Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quản trị, kế thừa và chuyển đổi số: Những ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp gia đình

DNVN - Doanh nghiệp gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế biến động và nhu cầu chuyển giao thế hệ gia tăng. Việc xác lập chiến lược phát triển, chuyển đổi số và chuẩn bị kế hoạch kế nhiệm trở nên quan trọng để đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp23/04/2025

Theo báo cáo Chỉ số 500 Doanh nghiệp Gia đình Toàn cầu năm 2025, do EY phối hợp cùng Đại học St. Gallen thực hiện, các doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới đã tạo ra tổng doanh thu lên tới 8,8 nghìn tỷ USD – tương đương nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nếu tính như một quốc gia. Họ sử dụng 25,1 triệu lao động, hoạt động tại 44 quốc gia, trong đó châu Á chiếm 18% với 89 doanh nghiệp góp mặt.

Tại Việt Nam, tuy chưa có định nghĩa pháp lý rõ ràng về doanh nghiệp gia đình, nhưng theo EY, có thể tới 80% doanh nghiệp trong nước mang yếu tố gia đình, đóng góp phần lớn GDP và việc làm. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này còn non trẻ, hình thành sau Đổi mới, chưa đủ điều kiện về tuổi đời hay chuyển giao thế hệ để lọt vào danh sách xếp hạng toàn cầu.

Góc nhìn khu vực từ EY: Doanh nghiệp gia đình châu Á đối mặt nhiều biến động

Ông Desmond Teo, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định rằng các doanh nghiệp gia đình trong khu vực đang hoạt động trong một môi trường toàn cầu đầy biến động, với nhiều thách thức đan xen như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng, và các quy định mới liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, ESG hay dữ liệu.

Ông Desmond Teo, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Lãnh đạo Dịch vụ Thuế Tư nhân, EY Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Khu vực Asean.

Ông cũng cho biết, trong số 89 doanh nghiệp gia đình châu Á góp mặt trong Chỉ số 500 toàn cầu, có 17 đến từ khu vực ASEAN. Một số tên tuổi nổi bật như CP ALL Plc. (Thái Lan) – doanh nghiệp gia đình lớn nhất ASEAN, và Ayala Corporation (Philippines) – doanh nghiệp lâu đời nhất khu vực với lịch sử từ năm 1834. Theo ông Teo, việc đối mặt với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, hành vi tiêu dùng và môi trường kinh doanh buộc các doanh nghiệp gia đình phải xem xét lại chiến lược phát triển, trong đó đa dạng hóa và chuyển đổi số là hai hướng đi then chốt.

Việt Nam: Làn sóng chuyển giao thế hệ đang đến gần

Theo ông Trần Đình Cường, Chủ tịch EY Việt Nam, sau hơn 30 năm phát triển, thế hệ sáng lập đầu tiên của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang dần bước vào tuổi 60 và bắt đầu nghĩ đến việc tìm người kế thừa. Tình trạng phụ thuộc lớn vào người sáng lập vẫn phổ biến, trong khi phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch chuyển giao rõ ràng. Ông cho biết, chuyển giao thế hệ tại Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy vậy, quá trình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến chiến lược, nhân sự kế thừa và cơ chế quản trị phù hợp.

Ông Trần Đình Cường, Chủ tịch Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Bốn chiến lược nền tảng cho doanh nghiệp gia đình đa thế hệ

Ông Robert (Bobby) Stover, Jr., Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình EY khu vực Châu Mỹ, cho biết có bốn chiến lược cốt lõi mà các doanh nghiệp gia đình đa thế hệ trên toàn cầu đang thực hiện: chiến lược tăng trưởng, chiến lược vốn hóa, chiến lược thanh khoản cho cổ đông và chiến lược chuyển giao thế hệ.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn phải có cả bốn chiến lược, và chúng đều hoạt động cùng nhau. Hãy nghĩ về điều này như một chiếc ghế bốn chân; nếu bị lấy đi một trong bốn chân, chiếc ghế sẽ sụp đổ" - ông nhận định.

Ông Robert (Bobby) Stover Jr., Lãnh đạo Dịch vụ và Văn phòng Doanh nghiệp Gia đình EY Khu vực Châu Mỹ.

Ông cho biết, các doanh nghiệp gia đình có quy mô lớn và được quản trị tốt trên thế giới đều duy trì được sự ổn định qua nhiều thế hệ nhờ thực hiện đồng bộ cả bốn trụ cột này.

Cơ hội và thách thức trong chiến lược phát triển doanh nghiệp gia đình

Theo ông Trần Nam Dũng, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, doanh nghiệp gia đình đang đối mặt với yêu cầu vừa mở rộng để tăng trưởng, vừa duy trì giá trị cốt lõi nhằm bảo toàn di sản. Ông cho rằng đây là một bài toán không dễ, đặc biệt khi doanh nghiệp cần huy động vốn từ bên ngoài hoặc chuẩn bị cho thế hệ kế nhiệm có thể có quan điểm khác biệt.

Ông Trần Nam Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Lãnh đạo Dịch vụ EY Private, EY Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, ông Dũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần chú trọng chuyển đổi số như một ưu tiên chiến lược. Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo nền tảng để thích ứng linh hoạt với các biến động của thị trường.

Doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần gì để vươn xa?

Một điểm then chốt được các chuyên gia EY nhấn mạnh là sự tham gia của thế hệ tiếp theo – thường gọi là thế hệ F2 – vào hoạt động quản trị. Họ không chỉ tiếp nối truyền thống, mà còn mang theo những giá trị mới: phát triển bền vững, đa dạng, trách nhiệm xã hội và đổi mới sáng tạo.

EY đề xuất mô hình DNA Doanh nghiệp Gia đình, gồm bốn yếu tố: “Value – Giá trị tạo dựng”, “Business – Tăng trưởng doanh nghiệp”, “Assets – bảo toàn và gia tăng gia sản”, và “Family – các vấn đề gia đình”. Bên cạnh đó, khung chiến lược 7 Drivers of Growth của EY – đã giúp hơn 35.000 lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu – cũng là công cụ hữu ích cho doanh nghiệp Việt.

Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, vai trò của khu vực tư nhân – đặc biệt là doanh nghiệp gia đình – càng trở nên quan trọng. Những ưu tiên như chuyển đổi số, tăng cường năng lực quản trị, chủ động chuẩn bị kế hoạch kế nhiệm và cân bằng giữa phát triển kinh doanh và bảo tồn di sản sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo sự ổn định và phát triển dài hạn.

Việc tham chiếu các mô hình quốc tế, học hỏi từ các chiến lược thành công trên thế giới, đồng thời thích ứng với đặc thù văn hóa và thị trường trong nước, sẽ giúp doanh nghiệp gia đình Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Linh Chi

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kinh-doanh/quan-tri-ke-thua-va-chuyen-doi-so-nhung-uu-tien-chien-luoc-cua-doanh-nghiep-gia-dinh/20250422043641036


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm