Cập nhật ngày: 08/05/2025 05:14:21
ĐTO - Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Ngự ban hành Kế hoạch số 58 ngày 12/1/2022 nhằm cụ thể hóa Kết luận số 249 của Tỉnh ủy khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời xây dựng Nghị quyết số 03 ngày 12/9/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch cộng đồng vùng Long Khánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lãnh đạo thực hiện mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Du khách trong và ngoài tỉnh tắm cồn sông Tiền thuộc địa bàn xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự
Ban Chấp hành Đảng bộ lãnh đạo UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khuyến khích đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển du lịch tại địa phương như: ưu tiên hỗ trợ hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Các ngành chức năng huyện thường xuyên tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư và liên kết hợp tác, giới thiệu hình ảnh của huyện trên hệ thống thông tin đại chúng; phát động thi đua chuyên đề về phát triển du lịch huyện. Cùng với đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với sự tư vấn của một số chuyên gia đến từ TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) về phát triển du lịch vùng Long Khánh, chợ quê cuối tuần, các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.
Liên quan đến phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương, huyện Hồng Ngự xác định phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng điểm du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm và tạo dựng thương hiệu du lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch. Trong đó, tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, sinh thái, tắm cồn, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, ẩm thực, văn hóa - tâm linh, di sản văn hóa phi vật thể Làng nghề dệt choàng Long Khánh. Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của di sản, huyện Hồng Ngự chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang các di tích như: Đình Long Thuận, Đình Thường Phước, Long Khương Miếu (xã Long Khánh A) được trùng tu, tôn tạo. Năm 2024, địa phương tiếp tục tu bổ, sửa chữa tất cả các di tích được xếp hạng trên địa bàn (hiện đã hoàn thành các hồ sơ công tác tu bổ, sửa chữa đang chuẩn bị triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2025).
Du lịch sinh thái trên địa bàn được đông đảo du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm cảnh làng quê cù lao Long Khánh; trải nghiệm vườn cây ăn trái xã Long Khánh A; vườn nho Ba Tuấn (xã Long Khánh B); xem vườn cây dược liệu tại Điểm du lịch sinh thái Tiên Định (xã Phú Thuận A); tắm cồn sông Tiền. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm hàng hóa thủ công từ Làng nghề truyền thống dệt choàng xã Long Khánh A, du khách có thể trải nghiệm các công đoạn sản xuất (nhuộm vải, quay tơ, dệt máy, dệt tay...); tham quan nhà cổ, nhà sàn; trải nghiệm các hoạt động với nông dân... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và phục vụ du lịch. Ngoài ra, trong 2 năm 2023 - 2024, huyện Hồng Ngự đã hình thành và ra mắt các điểm du lịch cộng đồng như: Bãi tắm cồn thị trấn Thường Thới Tiền, Chợ quê Long Thuận, các dịch vụ trải nghiệm tại Điểm du lịch cộng đồng xã Long Khánh A.
Đồng chí Lê Hùng Dũng - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, cho biết: “Từ năm 2021 - 2024, huyện Hồng Ngự đón trên 360.600 lượt khách, trong đó có 6.500 lượt khách quốc tế (vượt trên 60.000 lượt khách so với kế hoạch đề ra). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 74 tỷ đồng, trong đó năm 2021 đạt 5,3 tỷ đồng; năm 2022 đạt 16,375 tỷ đồng; năm 2023 đạt 37,2 tỷ đồng, năm 2024 là 14,685 tỷ đồng. Từ đó, góp phần tạo dựng hình ảnh huyện Hồng Ngự nói riêng và của tỉnh Đồng Tháp nói chung”.
Thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 58 ngày 12/1/2022 của Huyện ủy Hồng Ngự về thực hiện Kết luận số 249 của Tỉnh ủy khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện và Nghị quyết số 03 ngày 12/9/2024 của Huyện ủy về phát triển du lịch cộng đồng vùng Long Khánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường đổi mới phương thức quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, kiến trúc, môi trường, an ninh trật tự; có giải pháp hiệu quả trong quản lý du khách. Ngoài ra, đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để thu hút khách đến tham quan du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của địa phương. Đặc biệt, tập trung đầu tư, khai thác, phát triển tiềm năng, thế mạnh các điểm du lịch trọng điểm gắn phát triển du lịch với phát triển thương mại, dịch vụ nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng.
NGỌC TÂM
Nguồn: https://baodongthap.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-gan-voi-tao-dung-hinh-anh-dia-phuong-131293.aspx
Bình luận (0)