hướng xây dựng làng nghề gốm Bàu Trúc thành làng du lịch cộng đồng nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của địa phương, đồng thời bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật gốm Chăm Bàu Trúc. Đặc biệt, giúp người làm gốm sống được với nghề. Cụ thể, làng gốm Bàu Trúc đã thành lập Ban phát triển du lịch cộng đồng với hơn 60 thành viên, đầy đủ các tổ chuyên môn như làm gốm, ẩm thực, văn nghệ, nhạc cụ truyền thống. Nhờ hoạt động chuyên nghiệp, Ban phát triển du lịch cộng đồng làng Bàu Trúc không chỉ phục vụ du khách đến tham quan tại làng nghề, mà còn được mời đi biểu diễn, quảng bá sản phẩm gốm Chăm khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ đó mang lại thu nhập cho người dân.

Gìn giữ, phát huy giá trị nghề làm gốm truyền thống đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, ý thức trách nhiệm và thực hành di sản từ chính cộng đồng người Chăm, tạo sức sống mới, lan tỏa mạnh mẽ hơn “dòng chảy” di sản này. Mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” giai đoạn 2023-2028 với tổng vốn đầu tư trên 220 tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm bảo tồn kỹ thuật và quy trình làm gốm truyền thống; đào tạo và truyền nghề cho thế hệ trẻ; tăng cường phát triển và quảng bá sản phẩm gốm Chăm; bảo vệ các khu vực làm gốm truyền thống; nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản; đảm bảo sự tham gia hợp tác giữa các cấp chính quyền và cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật gốm; đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nghề gốm; đề xuất phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Tất cả các mục tiêu cụ thể này không chỉ tập trung vào bảo tồn di sản văn hóa mà còn nhấn mạnh phát triển nghề gốm như một ngành nghề bền vững, mang lại lợi ích cộng đồng người Chăm trong thời gian dài.

Với đề án đã được xây dựng, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền các cấp và tâm huyết, tình yêu của người nghệ nhân dành cho các sản phẩm gốm Chăm, có thể kỳ vọng trong tương lai, nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm Ninh Thuận sẽ còn được tiếp nối qua nhiều thế hệ, như một “dòng di sản” chảy mãi với thời gian.

Minh Thương

Nguồn:https://baoninhthuan.com.vn/news/152833p1c29/lan-toa-dong-chay-di-san-gom-cham.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm