Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phở 200.000 đồng ở sân bay Nội Bài: Đắt đỏ do gánh nhiều chi phí?

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, một bát phở tại sân bay "gánh" nhiều khoản chi phí cao hơn so với khi bán ở các quán ăn trong nội thành.

Báo Dân tríBáo Dân trí08/05/2025

Ngày 6/5, báo Dân trí đăng tải bài viết "Bát phở 200.000 đồng ở sân bay Nội Bài, khách "than" quá đắt" đề cập đến câu chuyện mức giá đồ ăn tại cảng hàng không quốc tế cao gấp 4-5 lần so với quán bên ngoài. 

Bài viết đã nhận được hàng nghìn bình luận và lượt chia sẻ của độc giả. Trong đó, đa số ý kiến phàn nàn về giá bán đồ ăn, thức uống tại các sân bay ở mức quá cao.

Tài khoản Hungthanh bày tỏ: "Tôi có dịp đi du lịch một số nước. Thông thường, trong sân bay, họ chỉ bán đồ ăn với giá cao hơn bên ngoài 10-20%. Ở sân bay Nội Bài, mức giá quá cao".

Phở 200.000 đồng ở sân bay Nội Bài: Đắt đỏ do gánh nhiều chi phí? - 1

Suất phở gà giá 8 USD (hơn 200.000 đồng) tại nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: Tuệ Minh).

"Khách phải vào sân bay mới ăn được sao... Tôi nghĩ mọi người có thể ăn bên ngoài. Phở ở sân bay không có gì đặc biệt nhưng giá đắt đỏ, vì mất nhiều chi phí nhất là tiền thuê mặt bằng", độc giả Phạm Thanh Nhật viết.

Ở một góc nhìn khác, có một số độc giả cho rằng, giá đã niêm yết rõ ràng, khách hoàn toàn có quyền lựa chọn thay vì phàn nàn.

Một độc giả viết: "Thông tin giá cả niêm yết rõ ràng, dịch vụ và vệ sinh tốt, đồ ăn khá ổn, khách thấy chấp nhận được thì vào ăn, không ăn thì có ai ép buộc đâu nhỉ?".

Giải mã chi phí của một bát phở sân bay

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch F&B Investment - nhận định tranh cãi về giá cả đồ ăn, thức uống tại sân bay không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Tùng, mức giá hàng hóa tại sân bay thường cao hơn so với bên ngoài vì các sản phẩm phải "gánh" nhiều loại chi phí. Người bán buộc phải định giá làm sao cho đủ bù đắp các chi phí, đồng thời đảm bảo có lãi.

"Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa ở sân bay gồm: Chi phí mặt bằng, lương nhân sự, tiêu chuẩn và kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm...", ông nhấn mạnh.

Phở 200.000 đồng ở sân bay Nội Bài: Đắt đỏ do gánh nhiều chi phí? - 2

Ông Hoàng Tùng cho rằng, câu chuyện tranh cãi mức giá bán đồ ăn tại sân bay không chỉ có ở Việt Nam mà diễn ra tại nhiều quốc gia khác (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sân bay thường nằm xa khu vực trung tâm nên tiền vận chuyển nguyên liệu đầu vào sẽ tốn kém hơn. Đồ ăn và thức uống bán tại các cảng hàng không có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc rất kỹ lưỡng. Việc đưa các nguyên liệu vào bên trong để chế biến phải trải qua quá trình kiểm soát, soi chiếu chặt chẽ, đặc biệt là ở các nhà ga quốc tế. 

Chi phí thuê nhân sự làm việc tại các quán ăn, nhà hàng trong sân bay cũng không hề thấp. Ông Tùng lý giải, nhân viên làm việc ở đây phải đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, có thể phải trải qua quá trình đào tạo về kỹ năng an ninh.

"Nhân sự làm việc ở sân bay thường có mức lương cao hơn. Tuy nhiên, đãi ngộ cao không đồng nghĩa với việc dễ dàng tuyển dụng. Khi làm ở sân bay, nhân viên phải di chuyển xa,  tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt khiến chi phí giữ chân người lao động ở mức cao so với các quán bên ngoài", ông Tùng nhấn mạnh.

Đã từng trải nghiệm ẩm thực tại nhiều sân bay, ông Tùng cho rằng cả người bán lẫn khách hàng đều có những lý lẽ riêng khi nhìn nhận về mức giá cao của một tô phở. Người bán phàn nàn về chi phí đầu vào cao, còn khách hàng khó chấp nhận mức giá đắt hơn so với bên ngoài trong khi chất lượng chưa thật sự được như mong muốn.

Phở 200.000 đồng ở sân bay Nội Bài: Đắt đỏ do gánh nhiều chi phí? - 3

Giá bán phở lên đến 10 USD tại một quán ở sân bay Nội Bài (Ảnh: Tuệ Minh).

Chung quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam - cho rằng nếu so sánh giá bán một bát phở ở sân bay với một bát phở tương tự ở các quán bình dân là khập khiễng.

Bởi, đằng sau món ăn này ở sân bay là câu chuyện về chi phí đầu tư mặt bằng, nguyên liệu làm món ăn đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lương nhân sự...

Nhìn hình thức có thể giống nhau nhưng công đoạn làm ra bát phở ở sân bay có thể phức tạp hơn. Cụ thể, nước dùng được nấu sẵn từ bên ngoài mang vào nhà ga, nên chủ nhà quán phải trang bị thêm máy móc và thiết bị để giữ chất lượng tốt nhất. 

"Tại các quán bình dân, nhân công bán phở có thể là người nhà, nguyên liệu được nhập từ mối quen ở chợ. Trong khi đó, nhân viên bán phở tại sân bay được thuê và qua tuyển dụng, nguyên liệu phải trải qua quá trình kiểm soát chặt chẽ...", ông Quân nhấn mạnh.

Ở góc độ của một khách hàng, vị chuyên gia bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với người tiêu dùng khi phải ăn một bát phở đắt gấp 2-3 lần so với các quán bình dân. Tuy nhiên, là người thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không, ông Quân từng chứng kiến mức giá đồ ăn, thức uống đắt đỏ tại các sân bay trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Malaysia...

Giải pháp để có bát phở sân bay với giá phù hợp

Giá bán phở tại sân bay ở mức cao đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có những giải pháp giúp khách cảm thấy hài lòng hơn. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thường Quân nêu ý kiến, chủ quán ở sân bay nên đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng, thay vì chỉ một vài mức giá như hiện tại.

Phở 200.000 đồng ở sân bay Nội Bài: Đắt đỏ do gánh nhiều chi phí? - 4

Ông Nguyễn Thường Quân cho rằng nên có những bát phở nhỏ hơn và mức giá phù hợp túi tiền hơn (Ảnh: Hà Nam).

"Cụ thể, nhà hàng trong sân bay có thể làm thêm các suất phở nhỏ hơn với mức giá vừa túi tiền từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng. Chủ quán nên tính toán làm sao mức giá càng rẻ càng tốt nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn", ông Quân bày tỏ.

Trong khi đó, ông Hoàng Tùng bày tỏ, chủ kinh doanh có quyền lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng song giá thành hợp lý nhất. Khách sẽ hài lòng nếu chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt.

Chuyên gia lĩnh vực F&B này cho rằng, chủ quán có thể công khai cho khách biết những chi phí đầu vào để làm ra một bát phở và số tiền thực nhận về. Trong đó, một phần lợi nhuận doanh nghiệp có thể tham gia các hoạt động an sinh xã hội, tăng thêm những trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng. 

"Mức giá cao nhưng khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tốt, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy số tiền bỏ ra là đáng giá. Đồng thời, thực khách sẽ hiểu hơn về cái khó của doanh nghiệp nhằm có sự chia sẻ", ông Tùng nói.

Với các nhà hàng, yếu tố cần quan tâm là cải thiện và nâng cao chất lượng đồ ăn. Ông Tùng đánh giá, đây không phải là việc dễ dàng vì khâu hậu cần ở sân bay đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, chủ quán khó có thể xây dựng được khu bếp rộng rãi như các quán ăn bên ngoài. 

"Nói như vậy không có nghĩa là không thể làm được. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong khả năng và tùy điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp sẽ góp phần làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng", ông Tùng nêu quan điểm.

Ngoài ra, vị chuyên gia này dẫn chứng, một số sân bay như Changi (Singapore) hay Incheon (Hàn Quốc)... đã có khu vực bán hàng hóa với mức giá không quá chênh lệch so với bên ngoài.

"Sân bay chính là bộ mặt của một quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Cho nên, cơ quan chức năng có thể thực hiện chính sách giảm phí cho chủ cửa hàng. Từ đó, chủ doanh nghiệp sẽ bán đồ ăn, thức uống với mức giá hợp lý hơn, khách không còn cảm thấy khó chịu khi chi tiền", ông Tùng bày tỏ.

Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/pho-200000-dong-o-san-bay-noi-bai-dat-do-do-ganh-nhieu-chi-phi-20250507204901851.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm