Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Tỉnh An Giang đang đứng trước bước ngoặt chiến lược

Sáng 13/7, tại Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ nhiều nhận định sâu sắc và đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ “nút thắt” phát triển, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của An Giang.

Báo An GiangBáo An Giang14/07/2025

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về định hướng phát triển của tỉnh An Giang được nêu tại dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Thứ nhất, Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng đang là “điểm sáng”, là tọa độ “bình yên” trong một thế giới đầy rủi ro và bất ổn, là đối tác đáng tin cậy trong môi trường phát triển nhiều bất trắc. Đây là một lợi thế lớn, mở ra cơ hội hiếm có để đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác phát triển, đặc biệt trên phương diện quốc tế.

Các quốc gia và địa phương của Việt Nam, cụ thể là tỉnh An Giang không thể phát triển đúng nghĩa (nhanh - bền vững) trong môi trường cạnh tranh - hợp tác toàn cầu hiện đại nếu không tạo ra được, không dựa vào những năng lực phát triển mới và khác, nếu tính linh hoạt chính sách và năng lực thích ứng không được cải thiện căn bản. Mục tiêu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số là yêu cầu sống còn đặt ra cho mỗi địa phương. Đối với An Giang, là tỉnh có múc độ “thuần nông” cao, thách thức càng gấp bội.

Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh phải thể hiện rõ nhận thức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với An Giang là đòi hỏi bắt buộc - ngay và luôn, và mang tính sống còn. Nó đòi hỏi An Giang, mỗi chủ thể kinh tế của tỉnh phải có một chiến lược “tự cường có chọn lọc” - tức là chiến lược xây dựng năng lực nội sinh vững mạnh, dựa vào lợi thế, đặc biệt là các lợi thế động và mang tính tích hợp - cộng hưởng của tỉnh mới, đồng thời mở rộng liên kết vùng, quốc gia và quốc tế một cách chủ động và hiệu quả. Với vị trí địa - kinh tế, với thế và lực phát triển đặc thù, An Giang cũng phải như vậy, càng phải như vậy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên.

Thứ hai, đất nước vào thế, vào nhịp phát triển mới, thay đổi căn bản tầm nhìn, cách tiếp cận, với những động lực và mô hình tăng trưởng - phát triển mới. Xu thế này tạo ra một tâm thế phát triển mới đặc biệt tích cực cho cả dân tộc; biến tình thế phát triển hiện nay trở thành một cơ hội lịch sử “ngàn năm có một”, không được phép lãng phí, bỏ qua.

Trong tình thế đó, thách thức - cơ hội phát triển đều khác thường, mang tầm toàn cầu và có tính lịch sử - thời đại. Để vượt qua thách thức, hiện thực hóa được cơ hội đó, việc tiếp tục logic phát triển truyền thống, tiếp tục dựa vào “tận khai” những nguồn lực vốn có và động lực cũ là không đủ và không thể. Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng cần những năng lực - động lực phát triển mới và khác.

Với cách tiếp cận đó, “Tứ trụ Nghị quyết” - “Tứ trụ Chiến lược”, mà Bộ Chính trị vừa ban hành phải được coi là khung khổ định hình tư duy phát triển, xác lập các ưu tiên chiến lược quan trọng nhất mà tỉnh An Giang sẽ giải quyết trong giai đoạn tới.

Thứ ba, việc cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, xã) từ ngày 1/7/2025 là một bước chuyển thể chế lớn. Tuy nhiên, vấn đề không còn là “thí điểm” mà là vận hành hiệu quả ở tất cả các địa bàn. Để sớm đạt mục tiêu đề ra - điều rất có ý nghĩa để không gây ra sự đứt đoạn điều hành, gây cản trở nỗ lực tăng trưởng cao bền vững, các tỉnh cần đặc biệt quan tâm thiết lập cơ chế điều phối liên xã, bảo đảm quản lý tập trung mà vẫn phát huy được tính chủ động của từng đơn vị cơ sở, đồng thời tránh tình trạng phân tán nguồn lực, trùng lặp chức năng, hoặc “hành chính hóa” xã, phường.

Thứ tư, sau khi cả nước sắp xếp lại đơn vị hành chính từ 63 tỉnh, thành phố còn 34 tỉnh, thành phố, nhiều tỉnh mới hình thành có quy mô và năng lực cạnh tranh vượt trội. Trong không gian phát triển đầy tính đua tranh, cạnh tranh quyết liệt đó, tỉnh An Giang sẽ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào tài nguyên và các nguồn lực vật thể truyền thống (vẫn chưa khai thác hiệu quả) sang dựa vào thể chế linh hoạt, công nghệ cao và nhân lực chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để tỉnh An Giang mới phát huy được hệ lợi thế mới, giữ được vị thế và tốc độ phát triển cao bền vững trong một cấu trúc quốc gia mới.

