Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh. |
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Việc phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đối với những trường hợp thuộc diện được TGPL là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong xã hội.
Nhờ có sự phối hợp liên ngành, những người thuộc diện TGPL (người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, trẻ em...) sẽ được hỗ trợ pháp lý đầy đủ, kịp thời.
Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Trung tâm TGPL Nhà nước... giúp quy trình giải quyết vụ việc chặt chẽ, không chồng chéo, tránh tình trạng bỏ sót đối tượng cần được trợ giúp, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong xử lý vụ việc, chất lượng TGPL sẽ được nâng lên.
Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL thể hiện tính nhân đạo và công bằng xã hội. Việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý là biểu hiện cụ thể của một nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người.
Sự phối hợp liên ngành sẽ hạn chế oan sai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được TGPL. Từ đó tăng niềm tin của người dân vào pháp luật. Đây cũng là bước đi thực tiễn góp phần cải cách tư pháp theo hướng dân chủ, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm.
P.V: Trong thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh có nét nổi bật gì, kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Công tác TGPL trong hoạt động tố tụng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trung tâm TGPL tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng ban hành các kế hoạch thực hiện phối hợptheo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL; tăng cường mối quan hệ và trao đổi thông tin, giới thiệu người thuộc diện được TGPL giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm, đảm bảo các đối tượng TGPL được cung cấp kịp thời thông tin và tiếp cận sớm dịch vụ TGPL.
Tính từ ngày 01/11/2024 đến ngày 25/4/2025, Trung tâm TGPL tỉnh Thái Nguyên (cũ) đã thực hiện thụ lý mới 247 vụ việc tham gia tố tụng. Trong đó, có 208 vụ hình sự; 33 vụ việc dân sự: 33 vụ việc; 6 vụ việc hành chính.
Chất lượng vụ việc tham gia tố tụng ngày càng được chú trọng, trợ giúp viên pháp lý đã tham gia nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng và các vụ án dân sự, hành chính phức tạp. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng ngày càng được khẳng định.
Các vụ việc tham gia tố tụng đều có ý kiến phản hồi của người được TGPL hài lòng về thái độ phục vụ, cách thức trợ giúp của đội ngũ trợ giúp viên và không phát sinh khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp viên, chuyên viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân. |
P.V: Bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Hội đồng và Sở Tư pháp sẽ có những giải pháp nào để khắc phục, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp liên ngành trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Đúng là bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp liên ngành về TGPL vẫn còn một số khó khăn như: việc thông tin, phối hợp đôi khi chưa kịp thời; một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đúng mức; hay việc nhận diện đối tượng được TGPL còn hạn chế, còn có tượng yếu thế chưa kịp thời yêu cầu để được trợ giúp.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng, Sở Tư pháp đã xây dựng một số định hướng trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp về TGPLtrong lĩnh vực này.
Trước hết, chúng tôi sẽ tham mưu kiện toàn, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan TGPL, bảo đảm thống nhất trong quy trình chuyển giao, tiếp nhận và cử người tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng thực tiễn cho cán bộ làm công tác TGPL cũng như cán bộ trong các cơ quan tố tụng, nhằm nâng cao năng lực phối hợp và nhận diện đúng, đủ đối tượng được trợ giúp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp, quản lý hồ sơ, theo dõi tiến độ thực hiện các vụ việc TGPL sẽ được đẩy mạnh để nâng cao tính minh bạch, chính xác và kịp thời.
Song song với đó, Hội đồng sẽ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo công tác TGPL ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn với người dân, nhất là các đối tượng yếu thế.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, công tác TGPL, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Tôi mong rằng, mỗi cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng hãy luôn nâng cao nhận thức, trách niệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan TGPL ngay từ giai đoạn đầu để người bị buộc tội thuộc diện được TGPL được hỗ trợ kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo mọi công dân, đặc biệt là những người yếu thế có cơ hội tiếp cận công lý một cách bình đẳng.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202507/phoi-hoptrong-hoat-dong-to-tunggiup-nguoi-yeu-the-tiep-can-cong-ly-kip-thoi-hieu-qua-4de2ea9/
Bình luận (0)