Các nhà giao dịch trên dàn chứng khoán New York (Nguồn: Reuters/CNBC) |
Trong các phát biểu gần đây, không chỉ các quan chức Mỹ mà ngay cả Tổng thống Donald Trump dường như đã mềm mỏng hơn trong lập trường về quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên các phát biểu dường như vẫn còn thiếu nhất quán, không khỏi khiến thị trường nhầm lẫn. Chẳng hạn ông Trump nói với các phóng viên từ Không lực Một rằng ông sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc trừ khi “họ đưa cho chúng ta thứ gì đó”.
Về phía mình, Trung Quốc đã miễn một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ khỏi mức thuế 125%, nhưng cho biết hôm thứ Năm rằng hiện không có cuộc đàm phán nào với Mỹ về một thỏa thuận thương mại tiềm năng.
Mặc dù vậy, những động thái này cũng cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang giảm bớt căng thẳng trong chiến tranh thương mại, vốn đã làm rung chuyển thị trường trong nhiều tuần.
Thêm một động lực cho thị trường chính là các báo cáo thu nhập khả quan của nhiều công ty niêm yết. Theo LSEG, mùa báo cáo thu nhập quý đầu tiên đã đạt đến đỉnh điểm, với 179 công ty trong S&P 500 đã báo cáo; trong số đó, 73% đã vượt qua kỳ vọng. Các nhà phân tích hiện thấy thu nhập tổng hợp của S&P 500 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lạc quan hơn so với ước tính 8,0% vào ngày 1/4.
Greg Bassuk, CEO tại AXS Investments ở New York cho biết, thị trường đang hướng đến một kết thúc tốt đẹp cho một tuần khá mạnh mẽ. “Tuần bắt đầu với tâm lý bán mạnh nhưng sau đó là sự phục hồi mạnh mẽ thực sự. Đây là một tuần khá mạnh mẽ và phần lớn được thúc đẩy bởi cảm giác hạ nhiệt của cả cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”, ông nói.
Đặc biệt S&P 500 và Nasdaq được hỗ trợ bởi mức tăng trong nhóm “Magnificent Seven” liên quan đến trí tuệ nhân tạo, trong khi Dow Jones tăng nhẹ hơn. Cụ thể khép lại phiên giao dịch cuối tuần, Dow Jones tăng 20,10 điểm, tương đương 0,05%, lên 40.113,50 điểm. S&P 500 tăng 40,44 điểm, tương đương 0,74%, lên 5.525,21 điểm. Nasdaq Composite tăng 216,90 điểm, tương đương 1,26%, lên 17.382,94 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ dẫn đầu nhóm tăng, trong khi vật liệu chịu mức giảm phần trăm lớn nhất.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 cũng đạt được mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 11.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng với triển vọng của thị trường bởi triển vọng của kinh tế Mỹ vẫn đang bị che mờ bởi chính sách thuế quan của ông Trump đang làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đại học Michigan hôm thứ Tư (23/4) đã công bố báo cáo điều chỉnh về tâm lý người tiêu dùng tháng 4 và mặc dù chỉ số đã được điều chỉnh tăng, nhưng vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 và kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao.
Đây là biểu đồ đường cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong 20 năm qua. Trong tháng 4, chỉ số chung là 52,2, triển vọng về nền kinh tế hiện tại là 59,8 và kỳ vọng cho tương lai là 47,3.
IMF mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 1,8% trong năm 2025, giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, đồng thời thấp hơn đáng kể mức 2,8% của năm 2024. Dự báo cho năm 2026 cũng bị hạ 0,4 điểm phần trăm, còn 1,7%.
Mặc dù vậy Jay Hatfield – Người sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của InfraCap lạc quan cho rằng, tình trạng bất ổn tồi tệ nhất do thuế quan gây ra đã qua. “Sự nhầm lẫn về việc liệu có thực sự có các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc hay không đã làm giảm bớt sức hấp dẫn của thị trường”, ông nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn. “Quan điểm của chúng tôi là chúng ta đã đạt đến đỉnh điểm của cơn thịnh nộ về thuế quan và do đó, nó có thể mang tính tích cực hơn là tiêu cực”.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/pho-wall-ghi-nhan-tuan-tang-diem-thu-hai-lien-tiep-163398.html
Bình luận (0)