Tăng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Nội vụ) là nơi phản ánh rõ nét nhất xu thế lao động của thị trường hiện nay. Theo lãnh đạo Trung tâm, mỗi năm, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua Sàn giao dịch việc làm hàng chục nghìn lao động, trong đó, nhu cầu về nguồn lao động đã qua đào tạo tăng dần qua mỗi năm. Tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, trong tổng số hơn 1.000 vị trí việc làm được tuyển dụng qua Sàn thì số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm tỉ lệ khá.
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại NIPLAS, khu công nghiệp Phúc Sơn (thành phố Hoa Lư) chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe. Để đảm bảo nhiệm vụ sản xuất, Công ty đang có nhu cầu tuyển hàng trăm lao động là công nhân sản xuất; nhân lực vận hành robot, bảo trì… yêu cầu đối với những vị trí việc làm này tối thiểu phải có trình độ trung cấp trở lên. Mức lương mà người lao động được nhận từ 8-18 triệu đồng/tháng.
Công ty tích cực tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức để trực tiếp gặp gỡ với các ứng cử viên cho vị trí việc làm. Đáng mừng là cơ cấu lao động cũng đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ lao động đã qua đào tạo. Tuy vậy, hiện nay việc tuyển dụng lao động ở cả vị trí phổ thông hay lao động đã qua đào tạo đều không dễ dàng vì nhu cầu của thị trường ngày càng lớn do các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng chí Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Các phiên giao dịch việc làm ngày càng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nguyên nhân là bởi chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo đã khẳng định được uy tín, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng, nguồn tuyển cũng dồi dào hơn. Không chỉ tuyển dụng qua Sàn giao dịch, nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng đào tạo trực tiếp; tham gia ngày hội việc làm của các cơ sở đào tạo nghề… để có cơ hội tuyển dụng trực tiếp nguồn nhân lực này.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sử dụng lao động có tay nghề cao. Để giải “cơn khát” về nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, tỉnh ta xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Giai đoạn 2014- 2024, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo mới các trình độ GDNN cho gần 190.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều mỗi năm, năm 2024 đạt 71%; dự kiến đến hết năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%. Bên cạnh các giải pháp nhằm tăng nhanh về số lượng đào tạo, tỉnh còn đặt ra những mục tiêu rất cụ thể để nâng chất cho công tác giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.
Cụ thể, đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Trong đó, một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% chương trình đào tạo nghề được xây dựng trên cơ sở khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp”; có 3 trường đạt chất lượng cao; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có từ 1 đến 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong các nước ASEAN-4.
Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao tại địa phương, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Đón đầu xu thế để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp
Để thực hiện các mục tiêu mà tỉnh đặt ra, đặc biệt là để thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong bối cảnh mới, hiện nay, các cơ sở GDNN đã tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển toàn diện.
Ông Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường luôn chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, coi đây là yếu tố căn bản để thu hút học viên và đào tạo được nguồn lao động đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay, trong công tác giảng dạy, đội ngũ giáo viên nhà trường đã sử dụng hầu hết các bài giảng bằng công nghệ mới, áp dụng thành thạo và hiệu quả công nghệ thông tin. Một số bài giảng sử dụng thiết bị dạy nghề tự làm phù hợp với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao. Nhiều bài giảng đã lựa chọn phù hợp và sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học truyền thống (trực quan, đàm thoại, thuyết trình…) và một số phương pháp dạy học tích cực như nêu vấn đề, mô phỏng, chương trình hóa… làm cho bài giảng sinh động, hứng thú, tạo không khí học tập tích cực, phát huy được tính tự chủ và sáng tạo của người học.
Các cơ sở GDNN cũng tập trung đẩy mạnh “Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp”, kết hợp với doanh nghiệp trong việc đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập. Khi làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp, học viên được hoàn thiện kỹ năng nghề, ý thức, tác phong làm việc công nghiệp. Ngoài các chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định, các nhà trường đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp xây dựng các mô đun nâng cao để đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề lại cho người lao động của các doanh nghiệp.
Một số cơ sở GDNN đã chủ động lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến, chất lượng cao của khu vực và quốc tế vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với điều kiện của đơn vị. Các cơ sở đào tạo nghề cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề để người lao động bắt kịp xu hướng và hòa nhập tốt với thị trường lao động thế giới.
Ông Dương Văn Cường, Hiệu trường Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết thêm: Những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh việc quốc tế hóa trong mọi lĩnh vực như: công nghệ, đào tạo, hợp tác... Sau khi tham gia các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, học viên được cấp bằng quốc tế, có giá trị ở tất cả thị trường lao động. Đi cùng khả năng ngoại ngữ tốt, sinh viên có cơ hội việc làm rộng mở, tham gia vào thị trường lao động thế giới với thu nhập ở mức cao.
Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô là đơn vị rất tích cực hợp tác quốc tế trong đào tạo các nghề: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp và cắt gọt kim loại. Các nghề được đào tạo theo chương trình chuyển giao đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã ký kết với nhà trường trong việc tiếp nhận sinh viên sau đào tạo.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Tham gia chương trình đào tạo này, sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở tầm quốc tế. Trong quá trình học, các em được thực tập tại các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với chương trình đào tạo trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Ngay trong thời gian thực tập, các em đã có thể làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Số sinh viên này sau khi ra trường đã được thu hút vào các doanh nghiệp lớn bằng các chính sách ưu đãi…
Với nhiều lợi thế, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN đang được các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh nắm bắt cơ hội để tiếp cận và đưa sinh viên vào thị trường lao động chất lượng cao, thậm chí là thị trường lao động thế giới
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-tao-loi-the-trong-thu-hut-dau-tu-922526.htm
Bình luận (0)