Trên nền bối cảnh đó, tôi đề xuất định hướng chiến lược phát triển tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030 theo tinh thần dựa vào khung khổ “Tứ trụ chiến lược” và hai tuyến hành động “tinh chỉnh bộ máy” và “sắp xếp lại giang sơn” mà Trung ương đang ưu tiên thúc đẩy thực hiện.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.

Phóng viên: Theo ông, tầm nhìn chiến lược và lựa chọn ưu tiên của tỉnh An Giang đến năm 2030 là gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Về tầm nhìn chiến lược, cần xây dựng An Giang trở thành một cực tăng trưởng chiến lược vùng, có năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế đẳng cấp, dựa trên ba trụ đỡ hiện đại: Đổi mới sáng tạo, thể chế hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân năng động, trong một môi trường phát triển ổn định - mở - linh hoạt và mang tính cạnh tranh cao.

Thông điệp chiến lược: Bằng đổi mới sáng tạo, thể chế hiện đại, doanh nghiệp tiên phong và hội nhập sâu rộng, tỉnh vươn mình thành cực tăng trưởng chiến lược vùng.

Các đột phá chiến lược có thể kể đến, bao gồm:

Thứ nhất, về đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và viện nghiên cứu; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong nông nghiệp, du lịch, quản lý đất đai và dịch vụ công. Hình thành các cụm sáng tạo liên phường, xã ở vùng đô thị và nông thôn, tăng cường liên kết đổi mới từ cơ sở. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP và hình thành 1.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, về cải cách thể chế và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật: Thiết lập cơ chế phản biện chính sách và giám sát thực thi ngay từ cấp xã, bảo đảm mọi chính sách đến được với người dân và doanh nghiệp. Triển khai mô hình trung tâm phân tích chính sách và pháp chế địa phương, giúp thẩm định, rà soát, đánh giá tác động và theo dõi hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cần xác định rõ vấn đề cốt tử hiện nay của tỉnh là chất lượng bộ máy hành chính công vụ còn yếu, cả về năng lực lẫn đạo đức công vụ. Phải có chương trình tổng thể xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm và trong sạch, gắn với cải cách tuyển dụng, đánh giá hiệu quả công tác dựa trên KPIs, chế độ đãi ngộ và cơ chế kỷ luật nghiêm minh. Xây dựng môi trường thực thi pháp luật minh bạch, kỷ cương và phục vụ, thay vì hành chính hóa và lạm quyền.

Thứ ba, về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân: Ban hành chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt của An Giang, ưu tiên khuyến khích phát triển các doanh nghiệp “đầu chuỗi”, có tầm nhìn, năng lực cạnh tranh, trách nhiệm xã hội và dẫn dắt. Mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, công nghệ, mặt bằng và thủ tục hành chính theo mô hình “một điểm dừng”. Quy hoạch và vận hành hiệu quả các khu công nghiệp xanh - thông - ưu tiên doanh nghiệp tư nhân công nghệ cao và xuất khẩu. Bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân theo đúng tinh thần hiến định và cam kết quốc tế.

Thứ tư, về chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả: Thiết lập hành lang kinh tế - logistics Việt - Campuchia - ASEAN, gắn với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay và các tuyến cao tốc đi qua tỉnh. Thể chế vượt trội cho các đặc khu cộng với tầm phát triển vượt trội cho Phú Quốc đua tranh toàn cầu đẳng cấp cao nhất. Chiến lược phát triển nhân lực đặc biệt. Xây dựng “bản sắc hội nhập quốc gia” cho Phú Quốc, giữ gìn, phát huy cốt lõi truyền thống Nam bộ cùng với hội tụ tinh hoa văn hóa Việt và mở rộng và tiếp nhận tinh hoa toàn cầu.

Du khách tham quan chợ đêm Phú Quốc.

Tỉnh cần xác định rõ phát triển hệ thống khu công nghiệp hiện đại, xanh, công nghệ cao là một đột phá chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện và năng lực của tỉnh. Trong đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước tham gia đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ logistics… tại các khu công nghiệp. Kết nối các khu công nghiệp với đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành chuỗi giá trị công nghiệp khép kín, gắn với đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, năng lượng, môi trường và đô thị xung quanh các khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững và có chiều sâu.

Tỉnh An Giang đang đứng trước bước ngoặt chiến lược, không thay đổi là tụt hậu, nhưng thay đổi nửa vời thì không đủ sức bật. Chỉ bằng cách đổi mới tư duy, kiên quyết cải cách thể chế, đầu tư vào con người và công nghệ, vận hành bộ máy hiệu quả và trong sạch, tỉnh mới có thể chuyển hóa được vị trí địa lý thành lợi thế phát triển, biến truyền thống thành động lực đổi mới và khẳng định vai trò là một trong những cực phát triển mới của đất nước.

Phóng viên: Cảm ơn ông!

TÂY HỒ - TRUNG HIẾU thực hiện

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/pho-giao-su-tien-si-tran-dinh-thien-tinh-an-giang-dang-dung-truoc-buoc-ngoat-chien-luoc-a424277.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm