Trong cuộc phỏng vấn này, Minh chia sẻ về hành trình phát triển chatbot, những khó khăn, cũng như những ước mơ trong tương lai của em và nhóm bạn.
Chào Tường Minh! Em có thể chia sẻ cảm hứng nào đã thúc đẩy em và nhóm mình tạo ra chatbot này không?
Ý tưởng này bắt đầu sau các chuyến đi thiện nguyện lên các tỉnh miền núi phía Bắc vào dịp Tết. Trong những chuyến đi đó, em gặp nhiều bạn nữ sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Dù rất thông minh và chăm chỉ, các bạn lại thiếu thông tin cơ bản về sức khỏe, tâm lý và định hướng học tập. Em nhận ra rằng, có nhiều tổ chức hỗ trợ vật chất, nhưng lại thiếu thông tin tri thức gần gũi với nhu cầu thực tế của các bạn ấy. Chính điều này đã thôi thúc em và nhóm phát triển một chatbot dễ tiếp cận dành riêng cho các bạn nữ sinh vùng cao.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang (áo dài xanh) cùng nhóm nghiên cứu dự án "Người bạn AI của nữ sinh" bên lề Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ" thành phố Hà Nội lần thứ XV.
Vậy hành trình em và các bạn phát triển chatbot này như thế nào? Nhất là những khó khăn mà em và nhóm đã gặp phải?
Bọn em sử dụng nền tảng ZeroChat của công ty VedaX để xây dựng chatbot này. Đầu tiên, bọn em thu thập và làm sạch dữ liệu, rồi đưa vào mô hình RAG để chatbot có thể tìm kiếm và đưa ra câu trả lời hiệu quả. Phiên bản đầu tiên là Callbot, sau đó mới phát triển thành Chatbot. Khó khăn lớn nhất là làm sao để nội dung chatbot vừa dễ hiểu, vừa chính xác, mà vẫn khiến người dùng cảm thấy thoải mái khi trò chuyện.
Vậy chatbot của các em cung cấp những thông tin gì cho nữ sinh? Phản hồi từ người dùng ra sao?
Chatbot hiện tập trung vào ba mảng: giáo dục giới tính, sức khỏe tinh thần và học tập. Để tiếp cận chatbot, các bạn nữ sinh có thể sử dụng đường link này: https://zerophone.us/customerEmbed/bvte/sk_KKhRGRVPBUCFxM2MMf2qtgDntDy8ElJkuCXfZC3ZvKBSTQgA6E2rHnXaquWmkw để trò chuyện qua cuộc gọi. Ngoài ra, chúng em cũng có một website để giới thiệu thêm về dự án: https://hotronusinh.org/.
Lúc đầu, nhiều bạn còn ngại nói chuyện với AI, nhưng sau một thời gian, họ cảm thấy thoải mái hơn. Số lượng câu hỏi và tần suất tương tác cũng tăng lên. Tính đến hiện tại, phản hồi khá tích cực. Các bạn thường hỏi về các chủ đề như dinh dưỡng, nấu ăn và chăm sóc sức khỏe.
Các em làm thế nào để đảm bảo thông tin chatbot cung cấp là chính xác và phù hợp với độ tuổi của người dùng?
Chúng em luôn muốn đảm bảo chatbot không chỉ thân thiện mà còn cung cấp nội dung chính xác. Trong quá trình xây dựng dữ liệu, chúng em đã hợp tác với bác sĩ Tăng Kỳ Ninh để rà soát và chọn lọc thông tin, đảm bảo chatbot truyền tải kiến thức an toàn và phù hợp.
Trong tương lai, các em có dự định mở rộng tính năng nào cho chatbot không?
Bọn em dự định phát triển thêm tính năng đa ngôn ngữ, không chỉ bằng tiếng Việt mà còn tiếng Anh và một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số phổ biến như tiếng Thái, tiếng Mông. Việc thêm ngôn ngữ sẽ giúp chatbot tiếp cận gần hơn với các bạn ở những khu vực đặc thù. Ngoài ra, chúng em cũng mong muốn phát triển tính năng đọc và giải thích văn bản để giúp các bạn nữ sinh vùng cao ôn tập hiệu quả hơn.
Các em nghĩ công nghệ AI có thể thay đổi cách giáo dục cho nữ sinh vùng cao như thế nào?
Chúng em tin rằng AI là cầu nối mạnh mẽ giữa các khu vực khó tiếp cận và nguồn tri thức. Với những bạn nữ sinh vùng cao gặp rào cản về điều kiện học tập, AI có thể mang đến một người bạn lắng nghe 24/7, luôn sẵn sàng giúp đỡ và động viên mà không phán xét.
Cảm ơn em đã chia sẻ những thông tin rất bổ ích! Chúc em và nhóm luôn thành công trong những dự án sắp tới!
Cảm ơn báo Phụ nữ Việt Nam! Em rất vui khi được chia sẻ về ước mơ có thể áp dụng những kiến thức học được để phát triển quỹ hỗ trợ nữ sinh trong tương lai, giúp đỡ thiết thực hơn cho các bạn nữ sinh vùng cao.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/phat-trien-chatbot-ho-tro-nu-sinh-vung-cao-20250509105709211.htm
Bình luận (0)