Mô hình camera an ninh được áp dụng hiệu quả tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: T.L
Là địa bàn miền núi, để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, huyện Đakrông đã thành lập 13 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) cấp xã và 71 tổ CNSCĐ cấp thôn gồm 564 thành viên tham gia với nòng cốt là đoàn thanh niên.
Hiện nay, tổ CNSCĐ trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thực hiện dịch vụ công trên cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia...
Cùng với đó, bưu điện tỉnh, huyện đã hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của huyện lên các sàn thương mại điện tử như Vosco, Postmart. Các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
Tính đến cuối năm 2024, hoạt động của người dân trên môi trường mạng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, đặc biệt là lực lượng nòng cốt đoàn thanh niên đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số. Nhìn chung, qua công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh, đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, bảo đảm ứng dụng có hiệu quả các nền tảng số, khai thác dữ liệu số trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của các ngành, cấp.
Địa phương cũng đã xây dựng và vận hành hệ thống họp trực tuyến liên thông 3 cấp, triển khai hệ thống họp không giấy trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND huyện. Đã triển khai 100% thủ tục hành chính cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến...
Cùng với đó, các xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập được 18 tổ CNSCĐ cấp xã và 149 tổ CNSCĐ cấp thôn. Các thành viên tổ CNSCĐ các xã, thị trấn, thôn, khu dân cư đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; các đề án, kế hoạch về chuyển đổi số của huyện đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, khu dân cư...
Hệ thống thư điện tử công vụ tiếp tục được triển khai đồng bộ, nền nếp tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Tỉ lệ CBCCVC của huyện được cấp hộp thư điện tử công vụ đạt 100%; tỉ lệ CBCCVC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt trên 95%... Dịch vụ công trực tuyến được phổ biến rộng rãi. Bộ phận một cửa của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn được quan tâm đầu tư nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đến nay các địa phương trong tỉnh đã được kết nối internet tốc độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và chính quyền địa phương tiếp cận và ứng dụng công nghệ số. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh với việc triển khai đồng bộ hệ thống quản lý văn bản điện tử, chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến tại các xã. Cùng với đó, tại các địa phương như Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ... đã có nhiều mô hình hộ sản xuất, hợp tác xã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh như tinh bột nghệ, hồ tiêu, gạo hữu cơ, mật ong... đã tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước thông qua môi trường mạng. Tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số cho người dân.
Qua đó giúp người dân bước đầu làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thông tin nông nghiệp, y tế, giáo dục... qua điện thoại thông minh, từng bước hình thành thói quen sống số. Mô hình xã thông minh cũng được tỉnh tiến hành xây dựng tại một số địa phương trong tỉnh với các giải pháp quản lý sản xuất, an ninh trật tự... thông qua ứng dụng công nghệ số. Đây chính là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, gắn với phát triển đô thị hóa hài hòa.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM tại Quảng Trị đang từng bước mang lại hiệu quả rõ nét. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng NTM thông minh, nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, hiện đại.
Thanh Lê
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quan-tam-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-193089.htm
Bình luận (0)