Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất: Đô thị mới, cơ hội mới

Để phát triển trong bối cảnh mới, hiện nay tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang hoàn thiện kế hoạch hợp nhất. Đây được xem là cơ hội vàng để TP.Đà Nẵng sau sáp nhập bứt tốc vươn lên, tạo động lực mới cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam21/05/2025

SỒNG HÀN
Một góc TP.Đà Nẵng. Ảnh: Đ.VINH

Ngành du lịch sẽ lớn mạnh

Hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam, từ góc nhìn ngành văn hóa - du lịch hiển thị rõ nét nhất. Nằm trên con đường di sản miền Trung, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của hai địa phương.

Lâu nay, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phát triển du lịch theo hướng tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Có đến khoảng 90% du khách đến Đà Nẵng đều ghé Quảng Nam và ngược lại. Sự phối hợp ăn ý giữa hai địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới có tính đặc thù riêng, hạn chế cạnh tranh trực tiếp.

Đà Nẵng có thế mạnh về du lịch sự kiện, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Quảng Nam có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Những sự kiện mang tầm quốc tế đều tổ chức tại Đà Nẵng và cả Quảng Nam đã cho thấy sự thành công trong việc hợp tác, phát triển du lịch, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, sau sáp nhập, Đà Nẵng sẽ là siêu đô thị có vai trò đầu tàu cho vùng kinh tế trong chuỗi đô thị duyên hải miền Trung. Điều này có thể nhận diện qua lợi thế so sánh, quy mô nền kinh tế, tiềm năng vốn có của thành phố mới này.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, hợp nhất hai địa phương, ngành du lịch sẽ lớn mạnh. Đà Nẵng mới sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm mới. Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa sẽ là những sản phẩm mới.

Ngoài hai di sản văn hóa thế giới, TP.Đà Nẵng sau sáp nhập có hơn nửa triệu héc ta rừng nguyên sinh – diện tích rừng lớn nhất cả nước. TP.Đà Nẵng mới còn có Vườn quốc gia Sông Thanh, khu bảo tồn voi, sao la, Sơn Trà, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Đây sẽ là tài nguyên vô giá để khai thác du lịch.

Hiện nay, Quảng Nam và Đà Nẵng đón khoảng 12 triệu lượt du khách, mang về nguồn thu nhập xã hội hơn 40 nghìn tỷ đồng. Sau hợp nhất hai địa phương, số du khách có thể giảm nhưng nguồn thu nhập trực tiếp và gián tiếp sẽ tăng.

Dư địa phát triển dồi dào

TP.Đà Nẵng sau hợp nhất sẽ có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đà Nẵng sẽ có 2 sân bay, hai cảng biển loại 1 và hệ thống giao thông khá đồng bộ, kết nối liên hoàn theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa và cảng Chu Lai có thể đạt 20 triệu tấn/năm.

Tín dụng xanh là động lực tài chính giúp các khu công nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình xanh. Trong ảnh: Cảng Chu Lai - Trường Hải: Ảnh: QUỐC TUẤN
Cảng Chu Lai - Trường Hải: Ảnh: QUỐC TUẤN

Sau sáp nhập, logistics được xem là ngành trọng điểm, tạo động lực tăng trưởng mới sau ngành du lịch. Ở phía Nam có Khu kinh tế mở Chu Lai đã định vị được thương hiệu và vai trò dẫn dắt kinh tế với thế mạnh là sản xuất các mặt hàng trọng điểm như ô tô, công nghiệp phụ trợ và cơ khí chính xác.

Ở trung tâm, Đà Nẵng có khu công nghệ cao chuyên sản xuất linh kiện điện tử, phầm mềm, trí tuệ nhân tạo. Những lĩnh vực này khẳng định vị thế Đà Nẵng sẽ là mắc xích quan trọng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Đà Nẵng và Quảng Nam hợp nhất không chỉ thuận lợi về văn hóa - kinh tế mà cả quốc phòng an ninh.

Đà Nẵng sau sáp nhập sẽ có không gian, dự địa phát triển rất mạnh, tăng sức cạnh tranh khu vực. Trong đó, ngành logistics được xem là thế mạnh kết nối cảng biển Liên Chiểu, Chu Lai đến các nước tiểu vùng sông Mê Kông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây 2.

Mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế với những cơ chế đặc thù sẽ tạo ra bước đột phá mới cho Đà Nẵng không chỉ khu vực miền Trung mà còn lan tỏa phạm vi cả nước.

Gần 30 năm xây dựng, TP.Đà Nẵng đã tạo được nền tảng vững chắc về hạ tầng, định vị được vai trò là một đô thị năng động, hiện đại và là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu của cả nước. Có thể nói, sáp nhập Quảng Nam vào Đà Nẵng như tiếp thêm nguồn lực để nối dài thêm sự phát triển của đô thị biển này.

Hơn 3 triệu người dân Quảng Nam và Đà Nẵng kỳ vọng vào giai đoạn phát triển mới của thành phố hướng ra biển, tựa lưng vào Trường Sơn. Vấn đề còn lại là phát huy lợi thế, khai thác nguồn lực hiện có như thế nào để đưa Đà Nẵng mới vươn lên tầm cao mới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-va-da-nang-hop-nhat-do-thi-moi-co-hoi-moi-3155191.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm