
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương phát biểu tại sự kiện (Ảnh: BTC).
Diễn đàn DNS Châu Á - Thái Bình Dương 2025 (APAC DNS Forum 2025) là sự kiện quốc tế quan trọng do ICANN và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức, đang diễn ra trong các ngày 7-9/5.
Hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ kỹ thuật chuyên sâu mà còn là điểm hội tụ tầm nhìn, thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm phát triển hạ tầng Internet an toàn, ổn định, đặc biệt là hệ thống DNS, và phổ cập tên miền quốc gia ".vn", hướng tới một tương lai số bao trùm và phát triển bền vững.
Bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng
Tại phiên thảo luận ngày 8/5, ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một nội dung quan trọng là tập trung phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số.
Hạ tầng Internet, bao gồm hạ tầng DNS là một thành phần quan trọng của hạ tầng số. Việc quản lý đảm bảo an toàn, tin cậy hệ thống DNS quốc gia, phát triển phổ cập tên miền quốc gia ".vn" để phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng".
Theo Thứ trưởng Phương, Internet sẽ chuyển sang giai đoạn mới Internet vạn vật (IoT), Internet lượng tử (Quantum Internet) với các công nghệ như 5G/6G, IPv6, Big Data, Cloud, AI, Blockchain, Quantum computing… với số lượng kết nối vô cùng lớn.
Nhiều hình thức kết nối mới, dịch vụ mới ra đời, tuy nhiên tài nguyên Internet, tên miền, hệ thống DNS luôn là lớp nền định danh - nơi bắt đầu mọi kết nối số có vai trò thiết yếu trong bảo đảm sự tin cậy, an toàn của không gian số.
Trao đổi tại hội thảo, ông Kurtis Lindqvist - Chủ tịch, Tổng giám đốc ICANN cho biết, Internet là một công cụ quyền năng để thúc đẩy hòa bình, tăng trưởng, thịnh vượng cũng như sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ.
Ông nhận định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có vị thế trung tâm năng động và cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của Internet, đồng thời cho biết sứ mệnh của ICANN là hỗ trợ các sáng kiến giúp đưa nhiều người dân hơn lên mạng, vượt qua các thách thức và nắm bắt những cơ hội.
Phổ cập tên miền ".vn" đóng vai trò bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng. Hiện số doanh nghiệp đăng ký tên miền ".vn" mới đạt khoảng 25% (tỷ lệ này ở các nước phát triển trên 70%). Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước khi sáp nhập) đã có bước đi đột phá để phổ cập tên miền ".vn", thúc đẩy kinh tế số.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã thảo luận về các sáng kiến, cách làm hay để thúc đẩy những mô hình quản lý, giải pháp phát triển tài nguyên Internet, hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh, an toàn và thích ứng với xu thế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn cầu.
Đồng thời, góp phần ứng dụng hiệu quả công nghệ mới như DNSSEC, 5G/6G, IPv6, Big Data, cloud, AI, blockchain… trong quản lý, phát triển, đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống hạ tầng máy chủ tên miền DNS; phát triển phổ cập đa ngôn ngữ, tạo ra một không gian mạng toàn diện, nhân văn và bao trùm.
Thách thức và những bước tiến của Việt Nam
Trao đổi với phóng viên về triển khai chương trình thúc đẩy tên miền ".vn" (Chương trình 826 của Bộ Khoa học Công nghệ (Bộ cũ là Bộ Thông tin và Truyền thông) sau 1 năm, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết: "Chương trình 826 của Bộ Thông tin và Truyền thông (trước khi sáp nhập - PV), với sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện trực tuyến của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, hộ kinh doanh và doanh nghiệp mới thành lập.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC (Ảnh: BTC).
Mong muốn là mỗi cá nhân, tổ chức sẽ có một website với tên miền quốc gia ".vn" để xây dựng thương hiệu cá nhân/doanh nghiệp, tăng cường sự tin cậy, an toàn và khẳng định định danh trên mạng Internet. Điều này không chỉ góp phần phát triển Internet trong nước và toàn cầu mà còn tăng cơ hội việc làm, kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế số và xã hội số".
Kết quả bước đầu rất tích cực: Nhờ không gian tên miền mới, chính sách ưu đãi miễn phí từ nhà nước và sự tham gia của các nhà đăng ký tên miền quốc gia (cung cấp nền tảng đăng ký trực tuyến thuận tiện, website và email hosting miễn phí 2 năm kèm tên miền), đã có gần 100.000 tên miền ".vn" được đăng ký và đưa vào sử dụng.
Đây là nền tảng tốt để người dùng nâng cao nhận thức, kỹ năng hiện diện trực tuyến và phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Thắng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị tập trung vào phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với vai trò là cơ quan quản lý và thúc đẩy sử dụng tài nguyên Internet Việt Nam, VNNIC mong muốn ứng dụng hiệu quả tài nguyên Internet vào mục tiêu này.
Hai định hướng chính của VNNIC bao gồm:
Làm chủ công nghệ: Đảm bảo hạ tầng Internet Việt Nam, tài nguyên Internet (tên miền quốc gia, địa chỉ IP), hệ thống DNS quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) được an toàn, bền vững và do Việt Nam làm chủ.
Tăng cường hiện diện trực tuyến: Nghiên cứu quốc tế cho thấy những nơi có nhiều người truy cập Internet băng rộng và nhiều website của doanh nghiệp/người dân thì thu nhập bình quân đầu người cao hơn (một nghiên cứu chỉ ra mức tăng 7%).
Trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình 826 để phổ cập tên miền quốc gia ".vn" và các dịch vụ số do Việt Nam làm chủ cho người dân, doanh nghiệp (đặc biệt là thế hệ trẻ, doanh nghiệp mới thành lập, hợp tác xã, hộ kinh doanh).
Sau năm 2025, VNNIC mong muốn chương trình này được mở rộng, kéo dài với nhiều đối tượng ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ hơn, hướng tới mục tiêu mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đều có website riêng với tên miền quốc gia, xây dựng một không gian số an toàn, tin cậy, có chủ quyền và mang thương hiệu quốc gia.
Mục tiêu của VNNIC là đạt 1 triệu tên miền .vn vào năm 2025. Đây là một chỉ số thách thức, vì khi đặt ra mục tiêu này, Việt Nam mới có hơn 500.000 tên miền. Hiện nay, chúng ta đã đạt 660.000 tên miền, nghĩa là cần thêm khoảng 340.000 tên miền nữa vào cuối năm nay.
Thương hiệu quốc gia và chương trình "Make in Vietnam" đã lan tỏa sâu rộng, giúp tên miền ".vn" có sự nhận diện tốt.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng vẫn còn không ít thách thức như khi đi sâu phổ cập, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, rào cản lớn nhất là kỹ năng số của người dân còn hạn chế.
"Với sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối. VNNIC áp dụng phương pháp làm điểm rồi nhân rộng, ví dụ như tại Đồng Tháp, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, đi xuống tận phường, xã, huyện, cùng tổ công nghệ số cộng đồng, thanh niên đến từng nhà, hộ kinh doanh, trường đại học tổ chức workshop.
Kết quả ở Đồng Tháp rất thành công với 8.000 hộ kinh doanh đăng ký website từ con số 0. Sinh viên cũng rất hưởng ứng", ông Thắng nêu giải pháp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/pho-cap-ten-mien-quoc-gia-de-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-20250508161034269.htm
Bình luận (0)